Thử thách tính trung lập và đoàn kết
Nói về những tranh chấp Mỹ - Trung, trong năm qua người ta thường dùng từ “thương chiến”. Tuy nhiên những diễn biến từ cuối quý II-2019 đến nay cho thấy cuộc chiến này đã vượt qua khái niệm thương chiến mà mở rộng ra nhiều lĩnh vực.
Thí dụ rõ ràng nhất là vào cuối tháng 11-2019, Tổng thống Donald Trump đã ký dự luật Dân chủ và nhân quyền Hồng Kông, đồng thời ký thông qua đạo luật thứ 2 cấm xuất khẩu vũ khí kiểm soát đám đông cho chính quyền Hồng Kông, được cho nhằm hỗ trợ người biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông. Ngay lập tức Trung Quốc đã đáp trả, đình chỉ các chuyến thăm của tàu chiến Mỹ tới Hồng Kông và áp đặt lệnh trừng phạt một số tổ chức phi chính phủ.
Những động thái trên cho thấy xung đột Mỹ-Trung Quốc trên nhiều phương diện đã dần lộ diện và 2 bên không thể tránh né vấn đề được nữa. Sự khác biệt trong những giá trị về quan điểm đối với những vấn đề dân chủ, nhân quyền cũng như sức ép cạnh tranh trong việc triển khai các công nghệ mới, cũng như ở vị thế số 1 toàn cầu, đã đặt Mỹ-Trung Quốc vào thế thường xuyên xung đột lợi ích. Và cuộc xung đột này đang đặt ra thử thách lớn cho các quốc gia ASEAN về tính trung lập và sự đoàn kết.
Có 2 thí dụ gần đây cho thấy quan điểm tiếp cận của các nước ASEAN khác nhau đáng kể về nhiều vấn đề liên quan tới Trung Quốc. Thứ nhất, vấn đề tranh chấp chủ quyền về vùng biển và đảo với Trung Quốc. Theo đó, lập trường có phần cương quyết hơn của Việt Nam với vấn đề này trong thời gian gần đây là khác biệt nhiều so với Malaysia và Philippines, những nước tỏ ra ít quan tâm đến vấn đề chủ quyền biển đảo và quan tâm hơn đến thúc đẩy hợp tác kinh tế với Trung Quốc.
Thứ hai, vấn đề triển khai công nghệ liên quan đến Trung Quốc. Mỹ đã cảnh báo về các rủi ro bảo mật phát sinh từ công nghệ 5G của Huawei, trong một số tuyên bố đã có hàm ý nước nào dùng công nghệ 5G của Huawei sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới quan hệ an ninh-quốc phòng với Mỹ.
Trong khi Campuchia và Malaysia tỏ rõ mối quan tâm đến việc hợp tác với Huawei trong phát triển công nghệ 5G, thì Việt Nam không hợp tác với Huawei. Một trong những động lực có thể vì Việt Nam muốn tự chủ công nghệ qua những công ty như Viettel. Điều này không có nghĩa Việt Nam muốn chiều lòng Mỹ, mà là lựa chọn được thúc đẩy từ tham vọng tự chủ công nghệ quốc gia.
Như vậy, trong cuộc chiến Mỹ-Trung, các nước ASEAN đang có những lựa chọn khác nhau. Và đây là những lựa chọn có tính thời điểm, tùy tình huống. Tuy nhiên, một vài lựa chọn nhỏ ban đầu có thể từng bước đẩy các nước vào những chiến lược khác nhau và lựa chọn vị thế khác nhau trong ứng xử với những thời khắc quyết định trong cuộc chiến Mỹ - Trung. Làm sao duy trì được tiếng nói chung, trung lập và đoàn kết trong bối cảnh như vậy là một thử thách lớn cho các nước ASEAN.
Chiến lược Nhất đới - nhất lộ của Trung Quốc
Đầu năm 2018, chính quyền Trump xem chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở” là chủ chốt đối với châu Á. Đây là tia hy vọng với các nước ASEAN khi ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy Mỹ đang giảm can dự vào khu vực này. Trọng tâm của chiến lược này được thúc đẩy bởi bộ tứ Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ, trong khi vai trò các nước ASEAN - thành phần chủ chốt của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có vẻ bị phớt lờ.
Tháng 6-2019, các nước ASEAN đã công bố Tầm nhìn của ASEAN với vấn đề Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Với quan điểm trung dung và không loại trừ hợp tác với Trung Quốc, ASEAN đang diễn giải lại tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương theo cách của mình, không nhất thiết đồng quan điểm với bộ tứ trên.
Điều này cũng phản ánh quan điểm của nhiều nước ASEAN trong ứng xử với chiến lược Nhất đới - nhất lộ của Trung Quốc. Dù đã có những cảnh báo rằng hợp tác với các dự án Nhất đới - nhất lộ của Trung Quốc dẫn đến việc các nước tham gia có thể rơi vào bẫy nợ, phải đánh đổi quyền kiểm soát các tài sản có tính chiến lược hay chủ quyền, nhiều nước ASEAN vẫn quan tâm đến các khoản vay của Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB).
Đây được xem là “sáng kiến đắt đỏ” của Trung Quốc để thúc đẩy tầm nhìn Nhất đới - nhất lộ. Những nước ASEAN đang rất cần nguồn vốn để phát triển hạ tầng, như Việt Nam sẽ tiếp tục tìm kiếm nguồn vốn từ AIIB, nhất là trong bối cảnh chiến lược của Mỹ không cụ thể hóa thành các khoản đầu tư tỷ đô vào hạ tầng châu Á như Trung Quốc.
Như vậy, các nước ASEAN phải cố gắng cân bằng giữa thế “bao vây” và “bao hàm” trong định hình tầm nhìn của mình để ứng xử với các chiến lược của Mỹ và Trung Quốc. Khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đang dần vượt lên thành cuộc chiến tranh toàn diện và lâu dài, thử thách lớn nhất của các nước ASEAN là làm sao không hoàn toàn nghiêng về phe nào mà vẫn có thể phát triển ổn định và thịnh vượng.
Quan trọng hơn, ASEAN phải được nhìn nhận như khối thống nhất với tiếng nói được tôn trọng khi các siêu cường định hình chiến lược của mình, thay vì chỉ là cụm từ về một nhóm nước ở khu vực địa lý Đông Nam Á mà mỗi nước tự lo thân mình./
Năm 2020 Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN. Đây là thời cơ cho Việt Nam để lại dấu ấn của mình trong việc đoàn kết các nước ASEAN khi ứng xử với những vấn đề liên quan tới Mỹ và Trung Quốc. |