Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho rằng, dịch Covid-19 từ khi bùng phát tới nay đã gần 18 tháng, tác động lớn đến nền kinh tế nói chung và hoạt động ngân hàng nói riêng. Đại dịch vẫn còn diễn biến rất phức tạp, nên việc vừa phòng, chống dịch vừa bảo đảm được khôi phục, phát triển kinh tế là nhiệm vụ rất lớn của Chính phủ cũng như các bộ, ngành, địa phương.
Thực tế, doanh nghiệp đã và đang gặp rất nhiều khó khăn. Báo cáo của Tổng cục Thống kê ngày 29-6 cho thấy tỷ lệ doanh nghiệp rút khỏi thị trường không phải nhỏ do sức chống chịu không còn. Trong 6 tháng đầu năm nay, cả nước có 70.200 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong số này bao gồm 35.600 đơn vị tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước; 24.700 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 25,7% và 9.900 công ty hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 33,8%.
Tính trung bình mỗi tháng có 11.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Theo Phó Thống đốc, Nhà nước đã và đang rất nỗ lực để đưa ra nhiều giải pháp, chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Trong đó, ngành Ngân hàng có thể được xem là một kênh hỗ trợ doanh nghiệp rất tích cực thời gian vừa qua.
Như việc tái cơ cấu, giãn, hoãn các khoản vay dư nợ và lãi vay đến hạn, giảm lãi suất, phí, cùng nhiều cơ chế chính sách khác. Từ đầu bùng phát dịch đến nay, hệ thống ngân hàng đã hỗ trợ doanh nghiệp thiết thực, tháo gỡ nhiều khó khăn...
"Mọi hoạt động của ngân hàng phải làm sao hài hoà song hành giữa 2 mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn, song vẫn đảm bảo an toàn một cách cao nhất cho hệ thống ngân hàng nói chung và cho từng TCTD nói riêng, không chỉ trong ngắn hạn mà còn trong trung và dài hạn", Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh.
Lãnh đạo NHNN giao Hiệp hội Ngân hàng vận động sự đồng thuận của các TCTD, để giảm lãi suất với những mức cụ thể ngay trong tháng 7-2021 này.
Với các đơn vị thuộc NHNN, Phó Thống đốc đề nghị khẩn trương hoàn thiện Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 63 của Chính phủ để trình Thống đốc ký ban hành.
Một số ngân hàng đã tiếp tục có nhiều gói hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Như Agribank vừa triển khai gói tín dụng 20.000 tỷ đồng cho vay tiêu dùng, với lãi suất từ 6,5%-7%/năm.
Khách hàng cá nhân ở khu vực đô thị có nhu cầu mua sắm, sinh hoạt sẽ được vay vốn đặc biệt trong bối cảnh kinh tế khó khăn do dịch bệnh Covid-19, đồng thời nhằm hạn chế nạn tín dụng đen.