Ẩn số biến động cổ đông lớn tại Vinatex

(ĐTTCO)-Bức tranh kinh doanh của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) trong năm nay được đánh giá còn nhiều khó khăn cả về đầu vào và đầu ra trước những biến động phức tạp của dịch bệnh.
Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) hiện là cổ đông lớn nhất tại Vinatex với sở hữu 53,49%.
Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) hiện là cổ đông lớn nhất tại Vinatex với sở hữu 53,49%.
 

Nhiều khó khăn trong năm 2021

Theo kế hoạch kinh doanh năm 2021 dự kiến trình Đại hội đồng cổ đông thường niên năm nay, Vinatex đặt doanh thu và thu nhập 17.365 tỷ đồng, tăng 17% so với thực hiện năm 2020; lợi nhuận trước thuế 700 tỷ đồng, tăng 18%.

Đây được đánh giá là kế hoạch thận trọng của Vinatex sau khi năm 2020 có doanh thu giảm 27% so với năm 2019, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ giảm tới 37% do ảnh hưởng của Covid-19.

Trong quý I-2021, dù doanh thu giảm 48,8% so với cùng kỳ, nhưng chi phí cũng giảm tương ứng nhờ giảm chi phí lãi vay và giảm lỗ tỷ giá giúp hoạt động này giảm lỗ hơn 51% (37,4 tỷ đồng) so với quý I-2020. Cùng với chi phí bán hàng tăng nhẹ, còn chi phí quản lý ở mức tương đương cùng kỳ, nên lợi nhuận sau thuế của Vinatex đạt 200,4 tỷ đồng, tăng 28% so với quý I-2020.

Tuy vậy, do cấu trúc sở hữu lớn với nhiều công ty con, công ty liên kết, hiệu quả kinh doanh không đồng đều, phần lớn lợi nhuận tăng trưởng trong quý đầu năm nay đang thuộc về cổ đông thiểu số, trong khi lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ chỉ là 99 tỷ đồng, giảm 12,4% so với quý I-2020.

Cũng cần lưu ý là, năm ngoái, hoạt động kinh doanh 2 tháng đầu năm tương đối ổn định, trong khi quý đầu năm nay, sức mua tại các thị trường xuất khẩu tiếp tục yếu do tác động của dịch bệnh, đợt bùng phát dịch trong nước cũng ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động của nhiều doanh nghiệp. Do vậy, kết quả kinh doanh của Vinatex cùng các đơn vị thành viên được kỳ vọng sẽ khởi sắc hơn từ quý II-2021, trên nền so sánh thấp của cùng kỳ năm 2020.

Theo báo cáo của Vinatex, những khó khăn, thách thức mà công ty phải đối mặt năm nay là xu hướng tăng nhu cầu hàng may mặc thông thường, hàng thể thao, trong khi hàng công sở, lễ phục (sơ mi, quần âu, vetson...) là thế mạnh của Tập đoàn chưa phục hồi.

Khó khăn của các doanh nghiệp may hiện nay là dù đã có đơn hàng, nhưng giá thấp và chưa hiệu quả, khách hàng vẫn yêu cầu duy trì chính sách kéo dài thời gian thanh toán, trong khi lạm phát được dự báo tăng, dẫn đến khả năng lãi suất tăng, làm tăng chi phí lãi vay…

Đối với ngành sợi, dù quý I-2021 tăng trưởng đột biến, nhưng chủ yếu nhờ sử dụng giá bông đã chốt mua trong quý IV-2020. Nhu cầu thị trường sợi có phản ứng nhạy với các biến động của kinh tế thế giới, trong nửa cuối tháng 3-2021, giá bán sợi đã giảm khoảng 5% so với bình quân quý 1-2021, nên rủi ro nhu cầu thị trường vẫn hiện hữu.

Về thị trường, châu Âu - một trong những thị trường chủ lực của Vinatex hiện vẫn đứng trước nguy cơ dịch tái bùng phát lần 3, trong khi kinh tế Nhật Bản chưa phục hồi, dẫn đến tăng trưởng xuất khẩu dệt may tại 2 thị trường này gặp nhiều thách thức.

Ban lãnh đạo Vinatex đánh giá, thị trường xuất khẩu lớn nhất của dệt may Việt Nam là Mỹ có hy vọng phục hồi nhu cầu với gói kích thích kinh tế, tiến độ tiêm vắc-xin triển khai tích cực. Thị trường Trung Quốc cũng được đánh giá tiềm năng và kỳ vọng sẽ dần trở thành nước tiêu thụ hàng dệt may lớn của Việt Nam.

Sức hấp dẫn từ đất vàng

Trong bối cảnh kinh doanh được kỳ vọng phục hồi, nhưng sẽ khó đột biến, thị trường đang kỳ vọng việc thoái vốn nhà nước có thể là điểm nhấn đối với Vinatex.

Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) hiện là cổ đông lớn nhất tại Vinatex, với sở hữu 53,49%, đứng thứ 2 là Itochu Corporation (Nhật Bản) sở hữu 13%, thứ ba là CTCP Tập đoàn Vingroup (7,54%).

Vinatex là một trong 88 doanh nghiệp nằm trong danh sách doanh nghiệp dự kiến thoái vốn trong năm 2021 của SCIC. Với tỷ lệ sở hữu chi phối, việc thoái vốn của SCIC được đánh giá sẽ có sức hút với các nhà đầu tư lớn, tìm kiếm cơ hội mua bán - sáp nhập (M&A), nhất là những nhà đầu tư quan tâm đến quỹ đất của doanh nghiệp này.

Báo cáo của CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cho biết, Vinatex đang sử dụng nhiều mảnh đất “vàng” tại trung tâm các thành phố lớn, đặc biệt là tại Hà Nội và TPHCM.

Tuy hầu hết các lô đất đều đang được thuê theo hình thức trả tiền hàng năm, nhưng phân tích của BSC đánh giá, Vinatex vẫn có khả năng chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ văn phòng, nhà xưởng sang văn phòng trung tâm thương mại, với giá trị ước tính của các mảnh đất hiện tại cao hơn cả giá trị vốn hóa của Tập đoàn trên thị trường chứng khoán.

Các tin khác