Big 4 vẫn khó
Đầu tháng 12, VĐL của VPBank đạt hơn 67.434 tỷ đồng sau khi hoàn tất phát hành cổ phiếu để tăng VĐL 22.377 tỷ đồng từ nguồn vốn chủ sở hữu, vượt lên trở thành NH có VĐL lớn nhất hệ thống, đẩy 3 trong số 4 NHTMCP có vốn nhà nước trong nhóm Big 4 xuống vị trí sau. Cụ thể, BIDV từ mức VĐL đứng đầu hệ thống (50.585 tỷ đồng) hiện đã lùi xuống vị trí thứ 2, VietinBank với 48.058 tỷ đồng xuống vị trí thứ 3 và Vietcombank xếp ở vị trí thứ 4 với 47.325 tỷ đồng. Xếp ở vị trí thứ 5 là MB sau khi hoàn tất tăng VĐL từ hơn 37.783 tỷ đồng lên 45.339 tỷ đồng hồi tháng 10.
Tăng VĐL gần như là hoạt động của đa số NHTM trong mấy năm gần đây. Riêng năm 2022, đã có 22 NHTM lên kế hoạch tăng vốn với tổng giá trị tăng thêm 154.000 tỷ đồng, cao gấp 1,5 lần so với kế hoạch tăng vốn năm 2021, cao nhất từ trước đến nay. Trong 154.000 tỷ đồng này, nhóm NHTMCP tư nhân đặt kế hoạch tăng gần 119.000 tỷ đồng. Việc các NH ồ ạt tăng vốn nhằm củng cố tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR), đáp ứng tiêu chuẩn Basel II và hướng tới các tiêu chuẩn cao hơn là Basel III; nâng cao năng lực tài chính, phát triển hoạt động tín dụng và tăng khả năng đề kháng trước những khó khăn của nền kinh tế.
Từ ngày 1-1-2020, Thông tư 41/2016/TT-NHNN chính thức có hiệu lực thi hành, các NH phải áp dụng CAR theo chuẩn Basel II tối thiểu 8%. Song trên thực tế, hiện mới có hơn 20 NHTM áp dụng theo Thông tư 41. Thống kê của NHNN cho thấy, tính đến cuối tháng 10, hệ số CAR của nhóm NH áp dụng Thông tư 41 ở mức 11,7%, vượt yêu cầu tối thiểu 8%. Trong đó, các NHTM có vốn nhà nước đạt 9,04%, nhóm NHTMCP đạt 12,29%. Đặc biệt, sau các đợt tăng vốn 3 năm gần đây, nhóm NHTMCP tư nhân vượt trội trong đáp ứng quy định về vốn. Cụ thể, hệ số CAR của Techcombank lên đến 15,7%, HDBank 15,3%, VPBank 15%, Eximbank 13,81%, SeABank 13,49%, TPBank 12,2%, OCB 12,5%, ACB 12,5%, VIB 12,4%, LienVietPostBank 12,31% và MSB 12,17%. Ngược lại, các NHTM có vốn nhà nước đang đứng trước nhiều áp lực trong vấn đề tăng vốn.
Tại báo cáo gửi tới Ủy ban Kinh tế Quốc hội hồi tháng 9, NHNN nhấn mạnh VĐL của các NHTM nhà nước tăng chậm hơn rất nhiều so với khối NHTMCP, ảnh hưởng đến vai trò dẫn dắt thị trường, vai trò chủ lực, chủ đạo của toàn hệ thống. Theo số liệu, nhóm Big 4 chiếm 40-41% thị phần tín dụng và tổng tài sản toàn hệ thống, song VĐL chỉ chiếm hơn 23% tổng VĐL toàn hệ thống. Vốn tăng chậm trong khi tổng tài sản tăng nhanh, khiến hệ số CAR của nhóm này chỉ cao hơn một chút so với quy định tối thiểu. Hệ số CAR thấp đã kéo thị phần tín dụng bị co hẹp trong các năm qua, giảm từ trên 50% xuống còn 40%.
Vì vậy, tăng vốn đối với nhóm NHTM nhà nước là điều bắt buộc. Bởi theo mục tiêu đặt ra tại Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025”, phấn đấu đến năm 2023 tỷ lệ CAR của các NH đạt tối thiểu 10-11%; đến năm 2025, đạt tối thiểu 11-12%. Song ở nhóm này dù muốn cũng không thể nhanh được, bởi việc cổ phần hóa, bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, giữ lại lợi nhuận sau thuế để trả cổ tức bằng cổ phiếu… phải chờ chấp thuận của các cơ quan có liên quan.
Để gỡ khó, NHNN đang phối hợp các bộ, ngành xem xét, trình cấp thẩm quyền phê duyệt phương án tăng VĐL cho Agribank từ nguồn ngân sách nhà nước. Với BIDV, Vietcombank, VietinBank, NHNN cũng đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính xem xét, có ý kiến về việc phân phối lợi nhuận năm 2021 để làm cơ sở trình cấp có thẩm quyền xem xét tăng VĐL cho các NH này.
NH nhỏ liệu có thay đổi trước quy định mới?
Hiện nhóm NHTMCP quy mô nhỏ vẫn đang áp dụng Thông tư 22/2019/TT-NHNN với hệ số CAR tối thiểu 9%. Tính đến cuối tháng 10, hệ số CAR của nhóm này chỉ đạt 8,38%. Bởi vậy, tăng vốn sẽ là áp lực lớn với các NHTMCP quy mô nhỏ. Bởi theo đề án trên, đến năm 2025 nhóm NHTM có tiềm lực tài chính, năng lực cạnh tranh, quy mô lớn cần VĐL tối thiểu 15.000 tỷ đồng; nhóm NHTM có tiềm lực tài chính, năng lực cạnh tranh, quy mô nhỏ và trung bình và NHTM có vốn nước ngoài, mức VĐL tối thiểu phải đạt 5.000 tỷ đồng. Hiện nay, mức vốn pháp định của NHTM 3.000 tỷ đồng và đến nay còn khá nhiều NH có vốn dưới 5.000 tỷ đồng: PGBank 3.000 tỷ đồng, VietBank 4.776 tỷ đồng, SaiGonBank 3.080 tỷ đồng, NamABank 4.564 tỷ đồng, KienlongBank 3.653 tỷ đồng, Bản Việt 3.670 tỷ đồng, BaoVietBank 3.150 tỷ đồng.
Hơn nữa, trong nhóm NH này, PGBank đã có 12 năm liên tiếp không tăng VĐL. Lần tăng vốn gần nhất là năm 2010, từ 1.000 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phần mới và chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu. Với SaigonBank, dù VĐL chỉ nhỉnh hơn một chút so với quy định song không có kế hoạch tăng vốn trong năm 2022. Năm 2014, SaigonBank từng dự định tăng vốn lên 4.000 tỷ đồng theo phương thức phát hành riêng lẻ. Năm 2016, NHNN chấp thuận cho SaigonBank tăng VĐL thêm 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, các kế hoạch này vẫn chưa được triển khai. Hay năm 2019, BaoVietBank dự kiến tăng VĐL từ 3.150 tỷ đồng lên 5.200 tỷ đồng, nhưng đến nay vẫn dậm chân tại chỗ. BaoViet Bank đến nay cũng chưa công bố kế hoạch đưa cổ phiếu lên sàn theo quy định.
Theo đề án, các NH còn 3 năm nữa để đáp ứng các quy định đặt ra. Không có thế lùi, nhưng liệu các NH nhỏ có thể tăng vốn vẫn khó trả lời. Nhìn thực tế, lâu nay kết quả kinh doanh của nhóm này không quá vượt trội, sau khi trừ đi chi phí và trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu, lợi nhuận còn lại khá thấp. Trong khi đó, Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025” khuyến khích tham gia mua bán, hợp nhất, sáp nhập các TCTD trên cơ sở tự nguyện để gia tăng quy mô, phạm vi hoạt động, khả năng cạnh tranh; triển khai và áp dụng Basel II theo phương pháp nâng cao, hướng tới đạt trình độ phát triển của nhóm 4 nước dẫn đầu khu vực ASEAN vào năm 2025. Như vậy, nếu không tăng vốn được theo quy định, việc mua bán, hợp nhất, sáp nhập có thể sẽ là tương lai của một số NHTM quy mô nhỏ.
Tăng VĐL là hoạt động của đa số NHTM trong mấy năm gần đây. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu của NHNN, các NH phải nỗ lực nhiều hơn nữa.