Các doanh nghiệp (DN) đầu tư vào các khu kinh tế (KKT), khu công nghiệp (KCN) ở miền Trung ngày càng chịu nhiều áp lực về việc tuyển dụng lao động có tay nghề, đúng công việc. Tuy nhiên, hầu hết nhân lực tại các tỉnh miền Trung xuất thân từ nông nghiệp, các ngành nghề từ các trường đào tạo nghề chưa gắn với nhu cầu thực tế nên năm nào việc tuyển dụng lao động cũng là vấn đề nan giải với các nhà đầu tư.
Thiếu lao động trầm trọng
Đầu những năm 2000, khi hàng loạt dự án đầu tư triển khai tại KKT Dung Quất, nhu cầu tuyển dụng lao động ở đây nóng lên từng ngày. Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất cần trên 2.000 lao động có tay nghề, và dù đã đặt hàng cho nhiều đơn vị đào tạo nhưng số lượng nhận được vẫn không đủ, khiến nhà máy này phải ra Đà Nẵng, vào Khánh Hòa để tuyển dụng.
Ông Võ Hoàng Thông, Giám đốc bộ phận quản lý nhân sự, tuyển dụng và đào tạo Doosan Vina (Hàn Quốc) đang hoạt động tại KKT Dung Quất, cho biết năm 2011 Doosan Vina cần tuyển 135 thợ cơ khí bậc cao nhưng tìm khắp Quảng Ngãi không tuyển được, đơn vị phải tuyển ở Đà Nẵng, TPHCM.
Đồng thời khó khăn trong việc tuyển dụng lao động có tay nghề là chi phí tăng, bỏ ra 1 đồng tuyển thì phải bỏ thêm 4 đồng đào tạo lại, lao động mới có thể đáp ứng công việc. Trong khi đó, Đà Nẵng có gần 300 DN đang hoạt động tại 6 KCN phải cần đến trên 100.000 lao động. Vì vậy, nhu cầu tuyền dụng lao động tại các KCN ở Đà Nẵng rất lớn.
Mặc dù thời điểm tháng 6 là “mùa lao động” nhưng hầu hết các DN vẫn trong tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng. Trước cổng Công ty TNHH Điện tử Việt Hoa (KCN Hòa Khánh) có tấm băng-rôn: “Cần tuyển 1.000 lao động nữ tuổi 18-35”.
Hay tại Công ty TNHH Mabuchi Motor, CTCP Keyhinge Toys cũng thông báo tuyển lao động lên đến hàng nghìn người. Thế nhưng, theo phòng tổ chức của các công ty này, số người lao động đến nộp đơn xin việc chỉ đếm trên đầu ngón tay. Bà Nguyễn Thị Thanh Hưng, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TP Đà Nẵng, cho rằng tình trạng các DN thiếu hụt nguồn lao động năm nào cũng xảy ra bởi các KCN ngày càng mở rộng, các DN mỗi ngày một tăng nhưng số lao động thì hữu hạn.
Không những thế, nguồn lao động chính của các KCN ở Đà Nẵng chủ yếu đến từ Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị... nhưng các địa phương này cũng mở KKT, KCN nên nguồn lao động xem như bị “chia 5, xẻ 7”.
Một vài DN khi đến đầu tư tại các KKT của miền Trung dường như đã lường trước được vấn đề nóng này nên cùng với việc xây dựng nhà máy, họ đồng thời tiến hành tuyển dụng và đào tạo lại lao động, thí dụ như Công ty Ô tô Chu Lai-Trường Hải.
Riêng Trường Cao đẳng nghề Chu Lai-Trường Hải đã tổ chức đào tạo chuyên ngành cơ khí, ô tô ở 3 cấp học: sơ cấp, trung cấp và cao đẳng theo mô hình khép kín, vừa học lý thuyết vừa thực hành trên dây chuyền thiết bị hiện đại, đã góp phần giải quyết việc làm cho trên 4.000 lao động. Nhưng không phải DN nào cũng trường vốn để có thể kiêm luôn công việc đào tạo nhân lực theo yêu cầu của mình.
Bởi vậy, khi đến nơi nào đầu tư, hầu hết các DN đều nhắm đến nguồn lao động ở đó. Nắm bắt được tâm lý trên, một số địa phương đã có chính sách hỗ trợ đào tạo lao động như tỉnh Quảng Nam. Ông Huỳnh Khánh Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết: “Khi các nhà đầu tư đến, tỉnh đã định hướng DN đưa lao động đào tạo chuyên môn kỹ thuật ở nước ngoài hay mở cơ sở đào tạo ngay tại KKT, tỉnh sẽ thực hiện cơ chế hỗ trợ đào tạo lao động”.
Cần 32.000 lao động/năm
Ông Võ Hoàng Thông của Doosan Vina cho rằng việc cấp bách hiện nay của tỉnh Quảng Ngãi là xây dựng một cơ sở đào tạo có chất lượng để cung ứng nguồn nhân lực kỹ thuật cho DN. Có như vậy, DN mới khỏi phải “tự bơi” để tìm kiếm lao động tay nghề, tiết kiệm được chi phí tuyển dụng, đồng thời chủ động trong công việc làm ăn.
Theo ông Nguyễn Duy Nhân, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Ngãi, phải xây dựng hệ thống thông tin về lao động, việc làm và dự báo nhu cầu ngành nghề đào tạo; gắn DN với cơ sở đào tạo trong việc dạy nghề; liên kết với các trường đại học, cao đẳng trong cả nước về công tác đào tạo; chủ động thực hiện việc xã hội hóa công tác đào tạo nghề, lấy chất lượng đào tạo làm thước đo...
GS.TS Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo, nói: “Khu vực miền Trung tính từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Thuận có 57 trường đại học và cao đẳng, xếp thứ 3 sau đồng bằng sông Hồng và Đông Nam bộ. Số sinh viên cao đẳng, đại học chính quy trong vùng khoảng 200.000, chiếm 12% tổng sinh viên chính quy cả nước. Nhìn bức tranh tổng quát về đào tạo, chúng ta có thể tạm yên tâm với nguồn nhân lực cho hoạt động sản xuất công nghiệp truyền thống. Thế nhưng chất lượng của phần đông lao động được đào tạo hiện nay chưa đáp ứng được đòi hỏi của các ngành kinh tế mũi nhọn, đặc biệt là những ngành công nghệ cao.”
Theo TS. Trần Du Lịch, hiện toàn vùng (gồm các tỉnh, thành phố Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa) có 5,8 triệu người trong độ tuổi từ 15 trở lên, chiếm 71,3% dân số, nhưng trình độ học vấn còn thấp, tay nghề còn yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là đối với những ngành sản xuất đòi hỏi trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao.
Thị trường lao động của vùng tuy đã bước đầu hình thành nhưng còn nhiều bất cập, méo mó trong quan hệ cung - cầu lao động, giữa đào tạo và yêu cầu sử dụng. Các ngành du lịch, công nghệ cao, công nghiệp lọc hóa dầu, y tế đang thiếu hụt lao động.
Trong khi đó, theo dự báo, đến năm 2015, khu vực miền Trung cần khoảng 567.000 lao động trình độ cao đẳng, đại học và 863.000 vào năm 2020. Thế nhưng, hiện nay, toàn vùng chỉ có 409.000 lao động có trình độ cao đẳng, đại học. Như vậy, bình quân mỗi năm cả vùng cần đào tạo thêm 32.000 lao động có trình độ trên.
Để có nguồn lao động này, theo tính toán đến năm 2020, toàn khu vực miền Trung phải có 68 trường đại học, cao đẳng (tăng thêm 10 trường đại học và 8 trường cao đẳng so với hiện nay).
Bên cạnh đó, mạng lưới các trường đại học, cao đẳng trong khu vực cần phải đảm bảo hài hòa cơ cấu nhân lực. Các địa phương cần có sự phối hợp thống nhất với nhau về cơ cấu ngành nghề, định hướng phát triển, vị trí xây dựng của từng trường sao cho phù hợp với từng KCN, KKT của mỗi địa phương.