Hàng hóa của Việt Nam đã vươn tới các thị trường khó tính nhờ tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết, song để nâng cao thị phần, tiến sâu vào chuỗi cung ứng thì cần nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó việc đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng cao của nhà nhập khẩu là yếu tố quan trọng tạo nên sự thành công của doanh nghiệp.
Nhiều ngành hàng giữ vị thế tại sân chơi lớn
Từ nhiều năm nay, các tập đoàn phân phối nước ngoài như: Walmart, Aeon, Central Retail, Lotte, Mega Market… đã hợp tác chặt chẽ với Bộ Công Thương cùng một số địa phương để thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu hàng Việt Nam trong hệ thống của họ ở nước ngoài.
Bên cạnh đó, các bên còn hướng đến mục tiêu xây dựng một hệ thống các doanh nghiệp cung cấp hàng Việt Nam đảm bảo đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, đáp ứng những yêu cầu kỹ thuật khắt khe, hướng tới sự phát triển bền vững.
Thực tế cho thấy, thông qua các hoạt động trên nhiều sản phẩm Việt Nam không chỉ tìm được vị trí ổn định trong các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam mà còn xuất khẩu thành công ra nhiều thị trường thế giới, nơi các doanh nghiệp này đặt hệ thống phân phối.
Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ (Bộ Công Thương) thông tin, hiện nay Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới đối với nhiều nhóm ngành hàng, trong đó Việt Nam là nước xuất khẩu lớn thứ 2 về da giày, thứ 3 về dệt may và thứ 5 thế giới về gỗ và sản phẩm từ gỗ.
Chỉ riêng năm 2022, dù đại dịch COVID-19 khiến tổng cầu dệt may thế giới giảm 6% so với cùng kỳ… nhưng xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam vẫn đạt khoảng 44,5 tỷ USD, tăng 10,4% so với năm 2021, còn xuất khẩu da giày cũng tăng 34,3% so với cùng kỳ năm trước…
“Nhóm các mặt hàng thời trang, nội thất và đồ gia dụng của Việt Nam hiện vẫn có nhiều lợi thế cạnh tranh, đặc biệt là về chất lượng sản phẩm, trình độ kỹ thuật, khả năng đáp ứng các yêu cầu khắt khe về lao động, môi trường, nhất là các ưu đãi thuế quan từ 15 FTA song phương và khu vực hiện có với nhiều đối tác trên thế giới…,“ ông Tạ Hoàng Linh đánh giá.
Đóng góp tích cực vào thành công trên có sự hợp tác chặt chẽ của các tập đoàn bán lẻ lớn thế giới. Bên cạnh các hoạt động hỗ trợ xuất khẩu, các đối tác nước ngoài đã trực tiếp làm việc với doanh nghiệp trong nước để cập nhật các thông tin về thị trường, giúp doanh nghiệp nội có thể khai thác tốt các cơ hội để gia tăng thị phần.
Là doanh nghiệp tư nhân bán lẻ đồ nội thất lớn nhất thế giới, ông Giafar Safaverdi, Giám đốc Khu vực Cung ứng Đông Nam Á tập đoàn IKEA nhấn mạnh, Việt Nam sở hữu năng lực sản xuất ngày càng phát triển, các chính sách tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập-khẩu, cùng với nhiều lợi thế trong lĩnh vực logistics đã khiến Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của IKEA.
“IKEA mong muốn chia sẻ quá trình hoạt động trong việc xây dựng chuỗi cung ứng bền vững của chúng tôi theo chiến lược phát triển bền vững,” ông Giafar Safaverdi nói.
Thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, sản phẩm vùng miền đã có mặt tại các kênh phân phối. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Trong khi đó, tại buổi làm việc với Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) của đoàn lãnh đạo cấp cao Tập đoàn Walmart (nhà bán lẻ hàng đầu thế giới có trụ sở tại Hoa Kỳ) ngày 12/9 vừa qua, ông Avaneesh Gupta, Phó Chủ tịch Cấp cao, Mua bán Tổng hợp và Thu mua hàng may mặc Walmart khẳng định sự ấn tượng về quy mô rộng khắp trong chuỗi cung ứng hoàn chỉnh của Vinatex.
Với hệ thống hơn 10.500 cửa hàng tại 19 quốc gia, đại diện Walmart cho rằng, để tiếp tục tham gia sâu vào chuỗi cung ứng minh bạch toàn cầu nói chung cũng như Walmart nói riêng, doanh nghiệp dệt may cần quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ của bông để làm sợi. Cùng với đó là phải liên tục cải tiến công nghệ để có năng suất, chất lượng cạnh tranh nhất trên thị trường.
“Điều vô cùng quan trọng đối với các kế hoạch kinh doanh của Walmart là tính minh bạch của chuỗi cung ứng nhằm đảm bảo cho tương lai phát triển bền vững,” ông Avaneesh Gupta chia sẻ.
Đáp ứng tiêu chuẩn để tận dụng ưu thế
Thực tế cho thấy, các thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam như: Hoa Kỳ, EU, các nước Đông Bắc Á hay các nước tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) ngày càng đặt ra những tiêu chuẩn mới, đòi hỏi khắt khe hơn, nhất là những nội dung liên quan đến xanh hóa chuỗi sản xuất và cung ứng, các tiêu chí phát triển bền vững, sản xuất tuần hoàn… điều này cũng đặt ra nhiều những thách thức cho doanh nghiệp nội.
Đại diện Vụ thị trường châu Âu-châu Mỹ thông tin, thị trường EU đã đưa ra chính sách sử dụng sản phẩm tái chế đối với sản phẩm dệt may và tăng tốc thực thi chiến lược dệt may tuần hoàn và bền vững đề ra từ năm 2022 khiến doanh nghiệp Việt Nam đứng trước nhiều sức ép để giữ đơn hàng và thị phần.
Ngoài ra, giữa tháng 5 vừa qua, EU cũng đã ban hành đạo luật về Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (). Quy định này buộc các nhà nhập khẩu vào EU phải báo cáo lượng phát thải carbon trong hàng hóa. Hay vào cuối tháng 6, EU đã ban hành Quy định Chống suy thoái rừng (EUDR). Theo đó, các công ty kinh doanh gỗ và các sản phẩm phái sinh tại EU phải chứng minh hàng hóa mà họ bán không liên quan đến hoạt động phá rừng từ sau năm 2021.
Vì vậy, để có thể đáp ứng yêu cầu của thị trường, giúp lấy lại đà tăng trưởng cho các ngành hàng thế mạnh kể trên, theo đại diện Vụ thị trường châu Âu-châu Mỹ, việc chuyển đổi xanh, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn là xu hướng phát triển tất yếu và xu hướng này đang dần hình thành về thương mại và đầu tư trên toàn cầu.
Bên cạnh đó, với đặc thù là ngành hàng đòi hỏi phải liên tục thay đổi mẫu mã, phù hợp với xu thế, thị hiếu thị trường, do vậy doanh nghiệp trong lĩnh vực này cần luôn chủ động, có chiến lược rõ ràng và cập nhật xu hướng thời trang thường xuyên tại các thị trường xuất khẩu.
“Ngoài chất lượng và giá cả, khách hàng sẽ lựa chọn những doanh nghiệp đáp ứng được cao nhất các yêu cầu đặt ra; trong đó có yêu cầu về giảm phát thải, sản xuất xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững,” lãnh đạo Vụ thị trường châu Âu-châu Mỹ nhấn mạnh.
Theo ông Vincent Gothknecht, Trưởng đại diện Công ty I.Schroeder (Đức), Việt Nam đang có lợi thế lớn về xuất khẩu nông sản sang thị trường EU nhờ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA). Hiện có khoảng 50 nhà cung ứng tại Việt Nam cung cấp các sản phẩm nông sản như: vải, dứa, chanh dây và hàng thủy sản cho công ty.
Tuy vậy, theo quy định của EU, sản phẩm phải có chứng nhận an toàn thực phẩm, chứng nhận tiêu chuẩn môi trường, lao động… Để làm được điều này, doanh nghiệp bắt buộc phải đầu tư nguồn lực khá lớn bởi đây là yêu cầu bắt buộc để thâm nhập thị trường.
Các sản phẩm của Việt Nam ngày càng được người tiêu dùng quốc tế ưa chuộng. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Ông Bùi Trung Chính, Giám đốc Thu mua ngành hàng thực phẩm, Aeon Việt Nam cho biết trong những năm gần đây, các sản phẩm của Việt Nam đã được cải tiến hơn rất nhiều so với trước. Hàng Việt Nam được ghi nhận có chất lượng tốt, giá thành hợp lý, nhất là đối với các mặt hàng thực phẩm tươi sống (rau củ quả, thịt cá...).
Tuy vậy, ông cho rằng, trước đây, giá trị của một sản phẩm được quyết định dựa trên sự tương quan giữa chất lượng và mức giá, nhưng gần đây, cách tính này đã thay đổi, có thêm nhiều yếu tố khác cũng đóng vai trò quan trọng không kém.
Theo đó, giá trị của một sản phẩm không chỉ được đo lường bằng chất lượng và giá cả mà còn dựa trên Thương hiệu (độ nhận biết sản phẩm của khách hàng), các quy định (tuân thủ các tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật), quản lý chuỗi cung ứng (logistics)…
Chính vì vậy, để tham gia thành công hơn vào chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp cần cải thiện hơn nữa về Thương hiệu và Logistic, để người tiêu dùng biết đến và tin tưởng sản phẩm hơn, đồng thời tiếp cận đúng đối tượng khách hàng, đúng nơi, đúng lúc và đúng số lượng họ cần.