Tính đến hết tháng 8/2023, hàng hóa xuất khẩu Việt Nam phải đối mặt với 234 vụ điều tra phòng vệ thương mại từ 24 thị trường, nhiều nhất là các vụ điều tra chống bán phá giá (129 vụ việc), tiếp đó là các vụ việc tự vệ (47 vụ việc), chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại (34 vụ việc) và chống trợ cấp (24 vụ việc).
Hàng hóa bị điều tra gồm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như: tủ gỗ, gỗ dán, pin năng lượng mặt trời, tôm, cá tra - ba sa, máy xịt rửa áp lực cao…, hay các mặt hàng có kim ngạch nhỏ hơn như: đệm mút, máy cắt cỏ, giấy bọc thuốc lá, hạt nhựa EPS, mật ong...
Theo Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), phòng vệ thương mại là biện pháp rất phổ biến được các nền kinh tế, các quốc gia thành viên WTO thường xuyên áp dụng trong trao đổi thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, tùy từng sản phẩm, ngành hàng, hay thị trường xuất khẩu mà khả năng bị điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại là khác nhau.
Cục Phòng vệ thương mại cho biết, sau khi có Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 1/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã nâng cấp và hoàn thiện hệ thống cảnh báo các mặt hàng có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại. Hệ thống này hiện đang tiến hành theo dõi khoảng 170 mặt hàng xuất khẩu sang các thị trường, trong đó có nhiều thị trường xuất khẩu chủ lực, cũng là những thị trường thường xuyên có các cuộc điều tra phòng vệ thương mại như: Hoa Kỳ, EU, Canada, Australia, Ấn Độ...
Khi xác định được nguy cơ phòng vệ thương mại thông qua cảnh báo sớm, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị doanh nghiệp cần tìm hiểu và nắm được những thông tin, kiến thức cơ bản về phòng vệ thương mại, về quy định phòng vệ thương mại để hiểu được quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp trong các vụ việc phòng vệ thương mại.
Đồng thời, doanh nghiệp cần phải cân nhắc việc chủ động tham gia, chủ động chuẩn bị và cung cấp các thông tin theo yêu cầu của cơ quan điều tra một cách đầy đủ, chính xác, đúng thời hạn. Đó là cơ hội mà cơ quan điều tra của nước nhập khẩu cung cấp cho chúng ta để bảo vệ lợi ích chính đáng của mình.
Khi đã xác định được nguy cơ, doanh nghiệp phải có sự chuẩn bị trước về hệ thống quản trị doanh nghiệp, rà lại, kiểm tra lại hệ thống kế toán, hệ thống sổ sách chứng từ… để đảm bảo hệ thống sổ sách chứng từ, kế toán của doanh nghiệp được hoàn thiện một cách đầy đủ, chính xác, khoa học, có thể truy xuất và xác minh được.
Bên cạnh đó, thông qua đánh giá được nguy cơ, doanh nghiệp nên xác định lại chiến lược kinh doanh, tránh "bỏ trứng vào một giỏ". Đặc biệt, doanh nghiệp cũng cần có sự phối hợp, chia sẻ thông tin, cùng đối phó với nguy cơ chung.