Làm thế nào lấy lại niềm tin, hồi sức cho toàn ngành đang trở thành câu hỏi nóng?
Loay hoay trong khủng hoảng niềm tin
Đầu tháng 4, sự việc diễn viên Ngọc Lan lên tiếng về hợp đồng BHNT 74 năm của mình, đã thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận. Mặc dù chỉ ít ngày sau đó phía công ty BH và diễn viên này đã có được tiếng nói chung, nhưng thị trường BHNT lại bước vào giai đoạn khủng hoảng nghiêm trọng.
Nhiều người mua BH tố cáo tư vấn viên của nhiều công ty BHNT tư vấn mập mờ, thiếu trung thực. Đặc biệt nhiều người bày tỏ sự bức xúc vì bị ép mua BH khi đi vay tiền tại nhiều ngân hàng. Đáng chú ý hơn, việc người dân gửi tiết kiệm tại SCB bỗng hóa mua hợp đồng BHNT của Manulife, càng khiến sự bức xúc lên tới đỉnh điểm.
Cho đến nay vẫn còn không ít khách hàng vẫn phải đối chất với công ty BH Manulife nhưng chưa được hoàn tiền. Bên nào cũng có lý do chính đáng, song quan trọng nhất là người tiêu dùng mất niềm tin. Họ sẵn sàng hủy hợp đồng cũ và cân nhắc nhiều hơn khi tham gia hợp đồng mới. Theo kết quả phân tích của Vietnam Report về các cuộc thảo luận liên quan đến chủ đề BH, cảm xúc tiêu cực của khách hàng chỉ chiếm 2,2% trong năm 2022, nhưng đã lên đến 54% trong năm 2023, tức tăng gấp 19 lần.
Khi niềm tin xuống đáy, doanh thu của thị trường này cũng được phản ánh ngay. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng doanh thu phí BH (gồm nhân thọ và phi nhân thọ) quý III ước đạt 52.900 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ 2022. Quý trước đó, tổng doanh thu phí BH cũng đã giảm hơn 3% so với cùng kỳ, đạt 61.300 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, tổng doanh thu phí BH ước đạt 165.600 tỷ đồng, giảm gần 7% so cùng kỳ 2022.
Đây là lần đầu sau gần chục năm, doanh thu BH 9 tháng sụt giảm. Mức giảm doanh số của thị trường phần lớn đến từ BHNT (vốn chiếm 70% doanh thu toàn thị trường). Trước đó, theo thống kê doanh thu phí BH phân phối qua ngân hàng (bancassurance) tụt dốc đáng kể trong nửa đầu năm 2023, có nơi giảm tới 80% so với cùng kỳ năm trước.
Nói về bancassurance, 7 năm qua kênh này đã tăng trưởng khủng. Thống kê cho thấy kênh bán chéo qua ngân hàng năm 2016 chỉ chiếm 10% doanh số khai thác mới của ngành BHNT, nhưng tới năm 2022 đã trở thành một trong hai trụ cột chính, có vai trò ngang ngửa kênh đại lý truyền thống. Số hợp đồng BHNT tăng thêm trong 7 năm từ khi bancassurance độc quyền xuất hiện, tương đương với 20 năm kênh đại lý truyền thống đi một mình.
Thế nhưng, vị đắng trong thành công này là người mua BH ở các ngân hàng thường trong thế bị ép. Thế nên tỷ lệ hủy hợp đồng mua qua kênh ngân hàng ngay trong năm đầu tiên rất cao. Theo kết quả thanh tra 4 doanh nghiệp gồm Sun Life, Prudential, MB Ageas và BIDV Met Life của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), tỷ lệ bỏ ngang hợp đồng của kênh BH qua kênh ngân hàng sau năm thứ nhất dao động 30-70%.
Cách nào khôi phục niềm tin?
BHNT có “xấu” như lời đồn hay không. Thực tế, bản chất của BHNT là cách thức dự phòng tài chính an toàn cho tương lai, với mục đích thay thế nguồn thu nhập khi người tham gia gặp rủi ro bất trắc. Cũng vì những ý nghĩa này, tại nhiều quốc gia tỷ lệ người dân sở hữu BHNT rất cao, như Mỹ 90%, Singapore 80%, Malaysia 50%...
Ở Việt Nam, số người dân sở hữu sản phẩm BHNT hiện chỉ khoảng 11%. Toàn ngành đang phấn đấu đến năm 2025 có 15% dân số có sản phẩm BHNT và con số này sẽ tăng lên 18% vào năm 2030. Song trong bối cảnh toàn ngành đang lâm vào khủng hoảng mất niềm tin nghiêm trọng như hiện nay, những kế hoạch phấn đấu chỉ có thể hiện thực hóa khi niềm tin được khôi phục, nhất là với hoạt động bán BH qua ngân hàng.
Bộ Tài chính cho biết trong năm nay sẽ thanh tra 10 công ty BHNT và phi nhân thọ. Việc thanh, kiểm tra sẽ tập trung vào nội dung liên kết kinh doanh của công ty BH và ngân hàng. Chưa hết, nhiều nghị định, thông tư đã được ban hành nhằm chấn chỉnh hoạt động bán BH nói chung và bán BH qua ngân hàng nói riêng.
Cụ thể, Nghị định 46/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1-7-2023, yêu cầu các ngân hàng có hoạt động đại lý BH phải có bộ phận chuyên trách riêng và người đứng đầu bộ phận này phải có 3 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính. Gần đây nhất, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 67/2023/TT-BTC, hướng dẫn Luật Kinh doanh BH với nhiều nội dung mới.
Theo đó, Thông tư quy định NH không được tư vấn, giới thiệu, chào bán, thu xếp ký hợp đồng BH liên kết đầu tư cho khách hàng trong thời hạn trước và sau 60 ngày, kể từ ngày giải ngân toàn bộ khoản vay. Ngoài quy định về hoạt động bán chéo BH qua kênh ngân hàng, Bộ Tài chính cũng đưa thêm nhiều ràng buộc với đại lý tư vấn BH nói chung.
Đơn cử, trong quá trình tư vấn, đại lý BH hoặc nhân viên của đại lý tổ chức phải cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin về sản phẩm, sử dụng tài liệu do doanh nghiệp BH cung cấp. Riêng đối với các sản phẩm BH phức tạp như sản phẩm BH liên kết đầu tư, phải ghi âm quá trình tư vấn sản phẩm này. Với các tài liệu trong hợp đồng BHNT dài hạn và có giá trị hoàn lại, Bộ Tài chính yêu cầu doanh nghiệp cung cấp bản giấy tóm tắt cho bên mua BH và phải có xác nhận của người mua...
Chia sẻ với báo chí về Thông tư mới này, ông Ngô Việt Chung, Cục trưởng Cục Quản lý giám sát BH, bày tỏ: “Chúng tôi mong muốn chất lượng tư vấn được nâng cao, tránh việc tư vấn viên “ép” khách hàng tham gia sản phẩm BH không đúng nhu cầu và khả năng tài chính của mình.
Đồng thời, trong quá trình tư vấn sản phẩm BH, đại lý BH, hoặc nhân viên trong tổ chức hoạt động đại lý trực tiếp thực hiện hoạt động đại lý BH phải cung cấp đầy đủ, chính xác cho bên mua BH các thông tin về sản phẩm BH, thông qua các tài liệu do doanh nghiệp BH xây dựng và cung cấp".
Các quy định mới đang cho thấy nỗ lực của cơ quan chức năng, nhưng những vấn đề của thị trường BHNT có thực sự được giải quyết hay không vẫn cần chờ thời gian chứng minh.
Kết quả phân tích của Vietnam Report về các cuộc thảo luận liên quan đến chủ đề BH, cảm xúc tiêu cực của khách hàng chỉ chiếm 2,2% trong năm 2022, nhưng đã lên đến 54% trong năm 2023, tức tăng gấp 19 lần.