Khách vét sạch bánh mì, thịt kho, cơm chiên ở siêu thị, cửa hàng tiện lợi TPHCM

(ĐTTCO) - Phải gánh nhiệm vụ bán thức ăn chế biến sẵn do hàng quán đóng cửa, trong ngày thứ 2 TPHCM giãn cách theo Chỉ thị 16, các siêu thị, cửa hàng tiện lợi có bán thức ăn đã được khách vét sạch từ hộp cơm chiên, tô bún đến ổ bánh mì.

Mỗi khách chỉ được mua 1 ổ bánh mì baguette

Ngày thứ hai TPHCM thực hiện giãn cách xã hội, tạm ngưng dịch vụ bán đồ ăn thức uống mang về, rất nhiều người đã đến các siêu thị, cửa hàng tiện lợi gần nhà để mua thức ăn chế biến sẵn. Hàng ăn được tiếp liên tục nhưng đến đầu giờ chiều, nhiều hệ thống cửa hàng tiện lợi và siêu thị đã hết sạch cơm bún, bánh mì. Quầy thức ăn nào cũng trống trơn.

Khách vét sạch bánh mì, thịt kho, cơm chiên ở siêu thị, cửa hàng tiện lợi TPHCM ảnh 1 Ngày đầu các siêu thị, cửa hàng tiện lợi gánh nhiệm vụ bán thức ăn chế biến sẵn cho hàng quán khi thành phố thực hiện Chỉ thị 16. Ảnh: H.Minh.
Tại một cửa hàng Circle K trên đường Phan Văn Trị (quận Bình Thạnh), dù đúng bữa trưa nhưng 3 khách vào vẫn không kịp mua cơm hay các loại mì chế, bún biến sẵn có thể ăn no. Nhiều người phải mua tạm mì gói. Nhân viên cửa hàng cho biết đồ ăn sẵn có đặc thù vận chuyển khá xa, phụ thuộc nơi chế biến, nên không biết thời điểm nào mới có để thông báo cho khách hàng.

Cách đó không xa, ở cửa hàng Mini Stop, quầy thức ăn chế biến sẵn cũng không còn gì, ngay cả những hộp trái cây cắt sẵn, vốn ngày thường ê hề trên kệ. Một khách hàng cho biết anh đến mua bánh mì kẹp thịt, vốn là món thông dụng nhất ở đây nhưng đã hết, đành mua tạm cái bánh ngọt để ăn trưa.

Khảo sát trên nền tảng Grab, Baemin có kết nối với các cửa hàng tiện lợi như Circle K, Mini Stop, Familymart, GS25… trong ngày hôm nay cũng cho thấy các món ăn chế biến sẵn như cơm trộn, miến trộn, cơm nắm, sandwich… hết sạch từ sớm. Nhiều người cho biết, một số món ăn khi đặt vẫn có, nhưng tài xế đến nơi chụp hình gửi báo hết hàng phải hủy đơn.

Tại siêu thị Emart quận Gò Vấp, khá nhiều khách phải chọn gà rán, heo quay và các món ăn Hàn Quốc, vì quầy thức ăn Việt Nam gọi theo món đã hết từ sớm… Ngay cả cơm trắng cũng không còn.

Anh Thịnh ở quận Bình Thạnh, cho biết ngày thường siêu thị nhiều bánh mì lắm nhưng hôm nay quầy bánh trống nhiều. Ngay cả bánh mì baguette cũng hết.

Tại quầy bánh mì của siêu thị này để bảng thông báo khách muốn mua bánh mì baguette phải quay lại sau 13h, và mỗi lần nướng chỉ có 90 ổ, nên một khách chỉ được mua 1 ổ bánh mì cho mỗi lần mua. Bên trong, nhân viên liên tục làm bánh để kịp nhu cầu.

Sẽ ổn định khi nhu cầu mua sắm quay lại bình thường

Khách vét sạch bánh mì, thịt kho, cơm chiên ở siêu thị, cửa hàng tiện lợi TPHCM ảnh 2 Hàng đồ ăn chế biến sẵn liên tục trống trơn vì nhu cầu quá lớn. Ảnh: H. Minh 
Theo chia sẻ của đại diện một doanh nghiệp bán lẻ lớn tại TPHCM chiều 10-7, thức ăn chế biến sẵn vẫn là thế mạnh, và hệ thống đang bán tốt.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp bán lẻ lại đang tập trung cao độ cung ứng thực phẩm, hàng hóa thiết yếu các loại mỗi ngày, nên việc “gánh” nhiệm vụ đảm bảo đồ ăn thức uống nấu sẵn theo yêu cầu của thành phố khiến doanh nghiệp quá tải, chưa chuẩn bị kịp trong ngày. Tuy nhiên, vị này khẳng định hệ thống đã tăng cường nguồn nhân sự, thực phẩm để phục vụ nhu cầu của người dân. 

Cũng theo doanh nghiệp, khi tình hình người dân mua sắm hàng thiết yếu ổn định trở lại, sẽ có nhiều thời gian tập trung hơn cho việc bán thức ăn chế biến sẵn, cũng như tăng cường giao hàng về tận nhà.

Vào ngày 9-7, UBND TPHCM đã có văn bản bản khẩn yêu cầu Sở Công thương đề nghị các siêu thị, cửa hàng tiện lợi như Saigon Co.op, Satra, MM Mega Market, Bách Hóa Xanh, VinMart, Family Mart, Vissan... tăng cung ứng thực phẩm chế biến sẵn để phục vụ nhu cầu của người dân khi thành phố tạm ngưng hàng quán.

TP nhận định một bộ phận người dân đã gặp khó khăn khi TP thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, tạm dừng dịch vụ ăn uống mang về. 

TP cũng yêu cầu phường, xã, thị trấn chủ động nắm bắt các khó khăn của người dân trên địa bàn, nhất là các hộ gia đình không thể tự nấu ăn trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, để hỗ trợ kịp thời. Cụ thể, hướng dẫn người dân có thể đến mua thực phẩm chế biến sẵn tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, hoặc đặt hàng thông qua các ứng dụng công nghệ.

Sở Công Thương TPHCM cũng đã đề nghị các hệ thống phân phối bán lẻ có phương pháp phối hợp với các hệ thống giao hàng online, các hình thức phân phối trực tiếp đến tận tay người dân khi có yêu cầu, đảm bảo công việc giao nhận thực hiện quy trình, quy định phòng, chống dịch bệnh.

Các tin khác