Ráo riết chia cổ tức
2 tháng qua, một loạt NH đã được NHNN chấp thuận việc tăng VĐL như ACB tăng từ hơn 16.627 tỷ đồng lên hơn 21.615 tỷ đồng; BacABank tăng VĐL từ 6.500 tỷ đồng lên 7.085 tỷ đồng, VIB tăng từ 9.244 tỷ đồng lên 11.093 tỷ đồng, SeABank tăng từ 9.369 tỷ đồng lên 12.088 tỷ đồng. Nguồn vốn tăng thêm đến từ việc chia cổ tức, cổ phiếu thưởng.
Cụ thể, ACB tăng vốn thông qua hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ lợi nhuận có thể sử dụng chia cổ tức năm 2019. BacABank chia làm 2 đợt tăng vốn, đợt 1 sẽ phát hành hơn 46,2 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2016 và phân phối lợi nhuận để lại lũy kế đến hết ngày 31-12-2016 để tăng thêm 462 tỷ đồng. Đợt 2 sẽ chào bán riêng lẻ hơn 3,79 triệu cổ phiếu, tương đương tăng thêm 37,9 tỷ đồng. SeABank cũng phát hành đợt 1 gần 131,17 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu, tương ứng với tỷ lệ 14% được trích từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối năm 2019. Đợt 2 phát hành tối đa hơn 140,7 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 15%.
Nhiều NH khác cũng đang ráo riết thực hiện kế hoạch chia cổ tức để tăng vốn trong năm nay. Mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) thông báo nhận được tài liệu báo cáo phát hành cổ phiếu để trả cổ tức của MB. Phía MB cũng thông báo đến cổ đông ngày 6-10 là hạn chót đăng ký nhận cổ tức năm 2019 bằng cổ phiếu theo tỷ lệ 15%. Sau khi hoàn tất chia cổ tức, VĐL MB sẽ tăng thêm hơn 3.617 tỷ đồng, lên gần 27.988 tỷ đồng.
Ngoài ra, NH này còn có kế hoạch chia 25,6 triệu cổ phiếu quỹ cho cổ đông hiện hữu trong thời gian từ quý IV-2020 đến hết quý I-2021. HDBank cũng dự kiến triển khai phát hành cổ phiếu tăng vốn trong quý IV năm nay theo kế hoạch đã được thông qua tại ĐHCĐ năm 2020 là chia cổ tức bằng cổ phiếu năm 2019, với tỷ lệ 15% và phát hành cổ phiếu thưởng từ nguồn thặng dư vốn cổ phần với tỷ lệ 15%. Kế hoạch này sẽ giúp NH tăng vốn từ gần 9.810 tỷ đồng lên hơn 12.707 tỷ đồng.
Phao cứu sinh cho việc tăng vốn
Vài năm gần đây, vấn đề chia cổ tức của các nhà băng không đáp ứng được kỳ vọng của cổ đông, vì phương án chia cổ tức đa số bằng cổ phiếu hoặc giữ lại toàn bộ lợi nhuận. Nguyên nhân được các NHTM đưa ra do phải áp dụng hệ số an toàn vốn theo chuẩn mực quốc tế Basel II. Vì vậy, NH phải chia cổ tức bằng các phương án này để tăng thêm vốn, tăng hệ số an toàn vốn.
Bên cạnh đó, một số NHTM đang tái cơ cấu phải được NHNN thông qua phương án chia cổ tức. Năm nay, NHNN ban hành Chỉ thị 02/CT-NHNN về các giải pháp cấp bách của ngành NH nhằm tăng cường phòng, chống và khắc phục khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19, yêu cầu các NH chủ động rà soát, cắt giảm các chi phí hoạt động, trước mắt không chia cổ tức bằng tiền mặt để tập trung nguồn lực giảm mạnh lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện nay và các khoản cho vay mới.
Chỉ thị 02 đã giúp các NH có cơ sở để không chịu áp lực của cổ đông trong vấn đề chia cổ tức bằng tiền mặt, đồng thời có thể thực hiện kế hoạch tăng vốn. Dễ thấy NH rất hồ hởi với quy định này, khi việc chia cổ tức được thực hiện khá sớm so với các năm trước. Hơn nữa, phương án tăng vốn khả thi nhất này được các NHTM có vốn nhà nước liên tục đề xuất được áp dụng. Cụ thể, HĐQT VietinBank đã trình phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu hoặc giữ lại toàn bộ lợi nhuận để tăng VĐL tại ĐHCĐ năm 2020. Tuy nhiên việc này phải chờ cho đến khi việc điều chỉnh các quy định pháp lý liên quan được hoàn tất.
Rõ ràng tăng VĐL đang là yêu cầu bức thiết của các NH khi năm nay họ phải tuân thủ Thông tư 41/2016 của NHNN, tức hệ số CAR của các NHTM phải được tính toán đầy đủ theo chuẩn Basel II. Trong khi đó, việc tăng vốn luôn là bài toán khó. Năm 2019, tổng VĐL của các NHTM có vốn nhà nước 155.153 tỷ đồng (chỉ tăng 4,91% so với năm 2018), VĐL của các NHTMCP 284.698 tỷ đồng (tăng 6,54% so với năm 2018). Tại thời điểm cuối tháng 7-2020, tổng VĐL của các NHTM có vốn nhà nước 155.198 tỷ đồng, tăng 0,03%, VĐL của các NHTMCP 290.106 tỷ đồng, tăng 1,9%.
Mức tăng VĐL rất chậm trong khi hệ số CAR của các NH tuy đáp ứng được yêu cầu nhưng chưa cao so với các NH nước ngoài. Ở nhóm NH áp dụng Thông tư 41/2016, hệ số CAR của NHTM có vốn nhà nước chỉ 9,56%, của các NHTMCP 10,72%, trong các NH nước ngoài đạt 18,82%. Ở nhóm NH còn áp dụng Thông tư 22/2019, hệ số CAR của NHTM có vốn nhà nước 10,38%, NHTMCP 9,86%, trong các NH nước ngoài 31,12%.
Với hệ số CAR như vậy, các NH vẫn còn nhiều việc phải lo, nhất là khi ảnh hưởng của Covid-19 đã được phản ánh một phần vào chất lượng tài sản. Tính đến hết tháng 6, số nợ đã tái cơ cấu do Covid-19 chiếm 2% tổng dư nợ toàn ngành. Nhiều NH công bố tỷ lệ nợ đã tái cơ cấu đến cuối tháng 6 dao động 3-4% tổng dư nợ, thậm chí có NH lên đến mức 10%.
Tỷ lệ tạo nợ xấu mới bình quân của các NH niêm yết tăng từ 1,7% vào cuối 2019 lên 2%, và tỷ lệ nợ nhóm 2/tổng dư nợ tăng từ 1,5% lên 1,7% vào cuối quý II. Tuy nhiên, các NH chỉ tăng trưởng chi phí dự phòng khoảng 11,2%, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng trưởng chi phí dự phòng ở mức 15%.
Theo một chuyên gia tài chính, tình hình dịch bệnh sẽ tác động đến lợi nhuận các NH, tức tác động vào vốn chủ sở hữu. Do các quy định cho phép cơ cấu thời hạn trả nợ và phân loại nhóm nợ đang “phủ lớp son” lên báo cáo tài chính của các NH, song nợ xấu sẽ lộ diện, đặc biệt sau khi các quy định nới lỏng trên kết thúc. Như vậy, NH nào trích lập dự phòng đúng đủ có thể bị lỗ và nếu bị lỗ sẽ trừ vào vốn chủ sở hữu.
Khi vốn chủ sở hữu bị trừ sẽ làm giảm tỷ lệ an toàn vốn. Có thể năm nay các NH không báo lỗ vì không chuyển nhóm nợ, không phải trích lập dự phòng. Do đó chi phí của các NH có thể được kiềm chế bởi chính sách, từ đó có thể báo lãi. Tuy nhiên, có thể có NH ghi nhận lỗ và sẽ thể hiện rõ ở các năm tiếp theo.