Bản chất nợ xấu từ BOT do chính ngân hàng gây ra

(ĐTTCO) - TS. VŨ ĐÌNH ÁNH, cho rằng việc các dự án BOT dựa quá nhiều vào vốn tín dụng đã gây ra những hệ lụy, đồng thời việc các ngân hàng bom vốn quá nhiều vào các dự án BOT là không đúng với bản chất của các dự án.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

PHÓNG VIÊN: - Nợ xấu từ các dự án BOT đang trở thành gánh nặng của các ngân hàng hiện nay. Ý kiến của ông về việc này?

TS. VŨ ĐÌNH ÁNH: - Các dự án BOT có tỷ lệ vay vốn tín dụng từ các ngân hàng rất cao. Theo tôi được biết, tỷ lệ vốn dành cho các dự án BOT lên đến 80-90% vốn tín dụng. Bản chất vốn tín dụng khi cho vay với các dự án BOT là không phù hợp, bởi thời gian vay dành cho các dự án BOT thông thường kéo dài đến 20 năm, mà vốn tín dụng thực sự không thể vay dài như thế được. Chỉ cần nhìn vào nguồn vốn ban đầu sử dụng để làm các dự án BOT chỉ từ 10-20% đã không hợp lý rồi.

Bên cạnh đó, các dự án BOT triển khai ở Việt Nam mặc dù có ký kết hợp đồng, nhưng vừa rồi do những khó khăn về kinh tế nên họ đã thay đổi các điều kiện của hợp đồng, khiến lộ trình về tăng phí, đặt trạm, khai thác… thay đổi.

Từ đây có khá nhiều kế hoạch tài chính của các doanh nghiệp có dự án BOT đã hoàn thành nhưng vẫn nằm ở giai đoạn O (chưa vận hành). Điều này ảnh hưởng đến kế hoạch trả nợ ngân hàng của doanh nghiệp. Như vậy, khi vay nợ lớn của các dự án BOT, lại không đảm bảo nghĩa vụ trả nợ khi đến hạn, tất nhiên sẽ trở thành nợ xấu của ngân hàng.

- Chủ trương đầu tư hạ tầng giao thông cần nhiều vốn tư nhân, song lại lạm dụng vào tín dụng dẫn đến nợ xấu, rồi lại dùng ngân sách nhà nước để xử lý (mua lại dự án BOT), phải chăng là vòng luẩn quẩn?

- Vấn đề nằm ở chỗ chúng ta đang đi giải quyết hậu quả. Còn vấn đề xử lý tương lai tới đây, tức là rút kinh nghiệm lại là việc khác. Hiện nay rõ ràng chúng ta đã có Luật PPP, tất nhiên hầu hết các dự án BOT từ nay phải theo quy định của luật. Còn các dự án BOT hiện nay đang phải giải quyết đều là thực hiện ở giai đoạn trước khi có Luật PPP.

Thực tế, một số dự án BOT trước đây triển khai hầu hết đều liên quan đến các dự án giao thông đường bộ, mà giao thông đường bộ hiện nay lại đang nằm trong kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công đã được thông qua, đang đòi giải ngân rất lớn nhưng chưa giải ngân được, tiền ứ đọng trong ngân sách.

Do đó, đầu tiên phải điều chỉnh các dự án BOT sao cho đúng với các điều khoản quy định trong Luật PPP, đúng với tính chất của dự án BOT đó là hợp tác công – tư. Vốn công (Nhà nước) ở đây chỉ là một phần nhỏ (vốn mồi), còn chủ yếu phải huy động vốn từ các nguồn khác bên ngoài như vốn tự có của doanh nghiệp, tư nhân.

Ở đây quan trọng nhất là vốn tự có, chứ nếu vốn lại do doanh nghiệp đi vay của ngân hàng sẽ sai bản chất của hợp đồng PPP, nên đây là vấn đề buộc phải điều chỉnh.

Cũng cần thấy rằng, liên quan đến việc trước nay chúng ta làm các dự án BOT là do thiếu vốn. Song trong những năm gần đây chúng ta lại đang thừa vốn. Thế nên chúng ta có đủ cơ sở để xem xét lại điều kiện các hợp đồng trong việc triển khai các dự án theo hình thức BOT trong những năm tới đây. Đây sẽ là động lực để triển khai dự án.

- Vai trò của các ngân hàng trong giai đoạn 2011-2015 cho vay các dự án BOT phải chăng đã chủ quan và không lường trước được các rủi ro, biến động sẽ xảy ra với các dự án?

- Tôi cho rằng có nhiều nguyên nhân. Một là ngân hàng huy động được vốn các dự án BOT có quy mô vốn rất lớn, nói cách khác các doanh nghiệp triển khai dự án BOT là những khách hàng tín dụng lớn của ngân hàng và có nhu cầu về vốn lớn thực sự.

Thông thường, các doanh nghiệp vay để triển khai các dự án BOT cũng chấp nhận một mức lãi suất vay khá cao so với mức lãi suất vay thông thường, lên đến 8-9%/năm. Đáng chú ý, khi ấy cũng là trong bối cảnh nhu cầu về vốn tín dụng của nền kinh tế không cao, nên việc các ngân hàng rót vốn sang kênh BOT cũng là chủ trương về hoạt động kinh doanh.

Hai là các dự án BOT dài hơn, nếu theo kế hoạch tài chính mà vận hành đúng thì những khoản vay như vậy vẫn được xem là tương đối an toàn.

Ba là, thông thường vay dài hạn như các dự án BOT qua kênh tín dụng ngân hàng phải có tài sản đảm bảo, tài sản thế chấp và những quy định liên quan đến nghĩa vụ tài chính, điều chỉnh lãi suất hay giãn hoãn tiến độ, khả năng trả nợ cả gốc và lãi.

Thực ra kiểu cho vay này với các dự án BOT thời gian vừa qua trong tín dụng gọi đó là một dạng bảo lãnh ngầm. Gần như các dự án BOT cũng là một dạng dự án hình thức PPP, tức là có Nhà nước đứng sau, thế nên các ngân hàng khi ấy cũng an tâm trong việc mạnh tay cho vay. Đấy là lý do chính khiến quy mô tín dụng dành cho các dự án BOT lại lớn như thế.

- Theo ông nên xử lý hậu quả này như thế nào?

- Theo tôi, ở đây có hai vấn đề chính. Thứ nhất, các dự án BOT hiện nay đang có kế hoạch tài chính thay đổi, có lẽ vừa rồi cũng có đề xuất một số phương án. Thí dụ như nếu xem xét thấy cần thiết có thể sử dụng ngân sách nhà nước để mua lại các dự án BOT, để doanh nghiệp có dòng tiền để trả nợ ngân hàng.

Thứ hai, bây giờ sự điều chỉnh, thay đổi kế hoạch tài chính trả nợ cho những thay đổi điều kiện hợp đồng BOT, căn cứ vào đấy có thể xem xét thay đổi các quy định, điều kiện trong các hợp đồng tín dụng. Thí dụ, trước đây có Thông tư 01 để giãn hoãn, khoanh vùng nhóm nợ. Đối với một số dự án BOT xét thấy có đủ điều kiện cũng có thể cho họ giãn, hoãn nợ.

- Xin cảm ơn ông.

Tỷ lệ vốn dành cho các dự án BOT lên đến 80-90% vốn tín dụng, về bản chất là không phù hợp, bởi thời gian vay dành cho các dự án BOT thông thường kéo dài đến 20 năm, mà vốn tín dụng thực sự không thể vay dài như thế. Hay chỉ cần nhìn vào nguồn vốn ban đầu sử dụng để làm các dự án BOT chỉ từ 10-20% đã không hợp lý.

Các tin khác