Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công thương ngày 22-7 đã làm việc về vấn đề cung ứng hàng hóa và tuân thủ các quy định trong kinh doanh với hệ thống cửa hàng Bách Hóa Xanh sau những ngày lùm xùm khách tố tăng giá giữa đại dịch, tính sai giá hàng hóa...
Ông Trần Kinh Doanh - Tổng giám đốc Bách Hóa Xanh, cho biết hiện hệ thống có gần 2.000 điểm bán trên 24 tỉnh phía Nam, với lực lượng lao động 20.000 người, riêng TPHCM có 560 cửa hàng.
Thông thường, lượng hàng hóa luân chuyển qua hệ thống của Bách Hóa Xanh khoảng 1.300 - 1.500 tấn/ngày, gồm thực phẩm tươi sống và những hàng hóa thiết yếu khác. Thời gian TPHCM giãn cách chống dịch, lượng hàng tại hệ thống tăng lên gấp đôi, từ 2.000-3.000 tấn/ngày.
Tuy vậy, trong những ngày đầu TPHCM áp dụng Chỉ thị 16, do áp lực giá cả đầu vào, cung ứng, vận chuyển hàng hóa… nên một số mặt hàng có tăng nhiều so với bình thường. Nhưng giá gần đây đã dần ổn định trở lại.
Về việc tính nhầm giá, vi phạm niêm yết giá... ông Doanh nói rằng trong lúc áp lực cầu thị trường tăng cao, khối lượng công việc lớn thì sai sót khó tránh khỏi, và doanh nghiệp đã khắc phục ngay.
Vị này cũng đưa ra thông tin trong ngày 21-7, Bách Hóa Xanh chuyển thông điệp đến khách hoàn trả mọi chênh lệch thiệt hại, đền khách hàng thêm 100.000 đồng/lần mua hàng. Chuỗi cam kết sẽ tuân thủ nghiêm theo các quy định, cố gắng ở mức cao nhất để cung ứng hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân.
Theo Thứ trưởng, với trách nhiệm quyền hạn được giao, Bộ Công Thương đã nhắc nhở, xử lý doanh nghiệp này theo đúng các quy định hiện hành.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải yêu cầu Bách Hóa Xanh cần tăng cường nguồn hàng, tăng việc bán hàng lưu động, nhất là với hàng hóa thiết yếu để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng, vì thị trường trong giai đoạn tới sẽ có những diễn biến phức tạp, do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Đặc biệt, doanh nghiệp cần quan tâm tiêu thụ nông sản để hỗ trợ nông dân, nhà sản xuất khi nhiều tỉnh phía Nam đang bước vào vụ thu hoạch. Đề nghị Bách Hóa Xanh cần hài hòa lợi ích kinh doanh và hỗ trợ tiêu thụ nông sản, cung ứng hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu để phục vụ nhu cầu của người dân.