Bà Đỗ Thị Nhàn khai chưa sử dụng 5,2 triệu USD tiền nhận hối lộ

(ĐTTCO) - Trả lời HĐXX, bị cáo Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Cục II - Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước, khai đã nhận thức được hành vi của mình và xin nhận tội, bị cáo chỉ xin trình bày bổ sung thêm.

Cụ thể, về hành vi nhận hối lộ 5,2 triệu USD, bị cáo Đỗ Thị Nhàn thừa nhận bản thân đã nhận của Võ Tấn Hoàng Văn, cựu Tổng Giám đốc SCB, 4 lần với tổng số tiền là 5,2 triệu USD. Theo bị cáo Nhàn, hành vi vi phạm trong cáo trạng tương ứng phù hợp với lời khai báo tại cơ quan điều tra.

Bị cáo Đỗ Thị Nhàn tại tòa. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Bị cáo Nhàn bổ sung "đã nhận tiền từ bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn, nhưng vẫn giữ nguyên chưa sử dụng. Đã nhiều lần liên hệ bị cáo Văn để trả lại. Bị cáo không bàn bạc với ai để nói về chuyện tiền nong".

Bị cáo Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục II – Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước) tại tòa. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Bị cáo Nhàn nói thêm, bị cáo thấy nhận tiền là sai và bị cáo đã từ chối, nhưng Văn đã nói với bị cáo là “Đừng làm khó Văn và làm khó chính mình”. Sau đó, bị cáo thấy sợ và đã gọi cho Văn nhiều lần đến lấy lại tiền nhưng Văn không đến lấy.

Theo cáo trạng, sau khi nhận tiền hối lộ, bị cáo Nhàn đã chỉ đạo thành viên trong đoàn báo cáo không trung thực, không đầy đủ các sai phạm của SCB; cố tình che giấu, làm nhẹ sai phạm của SCB và kiến nghị đề xuất tạo điều kiện cho SCB được tái cơ cấu.

Trong đợt thanh tra thứ nhất, bị cáo Nhàn trực tiếp chỉ đạo cấp dưới bỏ ngoài số liệu phân loại nợ xấu gần 38.000 tỷ đồng; trích lập dự phòng rủi ro là hơn 18.700 tỷ đồng và thoái dự thu hơn 3.000 tỷ đồng đối với 3 dự án gồm: Mũi Đèn Đỏ, 6A và Royal Garden; làm thay đổi toàn bộ các chỉ tiêu tài chính của SCB theo hướng có lợi cho SCB.

Trong đợt thanh tra thứ hai, bị cáo Nhàn chủ động đề xuất Nguyễn Văn Hưng thay đổi kế hoạch thanh tra nhằm thu hẹp phạm vi, thời kỳ thanh tra đối với 71 khách hàng có địa chỉ tại số 4 Nguyễn Thị Minh Khai để không phải thanh tra các khoản vay của nhóm 71 khách hàng phát sinh sau ngày 30-6-2017 còn dư nợ đến 31-3-2018. Bên cạnh đó, không thanh tra đối với 13 khách hàng mới có cùng địa chỉ tại số 4 Nguyễn Thị Minh Khai phát sinh dư nợ sau ngày 30-6-2017.

Tương tự, trả lời xét hỏi, bị cáo Nguyễn Văn Hưng (cựu Phó Chánh Thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước) thừa nhận nhiều lần nhận tiền của SCB trong các ngày lễ tết. Tổng số tiền là 390.000 USD và bị cáo đã thực hiện các hành vi sai phạm, không đúng quy định pháp luật.

Bị cáo Hưng khai, đơn vị thanh tra SCB là thanh tra theo kỳ, không phải thanh tra đột xuất. Tình hình của SCB trước khi thanh tra, theo các kênh báo cáo thì hoạt động bình thường, do đó cuộc thanh tra được xác định là thanh tra bình thường.

Bị cáo Nguyễn Văn Hưng, cựu Phó Chánh Thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, tại tòa. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Trước khi Ngân hàng Nhà nước có cuộc thanh tra thì Thủ tướng Chính phủ giao cho Thanh tra Chính phủ (TTCP) thanh tra SCB, nhưng sau đó có cuộc làm việc giữa lãnh đạo TTCP cùng Ngân hàng Nhà nước và đã thống nhất giao cho một đầu mối thanh tra. Sau đó, TTCP báo cáo Thủ tướng và Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước trực tiếp thanh tra SCB và thành lập đoàn thanh tra liên ngành với sự có mặt của các đơn vị khác, gồm: TTCP, Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, Kiểm toán nhà nước và Ngân hàng Nhà nước.

Các tin khác