Thông tin ngập tràn trên báo chí, trong các diễn đàn những tháng cuối năm 2022 là yêu cầu về hỗ trợ, giải cứu một số ngành và DN. Từ việc Nhà nước phải ra tay can thiệp, dùng ngân sách hay vốn đầu tư công để lập quỹ hỗ trợ các DN phát hành trái phiếu không tôn trọng nghĩa vụ với trái chủ của mình, đến mở room tín dụng để bơm tiếp vốn vào các DN bất động sản, hay đề xuất hệ thống ngân hàng tham gia mua lại các trái phiếu của DN. Hay như một số DN do ảnh hưởng của thị trường, thậm chí do tính toán sai trong phương án kinh doanh, cũng yêu cầu Nhà nước phải hỗ trợ.
DN phải có tư duy thị trường
Tư duy đòi được giải cứu và hỗ trợ đã ăn sâu vào nhiều DN, hiệp hội DN có xu hướng bám rễ chặt hơn, dễ nổi lên hơn sau đại dịch. Yêu cầu sự hỗ trợ của Nhà nước, của ngành ngân hàng dường như đã trở thành đề xuất không thể thiếu trong bất kỳ khuyến nghị nào được gửi đến các cơ quan bộ, ngành hay Chính phủ.
Nhưng cũng có rất nhiều DN có cách hành xử khác hẳn. Gặp khó khăn, họ đối diện với thực tế và tìm giải pháp để hành động. Trước những khó khăn của thị trường trái phiếu, nhiều DN đã tìm cách chủ động thông tin, đàm phán với các trái chủ, tái cơ cấu nợ từ nguồn trái phiếu, lẳng lặng bán bớt tài sản khác của DN để giữ chữ tín với các trái chủ.
Nhiều DN sản xuất do tác động của thị trường toàn cầu đã thu hẹp sản xuất, song vẫn tìm cách hỗ trợ và giữ chân người lao động, tuân thủ các cam kết với các nhà cung cấp. Những DN này thực sự có tư duy thị trường, có chiến lược phòng ngừa rủi ro tốt, cả về sản xuất lẫn tài chính. Họ đã học được và lập tức áp dụng các bài học về quản lý rủi ro trong những tháng, năm của đại dịch, thậm chí từ rất lâu trước đó.
Nhiều DN nhìn nhận sự sụt giảm đơn hàng đối với mình không phải là điều xấu, mà là sự cảnh báo sớm để tái cấu trúc, tái xác định chiến lược hoạt động của mình. Thí dụ, cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đơn hàng sụt giảm, nhiều DN dệt may đã nhận thấy rằng việc dựa vào lao động giá rẻ và làm gia công sẽ không còn là tương lai của ngành dệt may, cũng như của chính DN họ trong trung hạn.
Thay vì yêu cầu hỗ trợ hay giải cứu, họ đã xây dựng chiến lược tái cấu trúc các sản phẩm, thị trường đồng thời tìm cách đầu tư vào những công đoạn cao hơn của chuỗi giá trị.
Hay rất nhiều DN trong ngành gỗ, cơ khí, chế biến nông lâm thủy sản cũng đang làm điều tương tự. Với họ, tham gia thị trường phải chấp nhận các quy luật của thị trường, chấp nhận sự thay đổi, tái cấu trúc liên tục của nền kinh tế, chấp nhận những biến động và tác động từ thị trường bên ngoài hay thị trường trong nước.
Những đề nghị của họ với Nhà nước là về cơ chế, chính sách, tháo gỡ những hạn chế trong quy định pháp luật, hơn là đòi hỏi về nguồn lực. Không đổ lỗi, không đòi giải cứu, dám làm, dám chịu trách nhiệm, luôn tư duy thị trường, tự thân vượt khó và luôn nghĩ đến tổng thể nền kinh tế hơn là chỉ nghĩ đến DN mình hay ngành mình, là những đặc trưng của các DN này.
Lửa thử vàng
Những giai đoạn khó khăn, thách thức của thị trường là những thời khắc thử lửa để chọn lọc những DN, ngành có năng lực cạnh tranh nhất, có khả năng thích ứng và chống chịu nhất. Sự khắc nghiệt của thị trường sẽ lựa chọn những DN biết cách tư duy, hành động theo các quy luật của thị trường, chứ không phải các DN liên tục được Nhà nước hỗ trợ và giải cứu.
Giải cứu chỉ có thể là một lần, trong điều kiện đặc biệt và với các điều kiện cụ thể và rõ ràng. Gia nhập thị trường, hoạt động và với tâm thế sẽ được Nhà nước giải cứu hay bắt cả nền kinh tế phải giải cứu khi gặp khó khăn, sẽ không sản sinh ra được các DN hay ngành kinh tế thực sự có năng lực cạnh tranh, có khả năng chống chịu.
Nói cho cùng, Nhà nước cũng không có đủ nguồn lực để mãi giải cứu năm này qua năm khác. Hơn nữa, giải cứu lại là biện pháp tưởng thưởng cho những DN, những ngành luôn kêu và biết cách kêu đòi giải cứu, gây bất công cho những ngành, những DN đang hành xử đúng trong nền kinh tế thị trường, tự thân vượt khó, không hề kêu đòi được giải cứu.
Lửa thử vàng, gian nan thử sức. Tự thân vượt khó, tư duy thị trường, hành động với tinh thần doanh nhân, sẽ tạo dựng nên các DN thực sự trưởng thành, thực sự có khả năng xoay xở, thích ứng và có khả năng cạnh tranh trong một nền kinh tế thị trường đầy đủ.
Đối diện với khó khăn, các DN bị ảnh hưởng đã có cách ứng xử khác nhau. Cách ứng xử đó cũng thể hiện tầm nhìn và bản lĩnh của các DN, cũng như chiến lược ứng phó với rủi ro, với khủng hoảng.