ADB: Chính sách thuế của ông Trump cũng có mặt tích cực

(ĐTTCO) - Sáng 9-4, tại Hà Nội, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức họp báo về dự báo phát triển kinh tế Việt Nam.

Tại cuộc họp báo, chuyên gia kinh tế của ADB cũng đã trả lời các câu hỏi và có những đánh giá về chính sách thuế đối ứng của Mỹ áp đặt lên các nền kinh tế và những tác động đến các nền kinh tế châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng.

Theo Chuyên gia kinh tế trưởng của ADB Nguyễn Bá Hùng, nếu so sánh với các quốc gia ASEAN, Việt Nam nằm trong nhóm có thặng dư thương mại cao với Mỹ, nên mức độ bị áp thuế cũng lớn hơn. Trong khi một số nước như Singapore, Philippines có tỷ lệ thấp do nhập siêu, thì Việt Nam cùng với Thái Lan, Malaysia… đều có mức thặng dư cao.

z6486718170624-003d2ed102493fd62cf146315b0a38b3-120250409101958.jpg
Họp báo của ADB tổ chức sáng 9-4

“Các nước đang tìm cách phản ứng phù hợp. Đến nay, vẫn còn quá sớm để đánh giá mức độ ảnh hưởng thực sự”, ông Hùng nhận định.

Đề cập đến vai trò của việc liên kết khu vực và phản ứng chung ASEAN, chuyên gia Nguyễn Bá Hùng phân tích: ASEAN hiện đang có những bước đi chủ động hơn nhằm phối hợp đối phó với các biện pháp thuế quan từ phía Mỹ. Dù tồn tại sự cạnh tranh giữa các nước, nhưng việc hợp tác trong khuôn khổ ASEAN là cơ hội tốt để ứng phó hiệu quả hơn, đặc biệt trong bối cảnh dòng thương mại toàn cầu có sự chuyển dịch.

Khuyến nghị chính sách và định hướng dài hạn, Chuyên gia kinh tế trưởng ADB cho biết, để đối phó với thách thức hiện nay, kích thích cầu nội địa là một hướng đi đúng đắn. Việc tăng chi tiêu ngân sách cho hạ tầng, công nghệ, đổi mới sáng tạo không chỉ giúp tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp mà còn nâng cao sức hút FDI.

Đề cập về những tác động của chính sách thuế quan đến FDI, ông Nguyễn Bá Hùng cho biết, các chính sách thuế quan từ phía Hoa Kỳ đang tạo ra sự bất định, khiến nhà đầu tư nước ngoài có thể có tâm lý “trì hoãn” quyết định mới. Nguyên nhân do còn quá sớm để xác định rõ ràng ngưỡng áp thuế cuối cùng cũng như thời gian kéo dài bao lâu, các nhà đầu tư có xu hướng “nghe ngóng”, đặc biệt khi yếu tố chính trị như khả năng nhiệm kỳ tiếp theo của ông Trump vẫn còn là ẩn số.

Đáng chú ý, theo ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc quốc gia của ADB tại Việt Nam, chính sách thuế đối ứng của Mỹ áp đặt lên các nước, trong đó có Việt Nam, ở góc độ nào đó cũng có thể nhìn nhận cả mặt tích cực.

Theo đó, Việt Nam vẫn có vị thế kinh tế khá vững chắc trong khu vực. Động thái thuế của Hoa Kỳ là một “áp lực” mạnh mẽ hơn để Việt Nam thúc đẩy nhanh việc tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) hiện có mà Việt Nam chưa tận dụng hết tiềm năng.

Cũng tại cuộc họp báo, ADB đã công bố Báo cáo triển vọng phát triển châu Á (ADO) tháng 4. Trong đó, ADB dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,6% trong năm 2025 và 6,5% trong năm 2026.

(Ghi nhận tại Diễn đàn Cơ chế đặc thù & Dòng vốn cho thị trường BĐS)

Các tin khác