Phát biểu tại lễ phát động, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, sau thời gian chuẩn bị chu đáo, chiến dịch tiêm ngừa lớn nhất trong lịch sử chính thức phát động. Mục tiêu của chiến dịch là tiêm cho khoảng 75 triệu người với 150 triệu mũi tiêm từ nửa cuối của năm 2021 và đầu năm 2022.
Thủ tướng khẳng định sự kiện này có ý nghĩa quan trọng, khẳng định quyết tâm rất cao của Việt Nam trong kiềm chế, đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân và đưa đất nước trở lại bình thường.
Thủ tướng nhấn mạnh sức khỏe của nhân dân là quan trọng nhất, là trên hết, trước hết.
“Hôm nay chúng ta có mặt ở đây với cảm xúc rất đặc biệt. Đặc biệt của tâm tư và suy nghĩ hướng về TPHCM và các tỉnh, nơi nhân dân đang phải đối mặt với sự khó khăn, phức tạp hơn của dịch bệnh; nơi cuộc sống, sinh hoạt của đồng bào bị ảnh hưởng do các biện pháp phong tỏa, giãn cách… để chống dịch thành công. Chúng ta cần thể hiện tấm lòng, sự đoàn kết và sự chia sẻ, cảm thông hơn bao giờ hết; không ai bị bỏ lại phía sau trong dịch bệnh, không ai đứng ngoài cuộc trong việc tiếp cận vaccine”, Thủ tướng chia sẻ.
Thủ tướng nhấn mạnh, giải pháp căn cơ để đưa đất nước thoát khỏi dịch bệnh là thực hiện chiến lược vaccine. Chiến lược vaccine tập trung vào các nội dung chính, bao gồm nhập khẩu, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu để sản xuất và phát triển vaccine trong nước, nhằm chủ động và tiêm miễn phí cho toàn dân. Thời gian vừa qua, Việt Nam đã tập trung nhiều biện pháp, huy động tài chính để mua, nhập khẩu, nghiên cứu, sản xuất vaccine.
Cũng theo Thủ tướng, việc sử dụng vaccine trong thời gian qua đã nhận được sự đồng lòng, chia sẻ của nhân dân. Vaccine được phân bổ theo nguyên tắc công bằng, bình đẳng, minh bạch, linh hoạt, hiệu quả. Những liều vaccine đầu tiên được ưu tiên tiêm cho lực lượng tuyến đầu chống dịch, nơi dịch bệnh diễn ra phức tạp là Bắc Ninh, Bắc Giang, TPHCM và một số tỉnh ở miền Nam.
Thủ tướng cho biết trong hôm nay, 10-7, có 1,5 triệu liều vaccine Covid-19 được chuyển vào TPHCM và một số tỉnh phía Nam.
Chiến lược vaccine là tiêm miễn phí hàng năm cho nhân dân, để đạt được miễn nhiễm cộng đồng. Mọi người dân đều bình đẳng, công bằng trong tiếp cận vaccine.
Để thực hiện chiến dịch tiêm hiệu quả, Thủ tướng yêu cầu phải tổ chức điều phối thật tốt. Bộ Y tế là lực lượng nòng cốt phối hợp với các bộ ngành, các địa phương tổ chức tiêm khoa học, đúng quy trình, hiệu quả. Đồng thời phải xây dựng kịch bản bảo quản, vận chuyển, phân phối, triển khai tiêm nhanh chóng, an toàn nhất và hiệu quả nhất cho nhân dân.
Để chăm lo dài hạn cho sức khỏe của nhân dân, mục tiêu là mục tiêu đẩy mạnh sản xuất trong nước và nhập khẩu để có đủ nguồn vaccine tiêm hàng năm.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Việt Nam đã có được 105 triệu liều vaccine trong năm 2021, và tiến tới đạt 150 triệu liều để tạo miễn dịch cộng đồng trong cuối năm 2021 và đầu năm 2022. Riêng trong tháng 7 này, có hơn 9 triệu liều vaccine được chuyển về Việt Nam.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Y tế, Việt Nam là nước có tỷ lệ người dân ủng hộ việc tiêm vaccine cao hơn nhiều nước trên thế giới. Đây là yếu tố thuận lợi, đồng thời cũng là trách nhiệm của ngành y tế và các Bộ, ngành liên quan, để triển khai thật tốt và hiệu quả chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19.
Chiến dịch tiêm vaccine lớn nhất trong lịch sử tại Việt Nam có sự phối hợp chặt chẽ của Bộ Y tế, Quốc phòng, Công an, Thông tin và Truyền thông, Giao thông vận tải. Các cơ quan đều đã thiết lập Ban Chỉ đạo để xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai.
Theo đó, hệ thống bảo quản, vận chuyển vaccine dưới sự điều hành của Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng. Thiết lập hệ thống giám sát chất lượng thông qua giám sát toàn bộ quy trình bảo quản, vận chuyển tổ chức tiêm và quản lý điều hành trực tuyến toàn bộ quá trình tiêm chủng.
Chiến dịch huy động tổng lực các lực lượng với hàng chục nghìn cơ sở y tế, hàng vạn cán bộ y tế và các lực lượng khác trong cả nước. Chiến dịch triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý tiêm chủng, với việc đưa vào sử dụng Sổ sức khỏe điện tử để quản lý quá trình tiêm chủng của từng người dân.