67.000 tỷ USD chảy trong "ngân hàng ngầm"

Được định nghĩa là các hoạt động tín dụng ngoài nhà băng, "ngân hàng ngầm” đang ngày một lan rộng trên thị trường tài chính thế giới và VN. Theo Tiến sĩ Vũ Viết Ngoạn, đây có thể là căn nguyên cho một cuộc khủng hoảng tiếp theo.

Được định nghĩa là các hoạt động tín dụng ngoài nhà băng, "ngân hàng ngầm” đang ngày một lan rộng trên thị trường tài chính thế giới và VN. Theo Tiến sĩ Vũ Viết Ngoạn, đây có thể là căn nguyên cho một cuộc khủng hoảng tiếp theo.

Nội dành nhiều thời gian đề cập tới khái niệm “ngân hàng ngầm” (Shadow Banking), một vấn đề thu hút sự chú ý của thị trường tài chính quốc tế đặc biệt ngay sau sự sụp đổ, dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 - 2009, của ngân hàng Lehman Brothers.

Lúc sơ khai, khái niệm ngân hàng ngầm được hiểu là việc các ngân hàng chuyển từ huy động vốn từ dân cư, doanh nghiệp… sang huy động từ các quỹ đầu tư, công ty bảo hiểm hoặc các hình thức phát hành giấy tờ có giá khác. Số tiền này sau đó lại được nhà băng đầu tư vào một số loại chứng khoán có tính an toàn tương đối cao (trái phiếu Chính phủ, tín phiếu, thương phiếu…).

Cùng với sự phát triển của thị trường tài chính, việc các tổ chức tín dụng ngoài ngân hàng huy động vốn, rồi cho vay lại hoặc cung cấp các dịch vụ khác như một ngân hàng đã tại nên rủi ro chéo trong hệ thống. Đây là vấn đề khiến các chuyên gia lo ngại nhất.

Cùng với đó, bên cạnh các giao dịch hợp phát (nhưng chưa được chế tài chặt chẽ nêu trên), hoạt động ngân hàng ngầm ở nhiều nước, đặc biệt là các nước châu Á như Trung Quốc hay Việt Nam còn bao gồm nhiều hình thức vốn được cho là “ngoài luồng” như tín dụng đen, cầm đồ… vốn rất khó kiểm soát bởi các cơ quan quản lý.

Giữa tháng 11 vừa qua, báo cáo của Ủy ban Ổn định tài chính quốc tế (FSB) đã cho biết giá trị giao dịch năm 2011 của thị trường ngầm này lên tới 67.000 tỷ USD. Đây là một con số khổng lồ (lớn hơn tổng GDP của 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới) nhưng cũng không quá bất ngờ bởi tính đến năm 2007, mức giao dịch đã đạt khoảng 62.000 tỷ USD, sau khi tăng gần gấp đôi trong vòng 5 năm trước đó.

Hiện Hoa Kỳ là nước có hệ thống ngân hàng ngầm lớn nhất, với giá trị đạt khoảng 23.000 tỷ USD, khu vực đồng euro là 22.000 tỷ trong khi con số tại Anh là 9.000 tỷ USD.

Khó tiếp cận ngân hàng là lý do khiến DN phải đi tìm vốn "ngầm".

Khó tiếp cận ngân hàng là lý do khiến DN
phải đi tìm vốn "ngầm".   

Tại Việt Nam, lo ngại lớn nhất mà giới nghiên cứu cũng như quản lý đặt ra hiện nay là những hoạt động ngầm nêu trên có thể gây ra rủi ro chéo giữa thị trường chứng khoán và ngân hàng.

Theo Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán - Nguyễn Đoan Hùng hiện các công ty chứng khoán tại Việt Nam đang thực hiện khá nhiều nghiệp vụ có bản chất giống với hoạt động tín dụng.

Ví dụ tiêu biểu nhất là nghiệp vụ repo (cho phép nhà đầu tư mua - bán lại chứng khoán có kỳ hạn). Theo đó, mặc dù bản chất của hoạt động này là công ty chứng khoán cho nhà đầu tư vay tiền (thế chấp bằng chứng khoán), giống với hoạt động của ngân hàng nhưng các quy định liên quan lại hết sức lỏng lẻo.

“Luồng tiền mà công ty chứng khoán cho vay nhà đầu tư thông qua repo hiện khá lớn, nếu để phát triển mà thiếu sự kiểm soát thì đến lúc nào đó sẽ không quản lý được”, ông Hùng cảnh bảo.

Tương tự như repo, việc các công ty chứng khoán cho vay nhà đầu tư thông qua đòn bầy tài chính (margin) cũng được đánh giá là tiềm ẩn rủi ro, mặc dù đã được quy định chặt ngay trong luật các tổ chức tín dụng.

Bên cạnh đó, các hình thức chuyển tiền từ ngân hàng qua công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, sau đó chuyển qua các công ty khác hiện cũng diễn ra phức tạp khó kiểm soát. “Tuy nhiên, đây không phải là vấn đề của riêng Việt Nam, các nước khác cũng đang mắc phải khó khăn này”, ông Hùng nói thêm.

Không chỉ riêng lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng ngầm, trong nhiều trường hợp còn ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động của các ngân hàng chính thống. Là thành viên Hội đồng quản trị của một ngân hàng thương mại, chuyên gia Nguyễn Chí Hiếu cho biết nhà băng của ông thường xuyên nhận được lời đề nghị phát hành chứng thư bảo đảm.

Theo đó, một doanh nghiệp hoặc một tổ chức sẵn sàng cho một doanh nghiệp khác vay nếu ngân hàng đứng ra phát hành chứng thư bảo đảm. “Việc làm này tương đối mạo hiểm bởi ngân hàng, trong nhiều trường hợp, sẽ không thẩm định kỹ doanh nghiệp, dự án như chính mình cho vay. Khi đối tác không trả được nợ thì tranh chấp dễ xảy ra. Thực tế vừa qua đã có vài trường hợp như vậy”, ông Hiếu cho biết.

Theo chuyên gia này, sở dĩ doanh nghiệp đang có xu hướng tìm nhiều hơn tới kênh tín dụng ngầm là bởi kênh cung cấp vốn chính thức bị co hẹp khá nhiều trong thời gian qua. Điều này đặc biệt đúng ở Việt Nam.

Cũng theo ông Nguyễn Chí Hiếu, cùng với các công cụ “ngoài luồng” như cho vay nặng lãi, cầm đồ…, ngân hàng ngầm phát triển sẽ là cơ hội cho một loạt các hoạt động phi pháp khác, mà tiêu biểu là rửa tiền. “Ở Việt Nam hiện chưa có thống kê về vấn đề này, nhưng chắc chắn số tiền phi pháp, cả trong nước và quốc tế, được rửa thông qua ngân hàng ngầm là không nhỏ”, chuyên gia này nhận định.

Trước những hệ lụy của hoạt động ngân hàng ngầm, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia - Vũ Viết Ngoạn cho biết Ủy ban Ổn định tài chính quốc tế đã khuyến cáo rằng nếu các cơ quan quản lý không sớm coi trọng và có giải pháp xử lý vấn đề này, một cuộc khùng hoảng tài chính mới rất có thể trong vòng 5 - 10 năm tới.

Tại hội thảo ổn định tài chính vừa kết thúc, thành viên các nền kinh tế Đông Á cũng thống nhất đưa việc xử lý vấn đề ngân hàng ngầm là một trong số những nội dung cơ bản của quá trình cải cách tài chính quốc tế, đồng thời khuyến cáo các nhà làm luật lưu tâm hơn đến các chế tài điều tiết hoạt động này.

Chia sẻ quan điểm nêu trên, chuyên gia Nguyễn Chí Hiếu cho rằng để giải quyết vấn đề, không thể thiếu vai trò của cơ quan an ninh kinh tế. Tuy nhiên, với tư cách là cơ quan quản lý và người hoạt động trực tiếp, các nhà làm luật, định chế tài chính, doanh nghiệp cũng không thể đứng ngoài quá trình xử lý rủi ro không mới, nhưng rất đáng lưu tâm này.

Các tin khác