Bán lẻ ngoại tăng đầu tư vào Việt Nam

(ĐTTCO)-Sự xuất hiện của các DN nước ngoài trong lĩnh vực bán lẻ gia tăng sự cạnh tranh giữa các DN trên thị trường, đóng góp vào hoạt động cung ứng và điều tiết cung cầu hàng hóa trên thị trường trong nước.
Thị trường bán lẻ Việt Nam đang trở thành điểm đầu tư hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài.
Thị trường bán lẻ Việt Nam đang trở thành điểm đầu tư hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài.

Lĩnh vực bán lẻ tại Việt Nam đang chứng kiến sự thâm nhập nhanh chóng của các DN nước ngoài vào thị trường nội địa. Đây được xem là xu hướng tất yếu của quá trình hội nhập quốc tế. Bởi lẽ, với các cam kết tại WTO và các Hiệp định thương mại thế hệ mới (FTAs), thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ hoàn toàn được mở cửa với rất nhiều sự cạnh tranh.

Bán lẻ nội đang chiếm thế chủ đạo

Trong bối cảnh thị trường bán lẻ ở các nước trong khu vực đang tiệm cận với điểm bão hòa, Việt Nam lại được đánh giá là thị trường tiềm năng, trở thành điểm đầu tư hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài. Với quy mô gần 100 triệu dân; người tiêu dùng trẻ và tầng lớp trung lưu có thu nhập ngày càng cao; kênh phân phối chủ yếu là kênh truyền thống với 70% tổng mức bán lẻ; quy mô phân phối qua kênh hiện đại còn thấp so với các nước trong khu vực là những yếu tố thuận lợi để tạo nên “dư địa” phát triển cho các DN.

Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), xét về tổng thể, các DN bán lẻ nước ngoài có tiềm lực mạnh trên mọi phương diện (bao gồm tài chính, nguồn nhân lực, năng lực kinh doanh, công nghệ quản lý), đồng thời nhận được sự hỗ trợ từ các tập đoàn mẹ hoặc từ Chính phủ, thông qua các chương trình chiến lược phát triển mạng lưới phân phối với hệ thống khép kín toàn diện từ sản xuất đến tiêu dùng.

“Với các lợi thế kinh doanh, DN bán lẻ nước ngoài từng bước thâm nhập vào các thị trường mới, các thị trường tiềm năng, từ đó, hỗ trợ thúc đẩy hoạt động xuất khẩu hàng hóa của quốc gia có dòng vốn FDI tới Việt Nam”, đại diện Vụ Thị trường trong nước cho hay.

Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt, lĩnh vực bán lẻ tại Việt Nam vẫn được nắm giữ chủ yếu bởi DN nội địa. Trong phân ngành bán lẻ tại siêu thị, trung tâm thương mại và cửa hàng tiện lợi, 6/10 DN dẫn đầu thị trường là các DN nội địa, chiếm tới 42% thị phần, trong đó, Wincommerce (trước đây là Vincommerce) chiếm 15,2%, Saigon Coop và Bách Hóa Xanh chiếm lần lượt 10,5%.

“Sự xuất hiện của các DN nước ngoài trong lĩnh vực bán lẻ gia tăng sự cạnh tranh giữa các DN trên thị trường, đóng góp vào hoạt động cung ứng và điều tiết cung cầu hàng hóa trên thị trường trong nước. Thông qua áp lực cạnh tranh với DN nước ngoài, DN Việt Nam vừa có cơ hội để học hỏi kinh nghiệm, cũng như vừa có động lực để tự nâng cao năng lực kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm, chất lượng dịch vụ, tăng cường khả năng nắm bắt thị trường,…. Từ đó, người tiêu dùng được hưởng lợi từ sự đa dạng phong phú trong việc lựa chọn chủng loại, chất lượng hàng hóa, kênh mua hàng, phương thức phục vụ”, vị đại diện Vụ Thị trường trong nước cho biết.

Sự xuất hiện của các DN nước ngoài trong lĩnh vực bán lẻ gia tăng sự cạnh tranh giữa các DN trên thị trường.

Có lợi thế riêng?

Những năm qua, Việt Nam đã ban hành hệ thống chính sách khá toàn diện về thu hút và quản lý nguồn vốn đầu tư nước ngoài cũng như các định hướng phát triển thị trường bán lẻ trong nước. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tại Quyết định số 1163/QĐ-TTg ngày 13/7 năm 2021, trong đó, mục tiêu cụ thể trong giai đoạn 2020 – 2030 tỷ trọng tổng mức bán lẻ hàng hóa của các khu vực kinh tế trong nước chiếm khoảng 85%, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm khoảng 15% tổng mức bán lẻ hàng hóa của cả nước.

Đồng thời, ngày 10/1/2023, tại Chỉ thị số 01/CTLT-BCT-CĐCT của Bộ Công Thương về tổ chức phong trào thi đua năm 2023, một trong những mục tiêu ngành Công Thương đặt ra là thực hiện chính sách thu hút đầu tư FDI trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại. Từ đó đề xuất các giải pháp phù hợp nhằm khuyến khích, ràng buộc các DN FDI có sự lan tỏa, chia sẻ, hỗ trợ thực chất các DN trong nước để thúc đẩy chuyển giao công nghệ, phát triển kỹ năng quản trị, hình thành các chuỗi cung ứng vật tư, nguyên liệu và cụm liên kết ngành, nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN Việt để từng bước tham gia vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Vẫn cần tăng khả năng cạnh tranh

Thừa nhận trong tương lai, khi thị trường bán lẻ hoàn toàn mở cửa đại diện Vụ Thị trường trong nước cho rằng, nếu không có chiến lược phát triển phù hợp, DN trong nước có thể đối diện với nguy cơ mất thị phần, cũng như “vị trí” trên thị trường khi cạnh tranh với DN nước ngoài.

Do đó, các DN phân phối bán lẻ hàng đầu trong nước cần đạt được các mối liên kết đủ mạnh để tạo ra chuỗi cung ứng bán lẻ khép kín từ sản xuất, chế biến, vận chuyển... cho đến khâu phân phối bán lẻ tới người tiêu dùng, đảm bảo được sự liên kết chặt chẽ và linh hoạt trong toàn chuỗi cung ứng, hoàn thiện và nâng cao chất lượng hàng hóa, các dịch vụ bán hàng và sau bán hàng và quan trọng nhất là giá bán cạnh tranh.

Các DN phân phối bán lẻ hàng đầu trong nước cần đạt được các mối liên kết đủ mạnh để tạo ra chuỗi cung ứng bán lẻ khép kín từ sản xuất, chế biến, vận chuyển... cho đến khâu phân phối bán lẻ.

Khẩn trương nâng cao chất lượng cung ứng, hạ giá bán hàng hóa, thông qua chính sách liên kết với các nhà sản xuất, chế biến, hoặc đầu tư sản xuất sản phẩm, hàng hóa cho hệ thống cung ứng của mình, mặt khác liên tục nâng cao chất lượng dịch vụ bán hàng và sau bán hàng.

Nhanh chóng tạo lập và phát triển hệ thống chuỗi, chân rết ở các địa phương, tìm kiếm vị trí kinh doanh thuận lợi và đầu tư bài bản. Vượt qua các thách thức và chuyển đổi từ mô hình mua sắm truyền thống sang hình thức mua sắm hiện đại và đầu tư vào chuỗi các cửa hàng, siêu thị bán lẻ, liên kết để phát triển các hình thức bán lẻ mới.

Đồng thời, xây dựng thương hiệu và tham gia mạnh mẽ vào các mô hình bán hàng thông qua thương mại điện tử, bán hàng trực tuyến trên truyền hình, điện thoại. Hướng tới phát triển bền vững thông qua chú trọng tới yếu tố cốt lõi như lợi ích của người tiêu dùng và những đóng góp tích cực cho xã hội.

Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), Luật Cạnh tranh số 23/2018/QH14 (Luật Cạnh tranh 2018) áp dụng đối với các DN, bao gồm cả DN nước ngoài hoạt động tại Việt Nam cấm các DN thực hiện các hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bao gồm: Không giao dịch với các bên không tham gia thỏa thuận; Ngăn cản, kìm hãm, không cho DN khác tham gia thị trường hoặc phát triển kinh doanh; Loại bỏ DN khác ra khỏi thị trường; Hạn chế thị trường tiêu thụ sản phẩm, nguồn cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ của các bên không tham gia thỏa thuận

Ngoài ra, Luật Cạnh tranh cũng có quy định cấm các DN có vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền thực hiện hành vi áp dụng điều kiện thương mại khác nhau trong các giao dịch tương tự dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến ngăn cản DN khác tham gia, mở rộng thị trường hoặc loại bỏ DN khác; Áp đặt điều kiện cho DN khác trong ký kết hợp đồng mua, bán hàng hóa, dịch vụ hoặc yêu cầu DN khác, khách hàng chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến ngăn cản DN khác tham gia, mở rộng thị trường hoặc loại bỏ DN khác và ngăn cản việc tham gia hoặc mở rộng thị trường của DN khác.

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cũng trích dẫn Luật Cạnh tranh 2018 quy định DN bán lẻ (bao gồm cả DN Việt Nam và tổ chức có vốn đầu tư nước ngoài) có hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

“Trường hợp DN bán lẻ trong nước, người tiêu dùng hoặc các nhà sản xuất, cung ứng sản phẩm cho các DN bán lẻ nước ngoài phát hiện các hành vi có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật về cạnh tranh nói trên, có thể phản ánh hoặc cung cấp thông tin, chứng cứ cho Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia để kịp thời điều tra và xử lý theo quy định của pháp luật. Từ đó giúp đảm bảo môi trường cạnh tranh công bằng, lành mạnh cho các DN và quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng”, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khẳng định.

Các tin khác