Linh hoạt trong chiến lược đối phó Covid-19
Ngày 24/7 đánh dấu 99 ngày liên tiếp Việt Nam không có ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng. Mặc dù các biện pháp kiểm soát tại khu vực biên giới vẫn được siết chặt, nhưng nhiều chuyến bay nội địa đã nối lại, cuộc sống của người dân dường như đã trở về trạng thái bình thường: hoạt động du lịch trong nước được khôi phục hoàn toàn, các nhà hàng, quán bar mở cửa trở lại và những quy định về giãn cách xã hội được nới lỏng đáng kể.
Tuy nhiên, một ngày sau đó, Bộ Y tế Việt Nam thông báo xuất hiện trường hợp mắc Covid-19 mới trong cộng đồng tại thành phố Đà Nẵng. Nguồn gốc lây nhiễm của ca bệnh này vẫn chưa được xác định, vì tất cả các trường hợp mắc mới Covid-19 tại Đà Nẵng 3 tháng trước đó đều là những người từ nước ngoài trở về và đã ngay lập tức được cách ly trong 14 ngày.
Kể từ thời điểm đó, dịch bệnh nhanh chóng lan rộng. Chỉ trong vòng vài tuần, Đà Nẵng đã phát hiện hàng trăm trường hợp mắc mới, phần lớn đều liên quan đến ổ dịch tại Bệnh viện Đà Nẵng. Số ca tử vong trên toàn quốc cũng gia tăng nhanh chóng từ con số 0 đến 35.
Trong những ngày tiếp theo, Việt Nam phát hiện thêm nhiều ca mắc khác tại 15 tỉnh thành, trong đó có thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Theo số liệu của Bộ Y tế, số ca mắc tại Việt Nam đã tăng từ 417 trường hợp trước ngày 24/7 lên đến 1.074 trường hợp tính đến sáng 28/9.
Tờ Telegraph cho rằng, khác với thời điểm tháng 3/2020, khi đợt bùng phát dịch bệnh đầu tiên xảy ra và quy định cách ly xã hội trên toàn quốc nhanh chóng được thực hiện, lần này, chính phủ đã lựa chọn cách tiếp cận mang tính địa phương hơn để tránh gây thiệt hại kinh tế trên quy mô lớn.
Việt Nam đã áp dụng quy định cách ly nghiêm ngặt chưa từng thấy tại Đà Nẵng, với việc ngừng toàn bộ hoạt động giao thông đến và đi từ thành phố này, đóng cửa hầu hết các cơ sở kinh doanh. Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh cũng đóng cửa các quan bar, quán karaoke và hộp đêm, cấm tụ tập trên 30 người và yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang tại nơi công cộng. Tuy nhiên, các hoạt động sinh hoạt khác vẫn diễn ra như thường lệ.
Việc xét nghiệm Covid-19 quy mô lớn cũng được triển khai với những người vừa trở về các địa phương sau khi đi tới Đà Nẵng, với con số lên đến hàng chục nghìn người. Nhà chức trách đã tiến hành cách ly các ca mắc mới Covid-19, song song với việc truy vết liên hệ, tiếp xúc một cách nhanh chóng. Đây cũng là chiến lược rất hiệu quả mà Việt Nam đã triển khai hồi đầu năm khi dịch bệnh mới bùng phát.
Một biện pháp khác góp phần làm nên thành công trong việc kiểm soát làn sóng Covid-19 thứ hai tại Việt Nam là đẩy mạnh chiến dịch truyền thông sức khỏe cộng đồng.
Bộ Y tế thường xuyên gửi tin nhắn đến tất cả các thuê bao di động để tuyên truyền về các biện pháp phòng chống dịch, cung cấp lời khuyên, chỉ dẫn giúp người dân đảm bảo sức khỏe và sự an toàn. Không chỉ đăng tải các thông tin về dịch bệnh trên báo chí, mạng xã hội, mà Việt Nam cũng sáng tác những bài hát nói về tầm quan trọng của việc rửa tay đã nhanh chóng phổ biến rộng rãi.
Nhiều cá nhân và các cộng đồng doanh nghiệp đã có những sáng kiến rất hữu ích để đối phó với làn sóng Covid-19 thứ 2. Tại Đà Nẵng, chính quyền và người dân địa phương đã cài ứng dụng bản đồ thông tin dịch tễ Busmap để tránh các điểm nóng về Covid-19 và nắm bắt thông tin về các cơ sở y tế gần nhất. Robot do các sinh viên ở TP.HCM phối hợp với bệnh viện quân đội chế tạo đã được triển khai để thực hiện nhiệm vụ khử trùng bệnh viện và nơi công cộng.
Việt Nam cũng đẩy mạnh chương trình nâng cao nhận thức cộng đồng, thực hiện các biện pháp để giảm bớt tác động tiêu cực của dịch bệnh đối với đời sống xã hội.
Giống như việc đối phó với làn sóng lây nhiễm đầu tiên, Việt Nam đã khuyến khích sự hợp tác từ người dân thông qua chương trình nâng cao nhận thức cộng đồng, đề nghị các cá nhân cung cấp thông tin về ca mắc hoặc ca nghi mắc tại nơi họ sinh sống.
Nhờ biện pháp cách ly quyết liệt và mạnh mẽ tại Đà Nẵng và một số tỉnh thành khác, vào cuối tháng 8, tốc độ lây lan dịch bệnh đã chậm đi đáng kể. Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã trải qua 3 tuần không ghi nhận ca mắc mới Covid-19 nào và tiến tới hoàn toàn kiểm soát được làn sóng thứ 2.
Giao thông đến và đi từ vùng tâm dịch đã được nối lại. Nhiều cơ sở kinh doanh tại các thành phố lớn đã mở cửa trở lại và hoạt động bình thường.
Yếu tố then chốt để đối phó dịch bệnh
Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã điều trị thành công cho 999 ca mắc Covid-19 và đang tiếp tục điều trị cho 37 ca khác. Tâm lý tự tin đã trở lại trên khắp đường phố. Tờ Telegraph cho rằng, sau khi ngăn chặn thành công đợt bùng phát dịch bệnh đầu tiên vào tháng 3 và tháng 4, Việt Nam giờ đây có thể tự hào vì đã đánh bại được làn sóng Covid-19 thứ 2.
Còn tờ Times of India đánh giá, thành công của Việt Nam trong việc đối phó với 2 đợt dịch Covid-19 cho thấy sự chuẩn bị trước về tâm lý và nguồn lực để đối phó với các bệnh truyền nhiễm là yếu tố then chốt để bảo vệ con người.
Các yếu tố khác góp phần mang lại hiệu quả bao gồm xét nghiệm rộng rãi, truy vết liên lạc, tiếp xúc của bệnh thông qua các ứng dụng chẳng hạn như Busmap, đẩy mạnh chiến dịch tuyên truyền, huy động sự tham gia người dân và nỗ lực giảm thiểu ảnh hưởng bất lợi của đại dịch đối với mọi mặt đời sống xã hội.
Theo tờ báo này, nhờ có kinh nghiệm trong việc đối phó đại dịch SARS, Việt Nam đã lập ra một kế hoạch toàn diện để đối phó đại dịch. Hơn nữa, Việt Nam cũng thể hiện được tính minh bạch trong công bố các số liệu về trường hợp tử vong và số ca mắc.
Times of India nhấn mạnh, nhờ việc xét nghiệm toàn diện, cách ly nghiêm ngặt các và ý thức tự giác phòng ngừa của người dân, dịch bệnh Covid-19 đã bị đánh bại. Việt Nam đã trở thành một hình mẫu về chống dịch Covid-19 để các quốc gia khác có thể học hỏi.
Tuy nhiên, theo Times of India, Việt Nam vẫn phải tiếp tục thực hiện các nỗ lực kiểm soát trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới, trong đó có việc thắt chặt kiểm soát biên giới và tăng cường hợp tác quốc tế trong sản xuất, điều chế vaccine Covid-19, phát triển khả năng phát hiện sớm và dự đoán tiến trình phát triển của dịch bệnh.