Trong báo cáo Cập nhật Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) 2019, ADB lưu ý rằng mặc dù tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội có chậm lại trong nửa đầu năm 2019, song Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng vững vàng trong năm nay và năm sau, dù môi trường bên ngoài suy yếu. Các dự báo lạm phát được điều chỉnh giảm từ 3,5% xuống còn 3% trong năm 2019 và từ 3,8% xuống còn 3,5% cho năm 2020.
Phân tích kỹ hơn về vấn đề này, chuyên gia của ADB cho biết, tốc độ tăng trưởng GDP đã giảm nhẹ từ 7% trong 6 tháng đầu năm 2018 xuống 6,8% trong cùng kỳ năm nay. Nguyên nhân do nhu cầu từ bên ngoài giảm, tốc độ tăng trưởng lượng xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ cũng giảm hơn một nửa, từ 15,7% trong 6 tháng đầu năm 2018 xuống 7,1% cùng kỳ năm nay.
Tốc độ tăng trưởng của tất cả các ngành nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ đều giảm nhẹ, song ở các mức độ khác nhau. Hạn hán kéo dài và dịch tả lợn châu Phi bùng phát làm cho tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp giảm từ 3,8% trong nửa đầu năm 2018 xuống còn 2,4% trong cùng kỳ năm nay. Trong ngành nông nghiệp, tăng trưởng sản xuất nông nghiệp giảm mạnh từ 3,1% xuống còn 1,3% và tăng trưởng sản lượng lâm nghiệp cũng giảm từ 5,5% xuống 4,2%, trong khi thuỷ sản vẫn duy trì được mức tăng trưởng cao 6,4%.
Qua đó, tăng trưởng GDP dự kiến vẫn nhất quán với dự báo tăng trưởng 6,8% trong năm 2019 và 6,7% trong năm 2020.
Tuy nhiên, ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam, nhận định nhu cầu nội địa gia tăng, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được duy trì, tiêu dùng trong nước sáng sủa, tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát được duy trì ở mức thấp sẽ là những yếu tố giúp tăng trưởng kinh tế Việt Nam vững vàng trong nửa cuối năm 2019 và năm 2020.
“Nhờ cán cân thanh toán mạnh và thắt chặt chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ thận trọng cùng việc Việt Nam có được thị phần nhất định tại một số thị trường lớn trong các lĩnh vực Trung Quốc không có, tăng trưởng Việt Nam sẽ là điểm sáng trong khu vực” - ông Eric cho biết.
Theo vị đại diện ADB tại Việt Nam, nhu cầu trong nước gia tăng sẽ bù đắp cho sự sụt giảm tốc độ tăng trưởng xuất khẩu. Đặc biệt, việc tiêu dùng nội địa tăng nhờ lạm phát thấp, lượng cung hàng hóa tốt, nhiều công ăn việc làm sẽ là yếu tố tích cực giữ cho nền kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng. Đồng thời, những nỗ lực của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh cùng với xếp hạng tín nhiệm quốc gia được cải thiện sẽ kích thích đầu tư tư nhân.
Ngoài ra, việc ký kết Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ mở ra khả năng tiếp cận thị trường và tăng các khả năng thương mại và đầu tư. Luật Đầu tư sửa đổi cùng sẽ giúp cải thiện hoạt động đầu tư công, tạo điều kiện giải ngân vốn đầu tư công nhanh hơn.
Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng ADB cho rằng, Chính phủ vẫn cần tập trung vào việc tiếp tục cải tổ vấn đề nợ xấu; Ngân hàng Nhà nước cũng cân nhắc các chính sách về điều hành tỷ giá linh hoạt hơn, đặc biệt là trong bối cảnh đồng Nhân dân tệ đang ở mức thấp nhất trong vòng nhiều năm trở lại đây.
“Hiện nay, vốn đầu tư nước ngoài vào cổ phiếu doanh nghiệp tăng 80% so với năm 2018 là tín hiệu cho thấy có sự dịch chuyển về đầu tư từ khu vực bên ngoài vào Việt Nam. Tuy nhiên, chưa rõ nguồn vốn này hiện đang rơi vào lĩnh vực nào, đến từ quốc gia hoặc khu vực nào là chủ yếu, có tạo ra giá trị gia tăng cao hay không, là những yếu tố cần theo dõi trong thời gian tới để Chính phủ tiếp tục có những chính sách thu hút FDI trong thời gian tới” - ông Cường nhận định.
Các chuyên gia của ADB khuyến nghị, về dài hạn, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn còn diễn biến phức tạp, cùng những biến động từ các khu vực khác như châu Âu, khu vực Trung Đông... sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến hoạt động thương mại và tăng trưởng kinh tế Việt Nam, do đó Việt Nam cần nâng cao năng lực dự báo và linh hoạt hơn trong chính sách điều hành kinh tế.