Hội thảo nhằm giúp các ngân hàng Việt Nam hiểu rõ hơn về các rủi ro môi trường và xã hội, đồng thời giới thiệu những thông lệ tốt nhất trong lĩnh vực này trên trường quốc tế, hướng tới việc cung cấp những hướng dẫn về kỹ thuật và nguồn lực để giúp các ngân hàng trong nước tiến tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” (Net Zero).
Phát triển bền vững là ưu tiên lâu dài của Chính phủ Việt Nam. Điều này được nhấn mạnh tại Hội nghị Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu được diễn ra tại Glasgow năm 2021, với cam kết đạt được Net Zero vào năm 2050.
Ngành tài chính – ngân hàng đóng vai trò rất quan trọng trong sự thành công của mục tiêu Net Zero, đơn cử như việc chuyển nguồn vốn đầu tư từ các hoạt động sử dụng nhiều carbon sang các dự án xanh và bền vững hơn.
Cụ thể, ngành ngân hàng có trách nhiệm chính trong việc “xanh hóa” dòng vốn đầu tư cho phát triển bền vững. Theo Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), các ngân hàng trong nước của Việt Nam là nguồn tài chính chủ chốt cho các dự án năng lượng mặt trời và năng lượng gió, chiếm 3,6 tỷ USD đầu tư từ năm 2018 đến năm 2020.
Chính phủ Anh cam kết hỗ trợ các ngân hàng Việt Nam về quản lý rủi ro môi trường. Ảnh: Đại sứ quán Anh tại Việt Nam
Thực tế, để đảm bảo khả năng chống chịu của ngành ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thực hiện nhiều bước công việc để thúc đẩy tài chính bền vững, bao gồm việc đưa ra các hướng dẫn nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong các hoạt động cấp tín dụng. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động không đồng nhất với việc một số ngân hàng tuân thủ các yêu cầu tối thiểu. Hiện nay chỉ có một số ngân hàng nỗ lực để tuân thủ các thông lệ quốc tế.
Phát biểu tại hội thảo, ông Ronald Bohlander, Tham tán Khí hậu của Đại sứ quán Anh, nhấn mạnh: “Cho vay có trách nhiệm và các nguyên tắc cơ bản của quản lý rủi ro môi trường và xã hội. Biến đổi khí hậu đang diễn ra hàng ngày và tại Việt Nam, chúng ta có bằng chứng rõ ràng về tác động bất lợi của biến đổi khí hậu”.
“Để đáp ứng với những thay đổi này đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0, chúng ta phải điều chỉnh lại các hệ thống kinh tế và hệ thống tài chính – vốn rất quan trọng với nỗ lực này. Các tổ chức tài chính sẽ cần kết hợp thêm những vấn đề về môi trường, xã hội và quản trị trong việc đưa ra quyết định để đảm bảo khả năng giám sát tốt, không chỉ đối với các khoản tiền do người gửi và nhà đầu tư ủy thác, mà còn đối với môi trường hoạt động của đơn vị mình”, ông Ronald Bohlander nói.
Theo ông Ronald Bohlander, tất cả các tổ chức tài chính, bao gồm cả ngân hàng, hiện đang phải đối mặt với rủi ro về môi trường và xã hội do khách hàng và bên nhận đầu tư. Nếu không được quản lý thấu đáo, những rủi ro này có thể ảnh hưởng đến danh tiếng của tổ chức tài chính và dẫn đến kiện tụng tốn kém hoặc mất lợi nhuận, doanh thu.
Cũng theo vị Tham tán Đại sứ quán Anh, Chính phủ Vương quốc Anh cam kết hợp tác với các đối tác quốc tế để hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh về tài chính này.
Được biết, Chương trình Hỗ trợ carbon thấp của Vương quốc Anh dành cho các nước ASEAN (LCEP) thuộc Quỹ Thịnh vượng của Vương quốc Anh, nhằm giúp các nước ASEAN khai thác lợi ích từ việc triển khai năng lượng carbon thấp thông qua hỗ trợ kỹ thuật của Vương quốc Anh cho hai hợp phần về Tài chính xanh và Sử dụng năng lượng hiệu quả.