Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ về ý kiến phương án, phương thức thực hiện dự án xây dựng đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Thủ Dầu Một-Chơn Thành, trong đó, thành phố dự kiến chi 2.000 tỷ đồng để làm đường dẫn cao tốc trên địa bàn.
Về nguồn vốn đầu tư, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết sẽ chủ động cân đối, bố trí ngân sách thành phố (tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 2.000 tỷ đồng) để tổ chức triển khai, phát huy hiệu quả đầu tư dự án đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Thủ Dầu Một-Chơn Thành và dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh.
Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ủng hộ phương thức thực hiện dự án theo kiến nghị của Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương với điểm đầu đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Thủ Dầu Một-Chơn Thành kết nối với đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh (thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương).
Điều này phù hợp với Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021.
Với đoạn tuyến kết nối từ đường Vành đai 2 (nút giao thông Gò Dưa) đến đường Vành đai 3 không thuộc quy hoạch đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Thủ Dầu Một-Chơn Thành, nên đoạn đường dẫn kết nối cao tốc sẽ chia thành hai đoạn.
Trên địa bàn tỉnh Bình Dương (từ Vành đai 3 đến ranh Thành phố Hồ Chí Minh) là đường ĐT.743 hiện hữu đã được đầu tư với chiều dài khoảng 7,15km.
Đối với đoạn trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có chiều dài khoảng 1,65km, Ủy ban Nhân dân thành phố đã thống nhất với Bộ Giao thông Vận tải thực hiện từ nút giao Gò Dưa đi dọc theo Tỉnh lộ 43 (thành phố Thủ Đức) khoảng 800m, sau đó rẽ phải theo đường ĐT.743.
Thành phố Hồ Chí Minh sẽ nghiên cứu tiêu chuẩn thiết kế, điều kiện khai thác, rà soát số liệu dự báo lưu lượng, nhu cầu vận tải, các quy hoạch được phê duyệt có liên quan đề xuất phương án đầu tư cho phù hợp.
Ngoài ra, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng đề nghị cần nghiên cứu phương án phù hợp cho nút giao giữa Vành đai 3 và cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Thủ Dầu Một-Chơn Thành trong giai đoạn phân kỳ của đường cao tốc để tổ chức giao thông được an toàn, lưu thông thuận lợi, phát huy hiệu quả đầu tư dự án.
Theo quy hoạch mạng lưới đường cao tốc Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, tuyến đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Thủ Dầu Một-Chơn Thành có tổng chiều dài khoảng 69km; dự kiến đầu tư mới quy mô 6-8 làn xe cao tốc, thực hiện trong giai đoạn trước năm 2030.