1. Về mức độ chuyển đổi dòng tiền. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã triển khai chính sách tỷ giá nổi có kiểm soát, mở rộng biên độ giao dịch. Đáng chú ý, trong báo cáo tháng 11-2023, Bộ Thương mại Mỹ đã đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi về thao túng tiền tệ. Lý do Việt Nam có thặng dư thương mại lớn với Mỹ (đứng thứ ba về xuất siêu sang Mỹ), và thặng dư tài khoản vãng lai toàn cầu đáng kể. Nhưng ngay sau đó, Bộ Thương mại Mỹ đã xác nhận Việt Nam không thực hiện hành vi thao túng tiền tệ.
2. Vấn đề đàm phán tiền lương, tiền công giữa người lao động và người sử dụng lao động. Năm 2020, cả nước có hơn 400.000 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động, và đến giữa năm 2024 Việt Nam có khoảng 870.000 DN đang hoạt động. Tiền lương lao động của khu vực cũng tăng từ 10 triệu đồng/người năm 2020 lên hơn 15 triệu đồng giữa năm 2024.
Tuy nhiên, tỷ lệ DN nhỏ và vừa vẫn chiếm đa số, dao động từ 94-96%. Với bối cảnh phát triển của thị trường lao động như vậy, dù Chính phủ đã có nhiều nỗ lực, nhưng cũng có tác động không nhỏ đến với đáp ứng tiêu chí KTTT. Bởi Mỹ cho rằng cơ chế đàm phán tiền lương tại Việt Nam chưa đáp ứng tiêu chuẩn của nền KTTT.
3. Mức độ vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào các hoạt động kinh tế. Vốn FDI đăng ký mới năm 2023 tại Việt Nam đạt 36,6 tỷ USD, tăng 32,1% so với năm 2022; 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 10,84 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Điều này không chỉ giúp cải thiện cán cân thương mại, mà còn đóng góp đáng kể vào việc tích lũy ngoại tệ, tăng cường dự trữ ngoại hối của quốc gia.
Thành tích ấn tượng của khu vực FDI phản ánh hiệu quả của các chính sách ưu đãi đầu tư và nỗ lực cải cách pháp lý, hành chính của Việt Nam. Nhiều tập đoàn lớn của Mỹ đã thiết lập hiện diện tại Việt Nam, từ các công ty công nghệ cho đến các nhà sản xuất hàng tiêu dùng. Tiêu chí này chúng ta đã đầy đủ các minh chứng đáp ứng yêu cầu theo quy định của Mỹ.
4. Về vấn đề sở hữu nhà nước, sở hữu tư nhân. Trong bối cảnh phát triển nền KTTT định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, đây chính là nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Và Việt Nam đang tạo cơ chế, chính sách nhằm tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng…
Tuy nhiên, tiêu chí này Mỹ cho rằng Việt Nam không phải là một nền KTTT. Mặc dù trong những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam đã có những bước đi quan trọng nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào khu vực DN nhà nước.
5. Về tiêu chí Mức độ kiểm soát của Chính phủ với một số nguồn lực và giá cả. Từ cú sốc đại dịch Covid-19 năm 2020, đất nước đã nhanh chóng phục hồi và bứt phá mạnh mẽ. Năm 2022, GDP tăng trưởng 8,02%, cao nhất trong khu vực Đông Nam Á nói riêng, và đứng hạng thứ 20 của thế giới nói chung. Sang năm 2023, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn từ thị trường quốc tế, nền kinh tế vẫn duy trì đà tăng trưởng 5,05%. Lạm phát được kiểm soát tốt, CPI bình quân năm 2023 chỉ tăng 3,25%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra.
Tuy nhiên, Bộ Thương mại Mỹ có quan điểm về tiêu chí này là có lý do, vì theo Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2023 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, đã xếp Việt Nam ở vị trí 67/141 nền kinh tế, cho thấy dù có cải thiện nhưng vẫn còn khoảng cách đáng kể so với các nước phát triển. Hiện nay, Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực cải thiện tiêu chí này qua việc ban hành Luật Giá 2023, một luật đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong chính sách kinh tế của quốc gia.
6. Các yếu tố khác. Việt Nam thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc duy trì một môi trường kinh doanh cởi mở, minh bạch và hấp dẫn cho các đối tác quốc tế. Bằng cách này, Việt Nam không chỉ bảo vệ lợi ích của người dân trong nước, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững trong dài hạn.
Như vậy, đây là một minh chứng rõ nét nhất cho sự cam kết của Việt Nam trong việc xây dựng một nền KTTT năng động, cởi mở và hội nhập.