Kinh hoàng tiêu thụ rượu, bia

Bài 2: Rượu vào, dao kiếm ra

(ĐTTCO) - “Rượu vào lời ra” từ lâu đã là chuyện bình thường đối với dân nhậu. Bây giờ, hậu họa từ bàn nhậu không đơn giản là lời qua tiếng lại, đập vài chai bia nữa mà còn là những vụ hành hung, chém giết lẫn nhau, dẫn đến án mạng. Để rồi, trước cuộc nhậu là anh em, bạn bè, sau khi “chén tạc chén thù” lại rơi vào cảnh người mất mạng, kẻ vào tù.

(ĐTTCO) - “Rượu vào lời ra” từ lâu đã là chuyện bình thường đối với dân nhậu. Bây giờ, hậu họa từ bàn nhậu không đơn giản là lời qua tiếng lại, đập vài chai bia nữa mà còn là những vụ hành hung, chém giết lẫn nhau, dẫn đến án mạng. Để rồi, trước cuộc nhậu là anh em, bạn bè, sau khi “chén tạc chén thù” lại rơi vào cảnh người mất mạng, kẻ vào tù.

Bài 1: Những cung đường ăn nhậu

Án mạng từ bàn nhậu

Chiều 4-11, nhân ngày giỗ tổ nghề giày, nhóm công nhân gia công giày da, gồm: chị Nguyễn Thị Thúy Hằng cùng 9 người khác, trong đó có Nguyễn Văn Danh (26 tuổi), Trần Minh Quang (19 tuổi), em trai Quang là Trần Đình Phước (18 tuổi), Trần Trọng Khải (18 tuổi) rủ nhau đi nhậu ở quán Hiếu Già (đường Ba Tơ, phường 7, quận 8, TPHCM). Ngồi bàn khác có nhóm thanh niên, gồm: Trần Huy (26 tuổi), Trần Trọng Hữu (28 tuổi, anh ruột Huy), Nguyễn Linh Hải (20 tuổi), Huỳnh Tấn Tâm (20 tuổi) và 3 người khác. Trong lúc nhậu, Hải và Tâm thấy Hằng là đồng hương nên gọi qua bàn mình mời bia. Lịch sự, Hằng qua uống một ly rồi quay về.

Lát sau, Danh sang bàn Huy mời lại. Lúc nói chuyện, Danh nhìn Huy rồi khẳng định trước đây có từng đánh nhau với Huy. Tuy nhiên, Huy phủ nhận và từ chối uống bia với Danh. Hải ngồi gần liền đứng dậy định mời bia Danh, cứu nguy cho Huy.

Thấy vậy, Danh tạt luôn bia vào mặt rồi cầm ly bia đánh Hải. Sau đó, 17 người của cả 2 bên xông vào xô xát. Trong lúc loạn đả, Quang giật con dao bấm mà Khải thủ sẵn trong người, đâm 1 nhát trúng hông trái Huy. Nhóm của Danh thất thế nên kéo nhau bỏ chạy ra phía sau quán. Bất ngờ, Hữu cầm cây sắt đuổi theo thì bị Quang dùng dao đâm thủng tim, gan, ruột non dẫn đến tử vong.

Trước đó, tối 9-6, Trần Thành Luân (16 tuổi), Nguyễn Chí Cường (21 tuổi) cùng 5 người khác (đều quê Bình Định, ngụ phường 7, quận 8) ngồi nhậu tại nhà 120B Rạch Cung, phường 7. Thấy nhóm “choai choai” nói chuyện ồn ào, ông Nguyễn Văn Son (50 tuổi, ngụ nhà bên) cầm 1 tuýp sắt dài sang “nhắc nhở”. Hai bên cự cãi. Ông Son dùng tuýp sắt ném vào nhóm Luân. Lát sau, ông Son về nhà lấy dao, kêu thêm người nhà trở lại “nói chuyện” tiếp. Không bên nào nhún nhường, hỗn chiến xảy ra. Ông Son cầm dao đâm 1 nhát vào bụng Luân. Nạn nhân qua đời sau khi vào bệnh viện. Ngoài ra, còn có 3 người khác bị thương.

Theo Công an quận 8, nhiều người dân liên quan đến các vụ gây rối, ẩu đả xuất phát từ rượu, bia trên địa bàn. Đa số họ làm công nhân, thường ăn nhậu vào dịp cuối tuần, ngày lễ… Ban đầu, tất cả đều vui vẻ; dần dần, khi ngà say là họ kiếm chuyện rồi cự cãi, gây lộn. Thiếu tá Lê Hữu Phước, Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (Công an quận 8, TPHCM), nhẩm tính số vụ ăn nhậu rồi đánh nhau chiếm khoảng 20% số vụ án có hành vi giết người, cố ý gây thương tích trên địa bàn quận.

Từ bàn nhậu, tới… bàn mổ

22 giờ, bên trong và cả bên ngoài Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy, người vây chật kín. Các y, bác sĩ hối hả, làm việc hết công suất. Dù thế, chưa xử lý xong ca này, liên tục có xe đẩy bệnh nhân mới vào. Nằm trên giường bệnh, không ít người gặp tai nạn giao thông, hoặc chấn thương do ẩu đả có tuổi đời tương đối trẻ. Đối với những trường hợp trên, bác sĩ đều cho bệnh nhân thử nồng độ cồn trong máu.

Bác sĩ Trương Thế Hiệp, Phó Trưởng khoa Cấp cứu, cho hay, trung bình một ngày, khoa tiếp nhận và xử lý từ 300 - 350 lượt bệnh nhân. Trong đó, khoảng 200 bệnh nhân thuộc trường hợp tai nạn do thương tích (tai nạn giao thông, đả thương…). Theo thống kê chưa đầy đủ, cho bệnh nhân thử nồng độ cồn, khoảng 10% số tai nạn thương tích có liên quan đến rượu, bia.

Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2016, khoa cấp cứu đã thử nồng độ cồn của hơn 1.000 trường hợp. Đáng nói, số trường hợp có nồng độ cồn dưới 40mg/100ml (nồng độ trong ngưỡng quy định khi điều khiển xe máy) rất hiếm. Trong khi đó, nồng độ từ 100 - 200mg/100ml chiếm đa số. Không ít người có nồng độ cồn trên 300mg/100ml khi nhập viện. Từ 17 - 23 giờ là thời gian cao điểm, khoa tiếp nhận số ca tai nạn do thương tích nhiều nhất trong ngày. Tình hình ngày thường là thế; vào dịp cuối tuần hay lễ, tết, số bệnh nhân cùng những ca nghiêm trọng tăng gấp nhiều lần. Nổi bật nhất, số bệnh nhân gặp tai nạn thương tích liên quan đến rượu, bia tăng đột biến.

“Có khi hai nhóm ăn nhậu đánh nhau rồi đưa người bị thương của cả hai bên vào cấp cứu cùng một lúc. Trong phòng, các y - bác sĩ đang cố gắng cứu sống từng người, thì ngoài cửa vẫn vọng vào tiếng chửi bới, gây hấn cùng tiếng can ngăn của bảo vệ”, bác sĩ Hiệp chia sẻ.

Người mất mạng, kẻ vào tù

Không chỉ quán nhậu, bệnh viện, ngay cả pháp đình cũng chứng kiến nhiều bi kịch từ rượu, bia. Mới đây, Bùi Thanh Hoài bị tuyên phạt mức án tử hình chung về tội “Giết người”, 8 năm tù về tội “Hiếp dâm”, 3 năm tù về tội “Cướp tài sản”; mức án chung là tử hình. Đồng phạm của Hoài là Lương Tấn Khanh nhận hình phạt chung thân về tội “Giết người”, 8 năm tù về tội “Hiếp dâm”, hình phạt tổng hợp là tù chung thân.

Trước vành móng ngựa, hai bị cáo thừa nhận âm mưu lợi dụng hơi men để đưa nạn nhân “vào tròng”; đồng thời, men rượu giúp hai bị cáo có gan thực hiện tội ác. Khanh và Hoài làm công nhân ở tỉnh Đồng Nai. Dịp tết, Khanh, Hoài cùng một số đồng nghiệp, trong đó có chị P.T.P.Nh., tổ chức nhậu tại xưởng. Hoài cố tình chuốc bia, ép chị Nh. uống say. Đến nửa đêm, muốn giao cấu nên Hoài rủ chị Nh. vào phòng ngủ của mình.

Trước cuộc nhậu là anh em, bạn bè, sau khi “chén tạc chén thù” lại rơi vào cảnh người mất mạng, kẻ vào tù.
Trước cuộc nhậu là anh em, bạn bè,
sau khi “chén tạc chén thù” lại rơi vào cảnh người mất mạng, kẻ vào tù.

Lúc này, chị Nh. cũng ngà say và vô tư theo Hoài. Thấy vậy, Khanh liền đi theo. Vào trong, hai tên giở trò đồi bại, chị Nh. quyết liệt chống cự. Vốn bị bệnh rối loạn cảm xúc, lại thêm hơi men nên Hoài đột nhiên bóp cổ khiến chị Nh. bất tỉnh. Hai tên thay nhau hãm hiếp rồi lấy hết tài sản, đốt xác phi tang. Thi thể nạn nhân không cháy hết, Khanh và Hoài tiếp tục mang giấu ở hố cạn gần xưởng. Hai ngày sau, Khanh báo công an rằng mình phát hiện thi thể chị Nh. ở hố cạn. Cơ quan điều tra vào cuộc và sự thật sáng tỏ.

Với nhiều người biến trận đấu rượu bia trở thành trận đấu võ, hậu quả thật nặng nề. Trần Thanh Sang (23 tuổi) và Nguyễn Minh Tới Anh (24 tuổi) thi thố hết gần hết 2 két bia thì đâm ra cãi nhau. Hai bên đập bể vỏ chai bia dùng làm hung khí, xông vào đối phương đâm loạn xạ. Say máu trong hơi men, Sang cầm dao đâm một nhát khiến Tới Anh gục tại chỗ, tử vong trên đường đến bệnh viện. Theo kết luận giám định, nồng độ cồn trong máu nạn nhân tại thời điểm xảy ra sự việc là 208mg/100ml. Sau trận chiến trên bàn nhậu, Sang vào tù, bỏ lại người vợ trẻ cùng con gái tròn 3 tuổi bơ vơ. Còn gia đình nạn nhân mất đi lao động chính trong nhà.

Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Trưởng phòng Tham mưu - Công an TPHCM, cho biết, hàng năm những vụ án xảy ra do tác động của rượu, bia luôn phát sinh và tiềm ẩn nhiều phức tạp, đặc biệt xảy ra với những đối tượng là đàn ông trung niên và thanh niên. Xuất phát từ nhiều lý do: mâu thuẫn có từ trước hoặc áp lực cuộc sống, hay đơn giản là câu nói đùa lúc nhậu. Rượu, bia vào sẽ khó lường trước sự việc xảy ra.

Xét nhiều khía cạnh, tình trạng say xỉn gây ra hệ lụy không chỉ cho cá nhân mà cho cả gia đình và xã hội. Khi trong người có chất kích thích (rượu, bia), đồng thời chịu tác động bởi yếu tố bên ngoài thì sẽ bị hạn chế hoặc mất khả năng kiểm soát, dẫn đến hành vi phạm tội rồi trở thành tội phạm. Theo thống kê, năm 2016, TPHCM xảy ra 85 vụ giết người, 410 vụ cố ý gây thương tích, trong đó có 17 vụ (chiếm 20%) giết người và 96 vụ (hơn 23%) cố ý gây thương tích có tác động từ bia, rượu. Ngoài ra, không ít hành vi hủy hoại tài sản, chống người thi hành công vụ… “dính dáng” đến rượu, bia. 

Cấp cứu bệnh nhân say rượu cực hơn

“Bệnh nhân có hơi men, không hợp tác với bác sĩ là tình huống không thể tránh khỏi, xảy ra “như cơm bữa” ở khoa cấp cứu. Vết thương đã có cộng thêm kích thích do chất cồn trong máu của bệnh nhân gây khó khăn, cản trở bác sĩ khám, điều trị. Về mặt chuyên môn, tình trạng này khiến chúng tôi rất dễ nhầm lẫn giữa trường hợp bệnh nhân bị rối loạn tri giác do chất gây kích thích với rối loạn tri giác do thương tích vừa mắc phải. Nhiều khi không chỉ bệnh nhân mà những người theo vào bệnh viện cũng đã sử dụng rượu bia. Chúng tôi đành nhờ lực lượng công an can thiệp khi họ gây rối. Chính vì thế, ca bệnh có rượu, bia “tham gia” thường khiến chúng tôi tốn nhiều nhân lực, thời gian hơn những ca tương tự nhưng không liên quan đến rượu, bia”, bác sĩ Trương Thế Hiệp nhận xét.

Các tin khác