Sở Quy hoạch – Kiến trúc (QH-KT) TPHCM vừa có tờ trình gửi UBND TPHCM đề nghị phê duyệt Đề án hình thành và phát triển Đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông TPHCM giai đoạn 2020-2025.
Theo Sở QH-KT, đô thị sáng tạo tương tác cao là các khu vực đô thị phát triển theo các cụm ngành kinh tế, tập trung trong một không gian địa lý.
Bằng cách thu hút, bố trí các viện nghiên cứu, các ngành hoạt động công nghiệp, nuôi dưỡng những mạng lưới sản xuất, hợp tác và kết nối sẽ tăng sự tương tác và thành công của những ý tưởng mới, ra đời của việc làm kiểu mới tạo sự đột phá về kinh tế cho TPHCM.
Vị trí Đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TPHCM chính là TP Thủ Đức
Vị trí, quy mô dân số, phạm vi và ranh giới Đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TPHCM cũng chính là TP Thủ Đức đang được thành lập. Đô thị sáng tạo tương tác cao nằm tại khu vực phía Đông TPHCM, bao gồm quận 2, 9, Thủ Đức với tổng diện tích đơn vị hành chính 3 quận là hơn 211 km2, quy mô dân số hơn 1 triệu người.
Trong hiện trạng đô thị của Đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TPHCM có các điểm mạnh. Đây là trung tâm miền Đông Nam bộ với hệ thống giao thông được đầu tư phát triển đồng bộ, thuận lợi để kết nối, hợp tác phát triển kinh tế với các tỉnh lân cận như tuyến metro số 1 từ Suối Tiên (quận 9) đến Bến Thành (quận 1) sẽ đi vào hoạt động từ năm 2021, tuyến đường Vành đai 3 (Mỹ Phước – Tân Vạn – Nhơn Trạch), tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, Quốc lộ 1A, Quốc lộ 1K, Xa lộ Hà Nội và các tuyến giao thông đường thủy trên sông Sài Gòn – sông Đồng Nai...
Vì thế, khu vực này rất thuận lợi để phát triển hệ thống mới hạ tầng đô thị, hạ tầng dịch vụ, đặc biệt là ngành logistics phân phối, vận chuyển hàng hóa bằng cách kết nối luồng vận chuyển đa phương thức bao gồm hàng hải (cụm cảng Cái Lái - Phú Hữu), đường sắt, đường bộ (cảng ICD Long Bình đang thực hiện, bến xe miền Đông mới) và đường thủy nội địa.
Hệ sinh thái khởi nghiệp tại khu vực đã hình thành và phát triển mạnh mẽ, có sự tham gia của nhiều trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, các quỹ đầu tư trong và ngoài nước. Trong đó, Khu Công nghệ cao tại quận 9 và Khu Đại học Quốc gia TPHCM tại quận Thủ Đức có vị trí chủ đạo, đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo của Khu đô thị sáng tạo phía Đông TPHCM.
Khu Công nghệ cao hiện đã thu hút thành công hơn 10 tập đoàn, công ty công nghệ vào đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao như Intel, Nidec, Jabil, Sonion, Sanofi, Nanogen, FPT, Nipro, Datalogic, Samsung... với hàm lượng giá trị tạo ra từ nghiên cứu và phát triển (R&D) trong cơ cấu giá trị sản phẩm vượt gấp nhiều lần so với sản phẩm từ các khu công nghiệp cả nước.
Khu Đại học Quốc gia TPHCM có cơ sở hạ tầng kỹ thuật khá hiện đại, tập trung 12 trường đại học, Viện nghiên cứu, cũng là nơi thu hút nhiều nguồn nhân lực chất lượng cao không chỉ trên địa bàn TPHCM mà còn kết nối với các tỉnh Bình Dương, Bình Phước và Bà Rịa – Vũng Tàu.
Hiện nay, khu vực này đã cơ bản hình thành khu Trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm tại quận 2. Mặt bằng hạ tầng đã sẵn sàng cho đầu tư quy mô lớn với chức năng chính là trung tâm thương mại - tài chính quốc tế, dịch vụ và dân cư hiện đại.
Trong khi đó, Trung tâm thể thao và sức khỏe Rạch Chiếc, Khu cảng Trường Thọ, Khu Tam Đa quận 9 là các khu vực đã được xác định quy hoạch trở thành các trung tâm phát triển và định hướng sắp tới trở thành các trung tâm đổi mới sáng tạo.
5 năm mới ngập 1 lần
Trong mục tiêu phát triển đô thị, TP Thủ Đức sẽ hình thành và phát triển trên hệ thống mạng lưới đô thị quốc gia và là đô thị loại 1 trực thuộc TPHCM.
TP Thủ Đức có mục tiêu phát triển kinh tế sáng tạo, liên kết Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đổi mới quản trị nhà nước theo hướng chuyển đổi số mạnh mẽ.
Bằng cách phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm khởi nghiệp, trung tâm tài chính, TP Thủ Đức sẽ hình thành được nguồn nhân lực tiên tiến, tăng cường kết nối để tạo cơ hội mới, cân bằng phát triển với môi trường thiên nhiên, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thông minh.
Về định hướng phát triển đô thị, dự kiến, dân số cư trú sẽ đạt 1,5 triệu người vào năm 2030; 1,9 triệu người vào năm 2040 và 3 triệu người vào năm 2060.
Quy hoạch đô thị sẽ tính toán cho mức dân số tối đa để chuẩn bị cho nhu cầu tương lai. Cụ thể, giao thông công cộng cần đáp ứng 50%-60% nhu cầu đi lại; đến năm 2040, đảm bảo chống ngập tới tần suất 80% (5 năm mới xảy ra ngập 1 lần); 10% diện tích Đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông TPHCM sẽ là công viên (tương đương 2.100ha là các công viên, không gian mở); 30% diện tích công viên sẽ trở thành hồ điều hòa để giảm rủi ro ngập (tương đương 630ha đất làm hồ điều hòa); 20% tổng diện tích quy hoạch là mặt phủ tự nhiên cho phép thấm thấu nước mưa xuống lòng đất.
Các khu vực trung tâm đổi mới sáng tạo chính
Cụ thể các khu vực trung tâm đổi mới sáng tạo chính gồm: Khu đô thị mới Thủ Thiêm - Trung tâm công nghệ tài chính; Khu liên hợp thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc - Trung tâm thể thao và sức khỏe Rạch Chiếc; Khu Công nghệ cao - Trung tâm sản xuất tự động hóa và Khu công viên khoa học; Khu Đại học Quốc gia TPHCM; Khu Linh Trung kết nối Đại học Quốc gia và Khu Công nghệ cao; Khu Tam Đa, Long Phước - Trung tâm công nghệ sinh thái; Khu Trường Thọ - Đô thị tương lai; Trung tâm kết nối giao thông Vùng Đông Nam bộ Khu cảng quốc tế Cát Lái; Trung tâm khởi nghiệp lớn nhất Việt Nam.
Trong chiến lược thực hiện Khu đô thị sáng tạo, TPHCM có các giải pháp về quản lý, về quy hoạch và thực thi quy hoạch, về nghiên cứu và giáo dục, về hệ sinh thái doanh nghiệp, giải pháp về quản lý đất đai và tài sản đô thị, giải pháp về đầu tư và thu hút đầu tư, giải pháp về xây dựng cơ sở hạ tầng, hạ tầng số và chuyển đổi số.
Về quản lý, TPHCM xác định bộ máy chịu trách nhiệm và nhân sự chủ chốt lập và phát triển Dự án tổng thể và các dự án thành phần Đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông TPHCM, có thể theo sát dự án mà không bị gián đoạn bởi nhiệm kỳ.
TPHCM đánh giá việc xác định mô hình quản lý là công việc quan trọng giai đoạn 2020-2025, đóng vai trò then chốt quyết định sự thành công của khu đô thị sáng tạo và thực hiện các giải pháp đổi mới quản lý nhà nước trên lĩnh vực đầu tư, xây dựng, đất đai, tài chính.
Cùng với đó, TPHCM nghiên cứu một cách khoa học, nghiêm túc và ban hành các chính sách về: 1- thu hồi, tạo quỹ đất; 2- chính sách đầu tư, phát triển; 3- chính sách đấu thầu dự án hoặc đấu giá đất và huy động tài chính cho dự án hạ tầng chung thông qua trái phiếu phát triển đô thị; 4- chính sách ưu đãi đối với nhóm các cá nhân, tổ chức cần thu hút hoạt động kinh doanh.
Cần 41.660 tỷ đồng
TPHCM xác lập 3 giai đoạn phát triển Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TPHCM. Giai đoạn 1: khởi tạo từ năm 2020-2022; giai đoạn 2: triển khai từ năm 2023-2030; giai đoạn 3: hoàn thiện từ năm 2030-2040.
Trước mắt, từ nay đến năm 2022, TPHCM lập định hướng khung phát triển và chiến lược, xây dựng cơ chế - tổ chức, xác định nhóm ngành ưu tiên, thiết lập hợp phần 3 nhà (Nhà nước – Nhà đầu tư – Nhà giáo dục). Đầu tư các ngành kinh tế ưu tiên (đã xác định trong giai đoạn 1), hoàn thiện cơ chế - tổ chức, chính sách phát triển cho từng khu vực, triển khai kết nối đối ngoại từ giao thông các trục chính của khu vực.
Dự kiến, trong giai đoạn 1 sẽ có 20.000 việc làm, giai đoạn 2 có 50.000 việc và giai đoạn 3 sẽ có 150.000 việc làm trình độ cử nhân, kỹ sư trở lên.
Theo kế hoạch, để có thể hoàn thành các mục tiêu phát triển được đặt ra trong giai đoạn 2020 - 2025, nhu cầu vốn trong khu vực nhà nước ước tính sơ bộ cần 41.660 tỷ đồng.
Trong đó, lớn nhất là vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông với 30.000 tỷ đồng; cần hơn 6.400 tỷ đồng đầu tư hạ tầng chống ngập; cần 4.400 tỷ đồng đầu tư chuyển đổi số; 550 tỷ đồng phục vụ kích cầu một số dự án các ngành nghề kinh tế sáng tạo và hơn 288 tỷ đồng đầu tư cho nghiên cứu quy hoạch, dự án, các quy định, chính sách.