Hơn 100 năm phát triển
Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, tăng trưởng khách du lịch hàng không tại Việt Nam hiện đứng đầu Đông Nam Á. Trong đó giai đoạn 2016-2021, Việt Nam đạt tăng trưởng kép ở mức 17,4% so với trung bình ASEAN là 6,1%.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc vừa qua đã dẫn đến sức ép về nguồn nhân lực để theo kịp đà phát triển. Theo tính toán của Bộ Giao thông - Vận tải (GT-VT), số phi công ở Việt Nam vào năm 2025 sẽ phải tăng khoảng 1.225 người so với năm 2020. Cục Hàng không Việt Nam cũng cho biết từ nay đến năm 2030, Việt Nam sẽ cần khoảng 200 phi công mỗi năm để đáp ứng nhu cầu phát triển.
Trong bối cảnh này, nhiều hãng hàng không đã bắt đầu rục rịch triển khai hoạt động đào tạo phi công, trong đó đáng chú ý là Bamboo Airways với dự án Viện đào tạo Hàng không Bamboo Airways.
Khởi công dự án vào ngày 28-7, Bamboo Airways đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) đào tạo hàng không dài hạn với Học viện đào tạo Hàng không New Zealand.
Theo thông tin từ Bamboo Airways, MOU lần này sẽ là tiền đề cho hai bên tăng cường hợp tác đào tạo đội ngũ phi công theo tiêu chuẩn quốc tế. Bamboo Airways sẽ kết hợp với Học viện đào tạo Hàng không New Zealand tiến hành tuyển chọn học viên đạt tiêu chuẩn đề ra của cả hãng và học viện. Tiếp theo đó, học viện sẽ trợ giúp đào tạo các học viên theo tiêu chuẩn quốc tế với đội ngũ giảng viên chuyên nghiệp, dày dặn kinh nghiệm.
Câu hỏi đặt ra là tại sao Bamboo Airways lại chọn New Zealand để hợp tác, trong khi còn khá nhiều quốc gia khác cũng có ngành đào tạo phi công phát triển như Mỹ, Canada, Australia…?
Trên thực tế, New Zealand là một trong những quốc gia có lịch sử đào tạo hàng không lâu đời nhất thế giới. Trường bay đầu tiên tại quốc gia này ra đời rất sớm - vào cuối thế kỷ 19 khi chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ, thúc đẩy sự phát triển của ngành hàng không. Qua hơn 100 năm phát triển, xứ sở của chim Kiwi đã trở thành một trong những đất nước dẫn đầu về ngành hàng không với tỷ lệ sở hữu máy bay cao nhất thế giới (1.000 dân/máy bay) và gần 10 trường đào tạo phi công tiêu chuẩn quốc tế.
Tất cả các trường đào tạo phi công ở quốc gia này đều quy định tiêu chuẩn đầu vào vô cùng khắt khe. Bên cạnh các yêu cầu nhập học như mọi trường đào tạo khác, tất cả các phi công tương lai đều phải vượt qua bài kiểm tra đầu vào nghiêm ngặt, đánh giá năng lực, sức khỏe, bản lĩnh và tinh thần trách nhiệm. Để có thể được nhận vào một trường bay ở New Zealand đã khó, qua được “ải” đầu ra còn khó hơn nhiều lần.
Mọi phi công muốn tốt nghiệp một trường bay tại New Zealand đều phải đạt được chứng nhận sức khỏe hạng nhất, bài kiểm tra viết dành riêng cho phi công, bài kiểm tra năng lực tiếng Anh, các yêu cầu đặc biệt do Cục Hàng không New Zealand đề ra, và hoàn thành ít nhất 200 giờ bay để được cấp các chứng chỉ phi công lái máy bay cá nhân (PPL - Private Pilot License), chứng chỉ bay mù, bay đêm (IR – Instrument Rating), và chứng chỉ phi công Thương mại (CPL – Commercial Pilot License). Vì vậy, những phi công đã tốt nghiệp tại trường bay ở New Zealand, đều là những phi công cao cấp có khả năng ứng biến với mọi tình huống bay.
Tiêu chuẩn đào tạo nghiêm ngặt cộng với bề dày lịch sử hàng không đã giúp New Zealand trở thành quốc gia của những hãng hàng không sở hữu nhiều cái “nhất”. Mới đây nhất, Air New Zealand đã được bình chọn là hãng hàng không tốt nhất khu vực Nam Thái Bình Dương do độc giả TripAdvisor bình chọn trong Giải thưởng Hàng không năm 2018. Air New Zealand cũng được xếp hạng đầu trong các hạng mục: Hạng ghế Thương gia tốt nhất khu vực Nam Thái Bình Dương, Hạng ghế Phổ thông đặc biệt tốt nhất khu vực Nam Thái Bình Dương, Hạng ghế Phổ thông tốt nhất khu vực Nam Thái Bình Dương.
Học viện đào tạo Hàng không New Zealand – đơn vị ký kết hợp tác với Bamboo Airways là một trong số ít những trường đào tạo phi công được thành lập bởi những người lái máy bay chuyên nghiệp, dày dặn kinh nghiệm. Trụ sở Học viện đặt tại một trong những sân bay được xây dựng từ thế chiến thứ 2 – sân bay Matamata.
Đồng thời đây cũng là trường bay được chứng nhận chất lượng đào tạo bởi NZQA (New Zealand Qualifications Authority) – tổ chức được chính phủ New Zealand giao nhiệm vụ đánh giá và cấp phép cho các cơ quan giáo dục, đào tạo của quốc gia này. Tổ chức được thành lập bởi Luật giáo dục vào năm 1989 với hi vọng đưa nền giáo dục của New Zealand lên một tầm cao mới.
Đối tác tốt nhất
Đại diện Bamboo Airways cho biết việc ký kết biên bản ghi nhớ là tiền đề để Bamboo Airways và Viện đào tạo Hàng không New Zealand tăng cường hợp tác về đào tạo nguồn nhân lực – yếu tố mấu chốt trong công cuộc xây dựng hãng hàng không với định hướng 5 sao.
Bamboo Airways kỳ vọng sau khi đưa vào hoạt động, Viện đào tạo Hàng không của Hãng, với sự hợp tác của Học viện đào tạo Hàng không New Zealand, sẽ trở thành trung tâm đào tạo về nhân sự ngành hàng không dẫn đầu Việt Nam, góp phần tăng tỷ lệ nội địa hóa nhân sự ngành, tham gia phát triển các nguồn lực quốc gia, giảm lệ thuộc vào đối tác nước ngoài, nâng cao năng lực cạnh tranh ngành cũng như đảm bảo cho sự tăng trưởng bền vững của ngành hàng không Việt Nam.
Trả lời báo chí, ông Đặng Tất Thắng, Phó Chủ tịch Thường trực của Bamboo Airways nói, hãng sẽ mất 1,5 năm để đào tạo một phi công chất lượng cao, và sẽ cho “ra lò” 200-300 phi công mỗi năm.
“Bamboo Airways nhận được rất nhiều lời mời về đào tạo phi công nhưng hãng nhận thấy New Zealand là thị trường được đánh giá là chuẩn nhất về phi công trên thế giới hiện nay. Với Tập đoàn FLC, Bamboo Airways chọn đối tác luôn luôn là tốt nhất để phối hợp trong chương trình đào tạo nên sẽ ưu tiên New Zealand”, ông Đặng Tất Thắng cho biết.
Đồng thuận với quan điểm trên bà Hồ Thị Thu Trang - Giám đốc Nhân sự Bamboo Airways kiêm Phó Giám đốc Trung tâm đào tạo Bamboo Airways cũng cho biết lựa chọn New Zealand, hãng hướng đến một đội ngũ nhân lực kỹ thuật cao cấp với tiêu chuẩn quốc tế, quyết tâm xây dựng một hãng hàng không định hướng 5 sao.