Bất cập chưa được tháo gỡ
Theo quy định, đối với hộ kinh doanh hiện có 3 khoản thuế và lệ phí phải nộp, chủ yếu là lệ phí môn bài, thuế giá trị gia tăng (VAT) và thuế thu nhập cá nhân (TNCN). So với các loại hình doanh nghiệp (DN), hộ kinh doanh được nộp thuế theo phương thức nộp thuế khoán, song lại chưa có biện pháp quản lý chặt chẽ doanh thu để làm căn cứ áp dụng mức thuế khoán.
Đây là lỗ hổng có thể dẫn đến tình trạng “thỏa thuận ngầm” giữa hộ kinh doanh và cán bộ thuế, gây ra tình trạng trốn thuế, gian lận thuế và nợ đọng thuế, làm thất thu ngân sách nhà nước.
Thực tế hiện nay cách tiếp cận trong chính sách thuế hiện hành giữa hộ kinh doanh và DN (đặc biệt là siêu nhỏ với hình thức tổ chức tương đồng với hộ kinh doanh) đang rất khác nhau. Cụ thể, theo quy định của pháp luật hiện nay, mọi sự khác biệt giữa hộ kinh doanh và DN tư nhân như hộ kinh doanh chỉ được đăng ký kinh doanh tại 1 địa điểm, thuê mướn không quá 10 lao động… đã được bãi bỏ.
Tuy nhiên, hộ kinh doanh có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm được miễn lệ phí, chỉ nộp 300.000-1.000.000 đồng tùy doanh thu, trong khi DN nộp 1-3 triệu đồng tùy theo vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư.
Dư địa thu thuế từ hộ kinh doanh được đánh giá là còn nhiều, song đến nay vẫn còn bị bỏ ngỏ.
Thậm chí, có những hộ kinh doanh có quy mô và doanh thu lớn hơn nhiều lần DN nhỏ và siêu nhỏ, nhưng thuế VAT chỉ 1-2-5% doanh thu so với 0-5-10% của DN nhỏ và siêu nhỏ (được khấu trừ thuế). DN siêu nhỏ cũng phải chịu thuế TNDN suất phổ thông 20%, trong khi hộ kinh doanh chỉ chịu thuế thu nhập cá nhân 0,5-2-5% doanh thu.
Hộ kinh doanh không cần làm báo cáo tài chính, hóa đơn VAT như DN siêu nhỏ có doanh thu chỉ vài chục triệu hay vài trăm triệu đồng/năm… Việc duy trì các quy định khác biệt về phương thức tính thuế và mức thuế phải nộp giữa hộ kinh doanh và DN như trên đang gây bất bình đẳng, làm méo mó môi trường kinh doanh và khó khăn cho công tác quản lý nhà nước.
Theo TS. Vũ Văn Cương (Đại học Luật Hà Nội), số thuế cá nhân hộ kinh doanh phải nộp sẽ bằng doanh thu khoán nhân với tỷ lệ phần trăm tính trên doanh thu. 2 chỉ số tính thuế khoán ở đây đều mang tính chủ quan, ước tính, không dựa trên doanh thu hay con số thực, do vậy không đảm bảo tính khách quan, chính xác kết quả sản xuất kinh doanh của các hộ kinh doanh cá thể.
Thêm vào đó, thủ tục kê khai nộp thuế của các hộ kinh doanh rất đơn giản, chỉ kê khai theo mức thuế quy định 1 lần, nộp thuế 1 lần và không phải quyết toán thuế. Điều này dẫn đến nhiều hộ kinh doanh có mức doanh thu lớn hơn DN, nhưng không muốn chuyển mô hình hoạt động theo Luật DN vì có thể né thuế, trốn thuế.
Phủ kín hóa đơn điện tử, chặng đường vẫn dài
Để bảo đảm công bằng cũng như thực hiện hiệu quả chính sách thuế đối với các chủ thể kinh doanh, pháp luật cần có quy định thống nhất về cách tính thuế, phương thức xác định thuế, thuế suất phải đóng cho DN tư nhân và hộ kinh doanh.
Theo đó, pháp luật cần loại bỏ cơ chế “thỏa thuận thuế”, bảo đảm thống nhất quản lý thuế đối với hộ kinh doanh như các mô hình chủ thể kinh doanh khác theo quy định tại Khoản 5 Điều 51 Luật Quản lý thuế năm 2019: “Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có quy mô về doanh thu, lao động đáp ứng từ mức cao nhất về tiêu chí của DN siêu nhỏ theo quy định pháp luật về hỗ trợ DNNVV, phải thực hiện chế độ kế toán và nộp thuế theo phương pháp kê khai”.
Để thực hiện được việc này, pháp luật cần quy định bắt buộc các cơ sở kinh doanh đều phải xuất hóa đơn mua bán hàng và chịu các loại thuế như DN; bắt buộc cơ sở kinh doanh phải thực hiện hạch toán thu - chi và ghi sổ như đối với DN. Thêm vào đó, các cơ sở kinh doanh đều phải chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng, bảo hộ lao động, phúc lợi xã hội như đối với DN.
Trong việc ngăn chặn tình trạng né thuế, trốn thuế đối với đối tượng là hộ kinh doanh, việc áp dụng theo hình thức phủ kín hóa đơn điện tử được cho là giải pháp hữu hiệu. Đơn cử, hộ kinh doanh bán phở khi sử dụng hóa đơn điện tử, được kết nối với cơ quan thuế, khi mỗi hóa đơn xuất ra cơ quan thuế sẽ nắm được doanh thu hàng ngày, hàng tháng, từ đó xác định mức thuế phải đóng một cách chính xác.
Đồng thời, cơ chế khấu trừ chi phí dựa trên hóa đơn điện tử cũng sẽ giúp Nhà nước quản lý tốt thu nhập chịu thuế của các chủ thể khác, thông qua việc kiểm tra, giám sát chéo giữa các chủ thể trong việc chứng minh chi phí dựa trên hóa đơn điện tử mình được xuất và phải xuất. Điều này sẽ góp phần chống thất thu thuế đối với hoạt động kinh doanh của hộ kinh doanh, cũng như cá nhân kinh doanh trên thực tế.
Tháng 7 vừa qua, Tổng cục Thuế ban hành Công văn (số 3026/TCT-DNNCN) về việc triển khai chức năng bản đồ số hộ kinh doanh áp dụng trong toàn ngành thuế. Theo đó, bản đồ này sẽ góp phần quan trọng hỗ trợ cơ quan thuế quản lý người nộp thuế một cách trực quan, nắm bắt tốt địa bàn, chống sót hộ, chống thất thu ngân sách.
Bản đồ số hộ kinh doanh cũng hỗ trợ tốt hơn cho người dân, DN, cơ quan quản lý nhà nước và hộ kinh doanh phản hồi thông tin đến cơ quan thuế về công tác quản lý thuế hộ kinh doanh của cơ quan thuế địa phương, tăng cường công khai, minh bạch trong công tác quản lý thuế.
Tuy nhiên, đến nay độ phủ của hóa đơn điện tử vẫn chưa bao quát được đối tượng hộ kinh doanh. Phần lớn vẫn duy trì hình thức thuế khoán, thay vì áp dụng thống nhất một loại hóa đơn và áp dụng một phương pháp tính thuế. Nên, bản đồ số hóa hộ kinh doanh cũng vẫn không thể ngăn chặn được tình trạng né thuế.