Báo truyền thống sống chung với mạng xã hội

(ĐTTCO)-Báo truyền thống bao gồm cả báo in, báo nói và báo hình đều đang bị cạnh tranh gay gắt với mạng xã hội. Thậm chí, đã có dấu hiệu báo truyền thống mệt mỏi vì phải chạy theo mạng xã hội. Tẩy chay hay đối lập với mạng xã hội có lẽ không phải là sự chọn lựa khôn ngoan, mà báo truyền thống phải học cách sống chung với mạng xã hội.
Lợi thế về thông tin chính thống cùng với tính chuyên nghiệp của báo truyền thống, sẽ làm nên sự khác biệt mà mạng xã hội không có được. Ảnh: VIẾT CHUNG
Lợi thế về thông tin chính thống cùng với tính chuyên nghiệp của báo truyền thống, sẽ làm nên sự khác biệt mà mạng xã hội không có được. Ảnh: VIẾT CHUNG
Dù nhiệm vụ tuyên truyền được đặt lên hàng đầu, nhưng kinh tế báo chí cũng là một yếu tố tác động trực tiếp đến sự thành bại của báo truyền thống. Hiện nay, thị trường quảng cáo Việt Nam đã nằm trong tay hai ông lớn công nghệ Google và Facebook, nên những thuật toán mà họ áp dụng để khu biệt và mở rộng khách hàng cũng trở thành một thứ quyền lực thông tin.
Sau giai đoạn quy hoạch mạnh mẽ, báo truyền thống đã đi vào trật tự mới, nhưng cái áp lực cũ vẫn tồn tại, đó là làm sao thu hút bạn đọc trước sự bùng nổ mạng xã hội.
Sau hơn một năm liên tục chống chọi Covid-19, báo in đã gánh chịu những thiệt hại to lớn về sự thu hẹp bạn đọc. Báo nói và báo hình cũng không tránh khỏi sự ảnh hưởng. Tuy nhiên, dịch bệnh chỉ là giọt nước tràn ly cho sự âu lo về tương lai báo truyền thống.
Bởi lẽ, trên thực tế, mạng xã hội đã chiếm lĩnh mọi sinh hoạt cộng đồng qua cái điện thoại thông minh. Tiện ích và sức lan tỏa của mạng xã hội khiến giới nhà báo phải giật thót. Một thí dụ đáng nhắc là livestream của một nữ đại gia mới đây đã đạt con số nửa triệu lượt theo dõi.
Một thí dụ khác là Vlogger Hậu Hoàng từ những clip nhạc chế đã trở thành nhân vật giải trí, mà các chương trình truyền hình như “Sao nhập ngũ” hoặc “Sàn đấu vũ đạo” cũng phải mời cô nàng tham gia để hấp dẫn khán giả. 
Có phải mạng xã hội đang xóa nhòa ranh giới giữa truyền thông chuyên nghiệp và truyền thông nghiệp dư không? Không hề, mạng xã hội chia đều cơ hội chinh phục đám đông cho mỗi người mà không cần thẻ hành nghề hay bất cứ tiêu chuẩn pháp quy nào. Nguy cơ thúc thủ của báo truyền thống trước mạng xã hội, không thể đổ lỗi cho sự phát triển internet.
Tiên trách kỷ, hậu trách nhân. Trước tiên, các nhà báo phải tự vấn chính mình. Phải chăng, các nhà báo quá chủ quan và quá thụ động trước sự chuyển biến của đời sống thông tin? Phải chăng, các nhà báo không chịu dấn thân và không chịu sáng tạo để theo kịp đòi hỏi của công chúng?
Phải chăng, các nhà báo đang làm điều mình thích mà không làm điều thiên hạ cần? Những câu hỏi ấy, dù nhẹ nhàng hay dù gay gắt, cũng ít nhiều cho thấy các nhà báo đang cần thay đổi mạnh mẽ để phù hợp với bối cảnh mới của thời đại 4.0.
Mạng xã hội đưa thông tin rất nhanh, thậm chí đưa cả những thông tin không cần kiểm chứng. Vì vậy, thông tin trên mạng xã hội là thứ thông tin thật giả lẫn lộn. Trong mê hồn trận ấy, báo truyền thống vẫn có giá trị vì được tiếp cận nguồn thông tin chính xác và đầy đủ từ cơ quan chức năng.
Trong cao điểm phòng chống Covid-19 chẳng hạn, người dân chỉ trông chờ vào báo truyền thống, chứ không thể nghe theo mạng xã hội.
Vấn đề còn lại là báo truyền thống xử lý thông tin như thế nào để thuyết phục cộng đồng. Sự thật khá bẽ bàng, nói ra thật đau lòng, đó là báo truyền thống gần như chỉ giữ nguyên công thức tác nghiệp khá mô phạm cả cách trình bày thông tin và cách diễn đạt thông tin. Ngôn ngữ đơn điệu và tẻ nhạt của báo truyền thống trở nên lạc lõng khi đặt cạnh ngôn ngữ phong phú và đa dạng của mạng xã hội. Lỗi của bạn đọc ư? Không, lỗi của nhà báo.
Mỗi thời đại phải chấp nhận một loại ngôn ngữ khác. Độc giả bây giờ ưa chuộng ngôn ngữ trực diện hơn là ngôn ngữ vòng vo với những mỹ từ được chế biến thô sơ. Văn phong báo truyền thống cần bớt “mũ cao áo rộng” để gần gũi hơn với người đọc đang ngụp lặn mỗi ngày trong hỗn mang thông tin trăm hồng ngàn tía. 
Rất nhiều nhà báo đã chuyển sang làm KOLs (những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội) chính là một minh chứng cho thấy báo truyền thống đang loay hoay tìm kiếm mô thức định vị mới. Thế nhưng KOLs chỉ vượt trội so với những nhà báo sa-lông, những nhà báo “đút chân gầm bàn” và “chém gió”, chứ không thể hơn được những nhà báo lăn xả vào thực tế sinh động và những nhà báo đào sâu suy nghĩ từng sự kiện. Tính chuyên nghiệp của báo truyền thống sẽ làm nên sự khác biệt mà mạng xã hội không có được.
Đã đến lúc phải thay đổi khái niệm về nhà báo, vì họ không còn là người biết đưa tin đơn giản mà là người biết kể chuyện dựa trên sự nắm bắt thông tin đa chiều, sự mẫn cảm sâu sắc và sự nghiên cứu tử tế. Nói cách khác, báo truyền thống đang cần những nhà báo có tầm vóc chuyên gia của mỗi lĩnh vực. Uy tín và kiến thức của nhà báo chuyên nghiệp tạo ra sự độc đáo của báo truyền thống khi đặt cạnh mạng xã hội. 
Thuật toán của công nghệ có thể dẫn dắt cảm xúc của con người, nhưng không bao giờ thay thế được trái tim của con người. Cuộc sống hiện đại rất bận rộn với trăm thứ phải to toan và trăm thứ để thụ hưởng, bạn đọc chỉ bỏ thời gian và bỏ tiền bạc cho những thông tin bổ ích và thiết thực.
Và từng ngày báo truyền thống càng thấm thía rằng những kỹ năng online với kỹ thuật “từ khóa” hay thao tác SEO kích hoạt công chúng “đu trend” cũng không thể nào an ủi sự tự trọng của những người làm báo chân chính.
Sự đồng cảm của nhà báo trước từng mảnh đời, sự rung động của nhà báo trước từng số phận, vẫn là điều công chúng chờ đợi và tin yêu. Thế nhưng, khi chi phí in ấn cứ tăng vọt và hệ thống phát hành qua các sạp báo đã co cụm lại, thì báo truyền thống không thể ung dung với sự tự hào cứng nhắc “hữu xạ tự nhiên hương”.
Báo truyền thống đã qua thời bắt bạn đọc phải đi tìm thông tin, mà cần chủ động đem thông tin đến bạn đọc bằng những ứng dụng kết nối. Đó là thái độ báo truyền thống sống chung với mạng xã hội trong quan hệ tương tác và hỗ trợ lẫn nhau. Đó cũng là mục tiêu của báo chí đa phương tiện.
Một ấn phẩm báo giấy kết hợp với một phiên bản điện tử vẫn chưa đủ, mà cần thêm một Fanpage chìa tay ra với công chúng trên Facebook và cần thêm một kênh đăng tải clip níu kéo công chúng trên Youtube. Báo truyền thống giăng lưới trên mạng xã hội để phục vụ bạn đọc và cũng để đón nhận những đơn đặt hàng khẩn thiết từ bạn đọc. Báo truyền thống có quyền từ chối xu hướng “câu view” nhưng báo truyền thống không có quyền quay lưng với bạn đọc đang có nhu cầu cải tiến phương pháp tiếp nhận thông tin. 
Vẫn không có gì thừa thãi khi nhắc lại, khái niệm “content is king” (nội dung là vua) chưa bao giờ lỗi thời, nếu báo truyền thống muốn cạnh tranh với mạng xã hội. Nhà báo không còn là người đưa tin, mà phải là nhà quan sát và nhà bình luận với nền tảng tri thức và văn hóa được bồi đắp và rèn luyện thường xuyên.
Báo chí đưa tin nhường chỗ cho báo chí phân tích và báo chí giải pháp, thì bạn đọc không chỉ cần biết cái đang xảy ra, mà còn cần biết cái sẽ xảy ra và nên xảy ra. Do vậy, vai trò của nhà báo càng được thử thách nhiều hơn và được tôn trọng cao hơn. 
Báo truyền thống sống chung với mạng xã hội, không phải để lệ thuộc và để minh họa cho mạng xã hội. Báo truyền thống thông qua mạng xã hội để cung cấp gói thông tin chất lượng nhất cho bạn đọc, không chỉ có tính chính xác và tính thuyết phục, mà bao gồm cả tính cập nhật và tính tương tác.

Các tin khác