PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, giá dầu trên thị trường thế giới lao dốc mạnh sẽ tác động thế nào đến các ngành năng lượng khác?
Ông TRẦN VIẾT NGÃI: - Việc giá dầu thô giảm mạnh đã phản ánh diễn biến bất thường của thị trường dầu nói riêng và kinh tế thế giới nói chung. Đây sẽ là cú sốc mới đối với nền kinh tế thế giới vốn đang suy yếu, nhất là với một số nước có nguồn thu dựa vào xuất khẩu dầu thô có thể đối mặt với tình trạng thâm hụt ngân sách.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc giá dầu lao dốc mạnh. Thứ nhất, đó là ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 khiến hoạt động của các ngành kinh tế trì trệ, nhu cầu của thị trường đối với mặt hàng xăng dầu giảm mạnh.
Thứ hai, cuộc chiến về giá dầu giữa Nga - Saudi Arabia diễn ra hồi tháng 3 càng khiến giá dầu thế giới giảm mạnh hơn. Thứ ba, thời gian qua trên thị trường bắt đầu xuất hiện dấu hiệu các nhà đầu tư bán tháo dầu do các kho lưu trữ đã đầy.
Về tác động của giá dầu giảm đối với các ngành năng lượng khác, tôi cho rằng thời gian tới sẽ có sự thay đổi về cơ cấu tỷ trọng giữa các ngành với nhau. Đã có những nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ lợi nhuận dự kiến các dự án dầu và khí đốt giảm từ 20% xuống còn 6%, đồng nghĩa khoản thu tăng lên tương ứng nếu đầu tư vào các dự án năng lượng mặt trời hay năng lượng gió.
Sự sụt giảm của ngành công nghiệp dầu mỏ, trong chừng mực nào đó là cơ hội cho ngành công nghiệp năng lượng xanh phát triển. Tuy nhiên, đây là trên lý thuyết, còn thực tế dầu vẫn đang đóng vai trò quan trọng đối với các ngành kinh tế, rất khó có thể thay thế được.
Ảnh minh họa.
- Theo ông đợt giảm giá dầu này kéo dài trong bao lâu, tác động đến giá bán lẻ xăng như thế nào? Với mức giá rất thấp hiện nay, Việt Nam có nên tiếp tục khai thác dầu, hay tạm cắt giảm sản lượng khai thác để tránh bị lỗ?
- Tôi cho rằng đợt giảm giá dầu lần này dù rất sâu nhưng sẽ không quá lâu mà sẽ trở lại mức cân bằng. Bởi dịch Covid-19 đã và đang dần được kiểm soát tại nhiều nước, nên khi kinh tế hồi phục, nhu cầu về dầu của thị trường sẽ trở lại, lúc đó sẽ đẩy giá lên cao. Thêm vào đó, cuộc chiến về giá dầu giữa Nga với Saudi Arabia cũng đã chấm dứt, khi 2 nước đạt được thỏa thuận với nhau nên giá dầu cũng không còn yếu tố bất định. Ngoài ra, chúng ta có thể thấy việc giá dầu giảm sâu xuống mức thấp nhất trong những ngày gần đây chủ yếu diễn ra ở thị trường cục bộ, không phải chung cho tất cả thị trường.
Thí dụ, hiện tượng giá dầu ở thị trường Mỹ rơi tự do ngày 20-4 xuống mức âm, đây chỉ diễn ra ở Mỹ và cũng chỉ trong thời gian rất ngắn. Về tác động sâu xa do những tuần qua nhu cầu tiêu thụ xăng dầu tại Mỹ giảm rất mạnh, do chính quyền các bang thực hiện giãn cách xã hội khiến nguồn cung xăng dầu thừa, đẩy giá bán lẻ lao dốc.
Ngoài ra, việc hợp đồng giao giữa các nhà đầu tư đến ngày đáo hạn, trong khi giá dầu giảm khiến nhiều nhà đầu tư buộc phải bán tháo vì không còn kho dự trữ. Sau khi giảm giá dầu ở Mỹ đã dần phục hồi trở lại.
Giá dầu thô giảm mạnh sẽ tác động đến giá bán lẻ xăng, nhưng mức giảm sẽ không đáng kể. Bởi giá xăng bán lẻ trên thị trường còn bao gồm nhiều chi phí khác ngoài giá xăng bán sỉ. Trên thực tế không phải giá dầu thô mà giá bán sỉ xăng mới phản ánh rõ ràng nhất giá bán lẻ xăng.
Về việc Việt Nam có nên tiếp tục khai thác dầu hay tạm cắt giảm sản lượng khai thác để tránh bị lỗ, tôi cho rằng vẫn cần đẩy mạnh khai thác. Bởi nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước vẫn rất lớn, nhất là khi các hoạt động kinh tế, sản xuất đang dần phục hồi trở lại sau khi dịch Covid-19 dần được kiểm soát. Hiện nay, xăng dầu từ khai thác của ta mới đáp ứng được 25-30% nhu cầu thị trường nội địa, còn lại phải nhập khẩu từ bên ngoài.
- Ông đánh giá thế nào về việc nhập khẩu xăng dầu dự trữ vào thời điểm này?
- Tôi cho rằng đây là thời điểm “vàng” để nhập khẩu xăng dầu dự trữ. Vừa qua VEA đã có văn bản gửi Chính phủ và các bộ có liên quan, kiến nghị chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xăng dầu thực hiện nhập khẩu xăng dầu tinh để dự trữ. Việt Nam hiện là quốc gia nhập khẩu tinh về sản phẩm xăng dầu.
Việc giá dầu giảm thấp là thách thức nhưng là cơ hội nếu biết tận dụng để tích trữ khi giá dầu tăng trở lại. Chúng ta cần phải chủ động trong việc này, vì như tôi đã nói chu kỳ giảm giá dầu thô lần này tuy có sâu nhưng không lâu, nếu chúng ta không tận dụng sẽ bỏ lỡ mất cơ hội này.
Khi chúng ta dự trữ xăng dầu cũng gián tiếp giúp bình ổn giá cả trong nước, kiềm chế được lạm phát. Giữ ổn định được giá xăng dầu trong nước rất quan trọng, bởi đối với doanh nghiệp các hộ gia đình có sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ, kể cả đánh bắt thủy hải sản, nuôi trồng thủy sản, các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ sử dụng nhiều xăng dầu, khi giá dầu giảm giúp giảm chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận, từ đó giúp tăng khả năng chi tiêu, tái đầu tư của doanh nghiệp của hộ sản xuất kinh doanh, ngư dân, chủ trang trại…
Hiện nay, lượng xăng dầu nhập khẩu từ bên ngoài của Việt Nam chiếm hơn một nửa, do đó nhập khẩu xăng dầu thời điểm này chúng ta sẽ được lợi.
- Có ý kiến cho rằng việc nhập khẩu xăng dầu lúc này có nhiều rủi ro và cơ sở hạ tầng hiện chưa thể đáp ứng được việc dự trữ xăng dầu quá nhiều. Ông nhận xét thế nào về việc này?
- Kinh tế thế giới sẽ sớm phục hồi và giá dầu thô sẽ tăng trở lại. Ngay sau khi chạm đáy vào ngày 20-4, mấy hôm nay giá dầu đã tăng trở lại. Nên rủi ro một số doanh nghiệp đưa ra không có tính thuyết phục. Thêm vào đó, nhu cầu xăng dầu ở thị trường trong nước hiện nay rất lớn, việc khai thác và sản xuất xăng dầu của chúng ta không đáp ứng được.
Còn về vấn đề kho dự trữ, đó không phải là lý do để không nhập khẩu xăng dầu. Hiện nay cơ sở hạ tầng dành cho việc dự trữ xăng dầu của ta rất tốt, nếu thiếu kho chúng ta đầu tư xây thêm, rất nhanh thôi. Không chỉ các doanh nghiệp khai thác, kinh doanh xăng dầu, có thể huy động cả quân đội để cùng làm.
Phải xem việc nhập khẩu xăng dầu dự trữ là một trong những biện pháp nhằm giữ an ninh năng lượng cho quốc gia, không chỉ thuần túy là lợi ích kinh tế.
- Xin cảm ơn ông.
Đây là thời điểm “vàng” để nhập khẩu xăng dầu dự trữ. Việc giá dầu giảm thấp là thách thức nhưng là cơ hội nếu biết tận dụng để tích trữ khi giá dầu tăng trở lại. |