An Giang đột phá những mô hình kinh tế

(ĐTTCO)-Những năm qua, tỉnh An Giang triển khai thực hiện Nghị quyết đại hội lần thứ X trong bối cảnh nhiều tác động của kinh tế thế giới và trong nước, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai, sạt lở, dịch bệnh diễn biến khó lường. An Giang đã chủ động nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, đồng thời phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo... từ đó đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, cùng đoàn công tác của Quốc hội và tỉnh An Giang, trong chuyến thăm vùng nuôi cá tra công nghệ cao của Tập đoàn Nam Việt.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, cùng đoàn công tác của Quốc hội và tỉnh An Giang, trong chuyến thăm vùng nuôi cá tra công nghệ cao của Tập đoàn Nam Việt.
Giữ tốc độ tăng trưởng
Nhiệm kỳ 2015-2020, An Giang tập trung nguồn lực thực hiện đạt và vượt 8/15 chỉ tiêu nghị quyết đề ra. Kinh tế tăng trưởng qua từng năm phù hợp với nguồn lực của địa phương.
Tốc độ tăng trưởng GRDP giai đoạn 2015-2020 ước đạt 5,25% (giai đoạn 2010-2015 đạt 5,07%). Đời sống người dân không ngừng cải thiện, GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt trên 46,8 triệu đồng (tăng 16 triệu đồng so năm 2015); tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2020 giảm còn 1,93%. 
Điểm nổi bật là An Giang luôn đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả, năng lực cạnh tranh gắn với cơ cấu lại nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Theo đó, lĩnh vực nông nghiệp có mức tăng trưởng khá và tiếp tục khẳng định vai trò nền tảng của nền kinh tế.
Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp được triển khai theo phương châm lấy thị trường làm mục tiêu, định hướng cho sản xuất, nâng cao chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh hàng hóa.
Chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp phù hợp, giảm dần diện tích trồng lúa hiệu quả thấp, tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi, rau màu, cây ăn trái gắn với ứng dụng khoa học công nghệ; các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị được nhân rộng, giá trị sản xuất được nâng lên. 
Tỉnh khuyến khích tập trung đất đai để sản xuất quy mô lớn, mời gọi đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bước đầu hình thành các vùng chuyên canh gắn với nhà đầu tư lớn, từng bước giải quyết bài toán giữa sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Trong khi đó, các ngành thương mại, dịch vụ, du lịch của An Giang tiếp tục phát triển và chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế (năm 2020 chiếm 49,09%, cao hơn 5% so năm 2015); quy mô thị trường nằm trong nhóm đầu khu vực.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giai đoạn 2015-2020 ước đạt 502.000 tỷ đồng (tăng 17,1% so với giai đoạn 2010-2015); kim ngạch xuất khẩu ước đạt 4,181 tỷ USD; hàng hóa An Giang đã có mặt trên 105 quốc gia. 
An Giang cũng triển khai nhiều giải pháp đổi mới chương trình giảng dạy, tạo chuyển biến mạnh về chất lượng, hiệu quả giáo dục đào tạo ở các bậc học; tỷ lệ học sinh thi đỗ tốt nghiệp THPT quốc gia đứng ở tốp 10 cả nước và đứng đầu vùng ĐBSCL 3 năm liền (2017-2019)...
Đạt được những kết quả trên nhờ cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy các cấp, luôn giữ vững vai trò trung tâm đoàn kết, dân chủ, sáng tạo trong lãnh đạo, điều hành. Tập trung xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, quyết tâm phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; chú trọng công tác dân vận, xây dựng khối đoàn kết, củng cố niềm tin trong nội bộ và nhân dân.
Ngoài ra, tranh thủ sự quan tâm lãnh đạo, hỗ trợ thường xuyên của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, cũng như sự giúp đỡ hiệu quả của các bộ, ban, ngành Trung ương và các tỉnh thành bạn.
An Giang đột phá những mô hình kinh tế ảnh 1 Dự án Nhà máy điện mặt trời Sao Mai phát huy hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Phấn đấu vào tốp đầu khu vực
Tới đây, An Giang tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, gắn bó mật thiết với người dân. 
Nông nghiệp sẽ là nền tảng của nền kinh tế; dịch vụ, du lịch và công nghiệp là động lực cho phát triển. Tỉnh sẽ đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng chuyển dịch hợp lý từ nông nghiệp sang công nghiệp và thương mại, dịch vụ; tăng chất lượng, giá trị lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ và du lịch; nâng cao trình độ sản xuất, kinh doanh, năng lực cạnh tranh của các chủ thể kinh tế; chú trọng phát triển các ngành nghề vừa tăng thu nhập của người dân, vừa tạo nguồn thu ngân sách.
Phấn đấu đến năm 2025, kinh tế An Giang thuộc nhóm đầu khu vực ĐBSCL và đạt mức trung bình cả nước; đến năm 2030 đạt trên mức trung bình cả nước.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết tỉnh tập trung các khâu đột phá như đầu tư kết cấu hạ tầng, đặc biệt kết cấu hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp và du lịch; nâng cao năng lực, trách nhiệm đội ngũ cán bộ; cải thiện hiệu quả hoạt động hệ thống chính trị; môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo nhằm phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên địa bàn.
Theo đó, giai đoạn 2020-2025, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 5 năm đạt 6,5-7%; GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 70,4-72,2 triệu đồng/người/năm; tổng vốn đầu tư xã hội đạt khoảng 176.000 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 5,28 tỷ USD; thu ngân sách từ kinh tế địa bàn đạt 41.303 tỷ đồng.
Đến năm 2025, tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 75-80%, trong đó có 30-35 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao. Giai đoạn 2025-2030 tỉnh phấn đấu đưa tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt 7-7,5%; GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt 112-115 triệu đồng/người/năm.
 Sự hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu của lãnh đạo tỉnh An Giang, đã giúp Tập đoàn Nam Việt triển khai nhiều dự án quy mô lớn. Trong đó có dự án nuôi trồng thủy sản công nghệ cao Bình Phú, rộng 600ha, vốn đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng.
Ông Doãn Tới
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn thủy sản Nam Việt
Để làm được điều này, theo Chủ tịch Nguyễn Thanh Bình, tỉnh sẽ đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp, tập trung xây dựng thương hiệu nông sản, mở rộng thị trường tiêu thụ nhằm nâng cao chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh hàng hóa nông sản.
Chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp đơn thuần sang phát triển kinh tế nông nghiệp, với phương châm “thị trường hóa hoạt động nông nghiệp để ổn định đầu ra cho nông sản; công nghệ hóa nông nghiệp để tăng năng suất, chất lượng; dịch vụ hóa nông nghiệp để tăng cường chuyên môn hóa và cải thiện hiệu quả; nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu để phát triển bền vững”. 
Tỉnh sẽ xây dựng thương hiệu cho nông sản chủ lực, tập trung 3 nhóm sản phẩm gạo nếp, thủy sản và cây ăn trái. Ngoài ra, đẩy mạnh hợp tác, liên kết phát triển với các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL và các địa phương khác; triển khai đề án liên kết phát triển bền vững tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên.
Tập trung phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, tạo động lực mới cho tăng trưởng. Phát huy vai trò các cửa khẩu quốc tế trong việc kết nối với ĐBSCL và thành phố Phnôm Pênh (Campuchia), nhằm đẩy mạnh giao thương, phát triển kinh tế biên giới. 

Các tin khác