(ĐTTCO) - 45 năm qua (2-7-1976 - 2-7-2021), với bao thăng trầm, khó khăn thử thách, TPHCM đã kiên cường phát huy truyền thống hào hùng, vững vàng vượt qua bao trở ngại, giành được những thắng lợi to lớn, toàn diện, có ý nghĩa lịch sử, tạo nên nhiều đặc trưng mang thương hiệu đặc thù của thành phố rực rỡ tên vàng.
Đáp ứng nguyện vọng của toàn thể nhân dân từ Bắc chí Nam, Thành phố đã được mang tên “Thành phố Hồ Chí Minh” - Hồ Chí Minh anh hùng của một dân tộc anh hùng, được hiến định bởi Nghị quyết của Quốc hội nước Việt Nam thống nhất (khóa VI) ngày 2-7-1976.
Năng động, sáng tạo, tìm đường phát triển mới
10 năm đầu mang huân danh “TPHCM” (1976-1986) là 10 năm khó khăn nhất, đồng thời ghi đậm dấu ấn về bản lĩnh, trách nhiệm, nhiệt thành của Đảng bộ và nhân dân TPHCM, là thời đoạn lịch sử để lại những bài học quý giá cho sự nghiệp xây dựng, phát triển TPHCM.
Trong bối cảnh của một TP thời hậu chiến, TPHCM đối mặt với khó khăn chồng chất, có lúc tưởng chừng như không vượt qua được. Tuy nhiên, những vị lãnh đạo cao nhất thuộc “đời đầu” của TPHCM vốn đã được trui rèn trong bao thử thách khốc liệt, được nhân dân đùm bọc, đã mạnh dạn tìm mọi giải pháp để lo cho dân, lo cho sản xuất, kinh doanh, vực TPHCM ra khỏi cơn khủng hoảng.
Một trong những giải pháp quan trọng là việc TPHCM tiến hành khảo sát thực tế các cơ sở sản xuất kinh doanh, hiệu triệu giai cấp công nhân, nhân dân lao động, viên chức nhà nước phải tự cứu lấy mình, với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, nhằm thoát ra khỏi sự trói buộc của cơ chế quản lý quan liêu bao cấp, duy ý chí, tìm biện pháp xác đáng giải quyết những vấn đề trọng yếu và bức xúc của TPHCM.
Một phong trào hành động cách mạng của quần chúng được khơi dậy và ngày càng dâng cao, có người ví như phong trào Đồng Khởi thời kháng chiến.
Thành ủy TPHCM khóa I đã có 2 nghị quyết quan trọng. Đó là Nghị quyết lần thứ IX (1979) và Nghị quyết lần thứ X (1980) đề ra những hướng đột phá theo tinh thần chủ động sáng tạo từ cơ sở. TPHCM còn đề ra “tìm nguồn nguyên liệu cho sản xuất”, lập Công ty Xuất nhập khẩu trực tiếp (Direximco) và xuất - nhập khẩu Chợ Lớn (Cholimex) huy động vốn mua hàng xuất khẩu, lấy ngoại tệ nhập nguyên liệu, vật tư cho sản xuất. TPHCM cũng tổ chức một đợt khui các kho dự trữ, đưa vật tư tồn đọng trang trải các xí nghiệp.
Nhờ đó có nhiều gương sáng điển hình làm ăn theo “cơ chế thành phố” như Công ty Bột giặt miền Nam, Dệt Thành Công, Công ty Lương thực TP, Xí nghiệp Thuốc lá TP, Bia Sài Gòn, Dệt Phong Phú, Phước Long, Caric, Sinco.
Nhiều dự án lớn góp phần hiện đại hóa TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG
Hàng vạn lao động tiên tiến, chiến sĩ thi đua, tổ đội lao động xã hội chủ nghĩa được tặng huân chương, bằng khen… Cũng trong thời gian này, xuất hiện những biệt danh lịch sử như “Bí thư gạo”, “Chủ tịch phá rào”, “Công ty buôn lậu”, “Các chiến sĩ làm lén”. Nhân dân phấn khởi, sản xuất kinh doanh khởi sắc và phát triển. Dù vậy, TPHCM phải gánh chịu bao cuộc thanh tra, kiểm tra, phê phán, thậm chí quy chụp vì làm khác với cái đang được coi là “khuôn phép” chung.
Thực tiễn là người thầy kiểm nghiệm khắt khe nhất, chính xác nhất. Cách làm theo cơ chế của TPHCM lúc đầu được cho là “phá rào”, “xé rào”, sau này được ghi nhận là “bước đột phá đầu tiên” của quá trình đổi mới, là “năng động, sáng tạo”, “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” như là thuộc tính, đặc trưng, là thương hiệu của TPHCM mang tên Bác Hồ vĩ đại.
Văn minh, hiện đại, nghĩa tình
Diện mạo đô thị sau 45 năm TPHCM mang tên Bác ngày càng văn minh, hiện đại. Hình hài một TPHCM hiện đại gồm khu vực trung tâm hiện hữu cùng TP Thủ Đức và các khu đô thị Bắc, Tây, Nam, gắn với chuỗi đô thị của vùng đô thị TPHCM, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam… với kết cấu hạ tầng đa chiều, xuyên tâm đang được hình thành.
Có người bày tỏ, chưa bao giờ nghĩ vùng đầm lầy, sông rạch chi chít ở Nam TP lại có thể xây được một khu đô thị khang trang hiện đại mang dáng dấp đô thị nước ngoài. Đúng vậy, Khu đô thị Nam Sài Gòn có diện tích 3.000ha với điểm nhấn Phú Mỹ Hưng là khu đô thị mới, kiểu mẫu của TPHCM và cả nuớc, thu hút mọi người gần xa.
TPHCM còn là nơi khởi xướng và thực hiện đầu tiên trong cả nước các phong trào xã hội hiệu quả thiết thực, có ý nghĩa kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội rộng lớn, mang tính nhân văn, nhân đạo cao cả, có sức lan tỏa mạnh mẽ.
Đó là chương trình đền ơn đáp nghĩa, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, bảo trợ bệnh nhân nghèo, nụ cười cho trẻ thơ, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng… Qua đó, TPHCM vinh hạnh nhận danh hiệu “Thành phố nghĩa tình”.
Nghĩa là việc con người phải làm, còn tình là “tiếng lòng”. Sống có “lòng dạ, có trước có sau nên phải có nghĩa có tình”, đó là căn tính của người Sài Gòn - Gia Định được đắp bồi từ xa xưa, được công dân TPHCM phát huy mạnh mẽ trong cuộc sống. Hễ có tin thiên tai, lũ lụt hay có tai họa xảy ra ở đâu đó trên đất nước này, trong các khu chợ, bà con tiểu thương đã có thùng góp tiền từ thiện. Và nườm nượp những đoàn quân thiện nguyện TPHCM luôn có mặt dường như rất sớm, rất đông.
Khu đô thị Phú Mỹ Hưng là khu đô thị kiểu mẫu của TPHCM. Ảnh: PMH
Trong những đợt dịch Covid-19 mấy năm nay, cái ân nghĩa Sài Gòn, nghĩa tình TPHCM càng đậm nét. Lòng nhân ái của người dân nơi đây được tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh bồi thấm đã tỏa hương khắp mọi nơi, mọi lúc một cách hồn nhiên, thực sự là căn tính văn hóa đặc thù thành phố mang tên Người. Đó là giá trị cao cả của người dân TPHCM “hơn nhau là ở tấm lòng”.
Giữ vững vai trò đầu tàu - Trọng trách và danh dự lớn
Sài Gòn cùng Nam bộ được Bác Hồ tặng danh hiệu “Thành đồng Tổ quốc”, 45 năm Thành phố mang tên Người - được Đảng và Nhà nước phong tặng Thành phố Anh hùng.
Vinh dự, vai trò, vị trí càng cao, trách nhiệm càng lớn thì Đảng bộ và nhân dân TPHCM cần phải nỗ lực phát huy những thành tựu to lớn, toàn diện đã đạt được trong 45 năm qua, kiên quyết khắc phục những hạn chế, yếu kém, vượt qua những thách thức gay gắt, tháo gỡ những tắc nghẽn, chặn đứng những sa sút trong phát triển TPHCM hiện nay.
Trước hết, TPHCM phải giữ vững vị trí đầu tàu, động lực phát triển kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. TPHCM phải giải quyết tốt nhiều thách thức như các tuyến đường vành đai chậm triển khai; quỹ đất hạn chế, khai thác chưa hiệu quả; y tế, giáo dục - đào tạo luôn quá tải…
Để giải quyết những thách thức và giữ vững vai trò đầu tàu tăng trưởng kinh tế, đòi hỏi bài toán tổng thể mang tính chiến lược gồm nhiều thành tố. Trong đó cốt lõi nhất, trọng yếu nhất được nhìn thấy từ thực tiễn là cơ chế phát triển; kết cấu hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, liên quan đến các đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của nước ta giai đoạn 2021-2030.
Ai ai cũng biết TPHCM là “đô thị đặc biệt”, “siêu đô thị”, “đầu tàu tăng trưởng kinh tế”, song cơ chế cho sự phát triển TPHCM chưa tương xứng, chưa phù hợp. Vừa qua đã có một số cơ chế đặc thù tạo điều kiện để TPHCM phát triển nhưng nhìn tổng thể, chiếc áo TPHCM mặc mới được nới ra chút đỉnh, vẫn chật.
Cơ chế mới cho TPHCM chưa bao quát, bao trùm, chưa thật căn cốt để tạo nên môi trường, động lực mới cho phát triển TP.
Bản thân cơ cấu kinh tế TPHCM cũng chậm được chuyển dịch, vẫn chỉ đổi mới cái đã có từ thập niên đầu thế kỷ XX, chưa thật căn cơ, chưa đổi mới toàn diện, chưa phù hợp với thời kỳ công nghiệp 4.0, kinh tế số. Vấn đề kết cấu hạ tầng được chỉ ra đã yếu kém, ngày càng quá tải, bất cập, cản trở việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế và cải thiện đời sống nhân dân, song chậm được khắc phục.
Từ cơ chế phát triển đến kết cấu hạ tầng của TPHCM, hoàn toàn không phải là vấn đề của TP mà là vấn đề quốc gia. Giải quyết vấn đề này không phải chỉ vì TPHCM mà vì phát triển đất nước, tạo cơ chế phù hợp, con đường thông thoáng để “đầu tàu” có đủ lực kéo đoàn tàu quốc gia mạnh hơn, nhanh hơn.
Kỷ niệm 45 năm ngày TP được mang tên Bác Hồ vĩ đại, biết ơn vô hạn công lao trời biển của Người, tri ân các bậc tiền bối là công dân đầu tiên trong hộ khẩu TPHCM - Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ… và biết bao nhà lãnh đạo của Đảng bộ và toàn thể nhân dân TPHCM qua các thời kỳ. Theo gương các bậc tiền nhân, người dân TPHCM giữ vững niềm tin và khát vọng về sự tươi sáng, rực rỡ hơn của TP mang tên Người.
Gần đây, nhiều người quan tâm về việc hình thành Không gian văn hóa Hồ Chí Minh và việc thực hiện cần bàn thảo thật kỹ lưỡng, tìm ra “khung lý thuyết”, “mô hình phát triển”, yếu tố hợp thành và tiến trình xây dựng. Việc này nhằm đảm bảo văn hóa Hồ Chí Minh là nền tảng tinh thần, là động lực phát triển TPHCM, là căn tính văn hóa đặc thù của người dân TP mang tên Bác.