7 tháng giải ngân vốn đầu tư công đạt 41,3% kế hoạch năm

(ĐTTCO)-7 tháng năm 2023, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước ước đạt hơn 291.000 tỷ đồng, bằng 41,3% kế hoạch năm và tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước
Ảnh minh họa. (Ảnh: Hồng Ninh/TTXVN)
Ảnh minh họa. (Ảnh: Hồng Ninh/TTXVN)

Theo Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tháng Bảy ước đạt 58.500 tỷ đồng, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Vốn trung ương quản lý đạt 10.800 tỷ đồng, tăng 31,8%; vốn địa phương quản lý 47.700 tỷ đồng, tăng 27,6%.

Tính chung bảy tháng năm 2023, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước ước đạt hơn 291.000 tỷ đồng, bằng 41,3% kế hoạch năm và tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 bằng 39,7% và tăng 12,3%). Điều này cho thấy sự chuyển biến rõ nét trong giải ngân đầu tư công.

Vốn đầu tư thực hiện do trung ương quản lý ước đạt 54.100 tỷ đồng, bằng 40,6% kế hoạch năm và tăng 29,4% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư thực hiện do địa phương quản lý ước đạt 236.900 tỷ đồng, bằng 41,5% kế hoạch năm và tăng 20,5% so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2023, tổng kế hoạch vốn đã giao là 804.420,3 tỷ đồng (bao gồm kế hoạch vốn kéo dài các năm trước sang năm 2023 là 51.542,7 tỷ đồng, kế hoạch vốn giao trong năm 2023 là 752.877,5 tỷ đồng (không bao gồm 12.887,2 tỷ đồng chưa giao).

Để phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân trên 95% theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư yêu cầu các bộ, ngành và địa phương cần tập trung, quyết liệt hơn nữa thực hiện các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.

Các bộ, địa phương cần giao, điều chỉnh kế hoạch vốn cho các nhiệm vụ, dự án đã được Chính phủ báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn trung hạn và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Cùng với đó, các bộ, địa phương cần điều chỉnh vốn giữa các nhiệm vụ, dự án của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội với các nhiệm vụ, dự án thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã được bố trí vốn trong kế hoạch năm 2023 theo đúng Nghị quyết số 93 của Quốc hội, nhằm giải ngân cao nhất kế hoạch vốn của Chương trình.

Đối với trường hợp không thể điều chỉnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị có văn bản gửi Bộ để tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh cho các bộ, ngành và địa phương khác.

Đối với kế hoạch vốn năm 2023 đã bố trí cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn, không trả lại kế hoạch vốn năm 2023 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 08/CT-TTg.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng yêu cầu các bộ, địa phương cần tập trung rà soát, thu hồi vốn ứng trước, rà soát nợ đọng xây dựng cơ bản vốn ngân sách nhà nước theo quy định tại các Nghị quyết số 91 ngày 19/6/2023 và Nghị quyết số 93 ngày 22/6/2023 của Quốc hội và hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023).

Bên cạnh đó, bộ này yêu cầu các bộ, địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Báo cáo đánh giá giữa kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 trình Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ; trong đó, đề nghị các địa phương tập trung hoàn thiện dữ liệu về kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách địa phương trên Hệ thống Thông tin Quốc gia về đầu tư công.

“Đề nghị các bộ, ngành, địa phương đánh giá, phân tích sâu sắc kết quả giữa kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, nhất là những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách. Qua đó, kiến nghị cụ thể để Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 tháng 10/2023,” lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay.

Các tin khác