Cụ thể, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của VPBank tính tới ngày 30-9 đạt 5.635 tỷ đồng, tăng 79% so với cùng kỳ năm trước và đạt 78% kế hoạch đề ra trong cả năm. Có thể thấy, việc điều chỉnh mục tiêu lợi nhuận từ mức 6.800 tỷ đồng hồi đầu năm lên 7.200 tỷ đồng sau Quý II của VPBank là hoàn toàn có cơ sở.
Lợi nhuận đạt được chủ yếu đến từ việc tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng đã tăng 48% so với cùng kỳ năm trước, đạt 17.574 tỷ đồng. Thu nhập lãi thuần tăng 41%, đạt 14.944 tỷ đồng. Nguồn thu từ phí dịch vụ cũng là một điểm sáng khi tăng tới 84%, đạt 1.035 tỷ đồng. Thu từ các khoản nợ đã xử lý rủi ro đạt 735 tỷ đồng, tăng 62% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, tốc độ tăng của chi phí hoạt động (33%) thấp hơn rất nhiều so với mức tăng của tổng thu nhập hoạt động. Tỷ lệ chi phí trên thu nhập cũng giảm từ mức 39% cuối năm 2016 xuống còn 36% vào thời điểm cuối tháng 9-2017. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 2,6%.
“Các chỉ số trên cho thấy chiến lược tập trung vào phân khúc bán lẻ, phục vụ khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh và doanh nghiệp vừa và nhỏ của ngân hàng vẫn tiếp tục phát huy hiệu quả cao. Đó là kết quả của hàng loạt biện pháp mở rộng thị trường, nâng cao năng suất, giảm chi phí và kiểm soát rủi ro tốt theo tiêu chuẩn quốc tế” - lãnh đạo VPBank nhấn mạnh.
Trong thời gian tới, VPBank sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động trong phân khúc bán lẻ thông qua việc áp dụng các công nghệ số và đẩy mạnh khai thác, phân tích dữ liệu. Các biện pháp nâng cao năng lực quản trị và kiểm soát rủi ro cũng sẽ tiếp tục được tăng cường. VPBank đã chuẩn bị đầy đủ các yếu tố cần thiết để luôn sẵn sàng áp dụng Basel II bất cứ lúc nào, trong trường hợp NHNN yêu cầu 10 ngân hàng thí điểm đẩy nhanh tiến độ áp dụng trước năm 2020.
Một trong những điểm sáng đáng chú ý nữa trong 9 tháng đầu năm là tổng tài sản của VPBank đã đạt 253.847 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm. Dư nợ tín dụng bao gồm cho vay khách hàng và trái phiếu doanh nghiệp đạt 181.232 tỷ đồng, tương đương mức tăng trưởng tín dụng 14%. Ngân hàng dự kiến sẽ tăng trưởng mạnh trong quý IV-2017 để đạt các chỉ tiêu về quy mô và lợi nhuận đã đề ra cho năm 2017.
Đồng thời, việc phát hành riêng lẻ thành công hơn 160 triệu cổ phần với thị giá cao (đạt 39.000 đồng/CP) gấp gần 4 lần mệnh giá đã giúp vốn chủ sở hữu của VPBank tăng thêm hơn 6.400 tỷ đồng, tương đương tăng 61% so với đầu năm, đạt mức 27.624 tỷ đồng. Phần vốn chủ sở hữu tăng cao và chất lượng tài sản tăng đưa hệ số an toàn vốn (CAR) của VPBank lên mức 16,7%, cao gấp đôi mức yêu cầu tối thiểu do NHNN quy định. Bên cạnh đó, 2 hệ số ROA và ROE cũng lần lượt đạt 2,49% và 26,79%. Các chỉ số này cho thấy VPBank tiếp tục là ngân hàng hoạt động hiệu quả, bền vững và có khả năng sinh lời cao.
Tổng huy động của VPBank bao gồm tiền gửi từ khách hàng và phát hành giấy tờ có giá trong đạt 192.065 tỷ đồng, tăng 11% so với cuối năm 2016. VPBank tiếp tục chủ động tăng nguồn vốn huy động dài hạn thông qua việc phát hành chứng chỉ tiền gửi.
Ngoài ra, để nâng cao chất lượng bảng cân đối và đa dạng hóa nguồn huy động, VPBank cũng đã ký kết thành công các khoản vay từ các định chế tài chính quốc tế như Công ty tài chính quốc tế (IFC) và Credit Suisse Singapore. Trong kỳ, VPBank đã nhận thêm 122 triệu USD từ IFC và 41 triệu USD từ Credit Suisse, nâng tổng mức huy động từ các nguồn này lên hơn 6.600 tỷ đồng. Với các khoản huy động nói trên, cộng thêm hơn 6.400 tỷ đồng thu được thông qua đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ trong tháng 9, các chỉ số an toàn của VPBank đều ở mức đạt và vượt chuẩn so với các quy định của NHNN và VPBank đã có đủ nguồn vốn để chủ động thực hiện các kế hoạch kinh doanh trong vòng 2 năm tới.
Bên cạnh các chỉ tiêu kinh doanh đầy khả quan, tính đến hết quý III-2017, VPBank đã nhận được 14 giải thưởng và chứng nhận do các tổ chức uy tín trên thế giới trao tặng. Trong số đó, đáng chú ý có giải “Thương hiệu Ngân hàng tốt nhất Việt Nam” do tạp chí Global Brands của Anh bình chọn; “Ngân hàng dành cho SME tốt nhất” của Tạp chí Asian Banking & Finance và “TOP 26 Nơi làm việc tốt nhất” và “TOP 5 Nơi làm việc hạnh phúc nhất” do Anphabe và Nielsen thực hiện.