Khó duy trì tăng trưởng ổn định
Ngày 13-10, giá dầu WTI và dầu Brent tăng lần lượt 0,72% và 0,3%, lên gần 71,48USD/thùng và 80,5USD/thùng. Cơ quan Thông tin Năng lượng Quốc tế (IEA) cho hay, nguồn cung dầu hiện đã đủ nhưng thị trường phải đối mặt với nhu cầu thế giới giảm 2%. Còn Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA) công bố, tồn kho dầu thô của nước này tăng thêm 6 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 5-10.
Trong báo cáo hàng tháng mới nhất, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã giảm dự báo về tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới trong năm nay và năm sau, tức điều chỉnh giảm trong 3 tháng liên tiếp.
Theo đó, OPEC dự báo nhu cầu dầu thế giới sẽ tăng 1,54 triệu thùng/ngày trong năm nay - thấp hơn 80.000 thùng/ngày so với trong dự báo công bố vào tháng 9. OPEC cũng dự báo năm 2019, nhu cầu dầu chỉ tăng 1,36 triệu thùng/ngày, thấp hơn 50.000 thùng so với dự báo của tháng 9. Điều chỉnh này OPEC theo sát động thái hạ dự báo triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Tại hội nghị Oil & Money ở London (Anh) mới đây, Giám đốc IEA Fatih Birol, cảnh báo giá dầu sẽ có thể tiến tới “vùng báo động đỏ” trong quý IV. Điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế nhiều nước, đặc biệt tại các thị trường mới nổi. Giá dầu đã tăng từ mức hơn 30USD/thùng hồi đầu năm, lên tới 85USD/thùng trong tháng trước.
Đầu tháng này, cả giá dầu Brent và giá dầu WTI cùng đạt mức cao nhất gần 4 năm. Đợt tăng giá này của dầu thô xuất phát từ nỗi lo về sự thắt chặt nguồn cung dầu toàn cầu trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Donald Trump chuẩn bị tái áp dụng các biện pháp trừng phạt lên ngành dầu lửa Iran.
ThS. Nguyễn Trần Minh Trí, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, cho rằng giá dầu trong thời gian tới về cơ bản có thể tạm đoán định khó tăng mạnh, có thể duy trì ở mức 70USD/thùng đến hết 2018. Vấn đề gây lo ngại nhất hiện nay là sức tiêu thụ và sản lượng sản xuất toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng ra sao từ chính sách bảo hộ của Hoa Kỳ nói riêng và chính sách trả đũa của các quốc gia bị ảnh hưởng nói chung, cũng như tâm lý phòng bị của thị trường có thể khiến kinh tế thế giới khó duy trì sự tăng trưởng ổn định.Lo ngại thuế bảo vệ môi trường
Vào cuối tháng 9, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2019 ở mức 6,8%. Song tổ chức này cũng nhận định Việt Nam phải đối mặt với áp lực lạm phát có thể tiếp tục duy trì trong ngắn hạn, do giá dầu quốc tế tăng và giá lương thực tăng. Cụ thể, lạm phát của Việt Nam năm 2018 từ 3,7% lên 4% và trong năm 2019, lạm phát từ 4% lên 4,5%.
Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, Bộ Kế hoạch - Đầu tư đưa ra một số chỉ tiêu chủ yếu: GDP tăng khoảng 6,6-6,8%, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7-8%, nhập siêu dưới 3%, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm khoảng 33-34% GDP, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng khoảng 4%.
Tại báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu (WEO) mới nhất vừa được IMF công bố, định chế này vẫn duy trì các dự báo đưa ra trước đó, với tăng trưởng GDP năm 2018 và 2019 lần lượt đạt 6,6% và 6,5%. Lạm phát của Việt Nam ước vào khoảng 3,8% năm 2018 và nhích lên 4% vào năm tới.
Một yếu tố khiến nhiều chuyên gia quan tâm, là việc tăng thuế bảo vệ môi trường bắt đầu từ năm 2019. Theo Nghị quyết của Quốc hội, từ 1-1-2019, mức thuế bảo vệ môi trường sẽ từ 3.000 đồng/lít lên 4.000 đồng/lít đối với xăng, từ 1.500 đồng/lít lên 2.000 đồng/lít đối với dầu diezel, từ 900 đồng/lít lên 2.000 đồng/lít đối với dầu mazut, dầu nhờn và từ 300 đồng/lít lên 1.000 đồng/lít đối với dầu hỏa.
Đánh giá về tác động của việc tăng thuế, Chính phủ cho biết theo phương pháp tính CPI bình quân, việc thực hiện chỉ tiêu kiểm soát lạm phát của cả năm 2019 sẽ chịu ảnh hưởng bình quân bởi CPI của tất cả tháng trong năm.
Do đó, việc điều chỉnh thuế áp dụng trong tháng 1-2019 sẽ chỉ tác động đến CPI bình quân 2019 ở mức thấp, không ảnh hưởng nhiều đến công tác quản lý, điều hành giá và kiểm soát lạm phát theo mục tiêu của cả năm 2019. Theo đánh giá, nếu điều chỉnh tăng mức thuế bảo vệ môi trường sẽ tác động không lớn đến chỉ số CPI cả năm 2019, chỉ ở mức 0,07-0,09%.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), việc giá xăng dầu liên tục được điều chỉnh tăng sẽ kéo theo nhiều loại mặt hàng khác tăng theo do chi phí vận chuyển tăng lên. Trong bối cảnh giá năng lượng thế giới liên tục hồi phục thời gian qua, việc áp kịch trần thuế bảo vệ môi trường từ năm sau sẽ tạo áp lực lớn lên lạm phát thời gian tới.
Cũng theo dự báo của VEPR, nếu giá nhiên liệu thế giới tiếp tục ở mức cao, đồng thời Việt Nam áp kịch trần thuế môi trường đối với xăng dầu (từ 3.000 lên 4.000 đồng/lít), sự thay đổi của thuế này có thể làm tỷ lệ lạm phát tăng thêm. PGS.TS Phạm Thế Anh, Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô thuộc trường Đại học Kinh tế quốc dân, cho biết theo tính toán của ông nếu thuế xăng tăng thêm 1.000 đồng/lít, sau 1 năm lạm phát sẽ có thể tăng thêm 1,6-1,7%.
Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ vừa qua, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết trong 3 tháng cuối năm 2018 sẽ không tăng giá theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, điểm đáng lo là tổng chi phí phát sinh năm 2018 trong cơ cấu tính giá điện khoảng 5.483 tỷ đồng (phát sinh khoản chênh lệch tỷ giá theo hợp đồng mua bán điện các nhà máy điện năm 2017 khoảng 3.071 tỷ đồng, chi phí tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước khoảng 502 tỷ đồng, và dự kiến giá khí trong bao tiêu thực hiện theo thị trường tăng thêm khoảng 1.910 tỷ đồng). Tổng chi phí tăng thêm năm 2019 của các khoản chi phí nêu trên khoảng 15.252 tỷ đồng.
Cùng với đó, các loại chi phí phát sinh như chênh lệch tỷ giá, giá khí… khiến tổng chi phí tăng thêm của Tập đoàn Điện lực Việt Nam năm 2019, bao gồm các chi phí của năm 2018, năm 2019 nêu trên khoảng 20.735 tỷ đồng.