Bảng giá đất mới của TPHCM tăng 4-38 lần so với giá đất cũ tại Quyết định số 02. Trong đó, giá đất cao nhất ở đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Đồng Khởi (quận 1) lên đến 687,2 triệu đồng/m2, tăng hơn 4 lần so với bảng giá đất cũ.
Một số tuyến đường tại huyện Hóc Môn cũng tăng nhiều lần so với bảng giá cũ. Điển hình đoạn đường Song Hành quốc lộ 22 tăng hơn 38 lần so với giá trước đây.
Trong khi đó, giá đất ở khu vực Cần Giờ tương đối dễ chịu hơn. Điển hình tại khu dân cư ấp Thiềng Liềng có giá là 2,3 triệu đồng/m2, khu dân cư Thạnh Bình, khu dân cư Thạnh Hòa có giá là 3 triệu đồng/m2.
Bảng giá đất tại Quyết định 79 được sử dụng để làm căn cứ tính tiền sử dụng đất tại nơi tái định cư đối với người được bồi thường về đất ở, người được giao đất ở tái định cư trong trường hợp không đủ điều kiện bồi thường về đất ở là giá đất được xác định theo bảng giá đất tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất ở của hộ gia đình, cá nhân; chuyển mục đích sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân.
Tính tiền thuê đất khi Nhà nước cho thuê đất, thu tiền thuê đất hằng năm. Tính thuế sử dụng đất. Tính thuế thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân. Tính lệ phí trong quản lý, sử dụng đất đai. Tính tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Tính tiền bồi thường cho Nhà nước khi gây thiệt hại trong quản lý, sử dụng đất đai. Tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất theo hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê đối với hộ gia đình, cá nhân.
Tính giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất đối với trường hợp thửa đất, khu đất đã được đầu tư hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch chi tiết xây dựng. Tính tiền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân. Tính tiền sử dụng đất đối với trường hợp bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước cho người đang thuê.
Đối với đất nông nghiệp sẽ được phân thành 3 khu vực. Trong đó, khu vực 1 gồm các quận: 1, 3, 4, 5, 6, 10, 11, Bình Thạnh, Phú Nhuận. Khu vực 2 là các quận: 7, 8, 12, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân, Gò Vấp, TP.Thủ Đức. Khu vực 3 là các huyện: Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ.
Về vị trí, đối với đất trồng cây hàng năm, gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hàng năm khác; đất trồng cây lâu năm; đất lâm nghiệp, gồm đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất; đất nuôi trồng thủy sản, đất chăn nuôi tập trung; đất làm muối; đất nông nghiệp khác được chia làm 3 vị trí.
Trong đó, vị trí 1 có thửa đất tiếp giáp với lề đường (đường có tên trong bảng giá đất ở) trong phạm vi 200m. Vị trí 2 là thửa đất không tiếp giáp với lề đường (đường có tên trong bảng giá đất ở) trong phạm vi 400m. Vị trí 3 là các vị trí còn lại.
Đất làm muối cũng được chia làm 3 vị trí. Vị trí 1 thực hiện như cách xác định đối với đất trồng cây hàng năm, trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất, đất nuôi trồng thủy sản. Vị trí 2 có khoảng cách đến đường giao thông thủy, đường bộ hoặc đến kho muối tập trung tại khu vực sản xuất trong phạm vi trên 200-400m. Vị trí 3 là các vị trí còn lại.
Đất phi nông nghiệp sẽ được chia làm 4 vị trí. Vị trí 1 là đất có vị trí mặt tiền đường, áp dụng đối với các thửa đất, khu đất có ít nhất một mặt giáp với đường (lòng đường, lề đường, vỉa hè) hiện hữu được quy định trong bảng giá đất.
Vị trí 2 áp dụng đối với các thửa đất, khu đất có ít nhất một mặt tiếp giáp với hẻm có độ rộng từ 5m trở lên thì tính bằng 0,5 của vị trí 1.
Vị trí 3 áp dụng đối với các thửa đất, khu đất có ít nhất một mặt tiếp giáp với hẻm có độ rộng từ 3 m đến dưới 5 m thì tính bằng 0,8 của vị trí 2.
Vị trí 4 áp dụng đối với các thửa đất, khu đất có những vị trí còn lại tính bằng 0,8 của vị trí 3.