Hành trình thâu tóm sân golf của chủ doanh nghiệp có nhiều bất thường cần làm rõ.
Những quyết định chóng vánh
Sân golf Phan Thiết là đất công nhà nước cho chủ đầu tư nước ngoài thuê đất trả tiền thuê và các khoản thuế phát sinh hàng năm (100% vốn đầu tư nước ngoài). Thời gian thuê đất là 50 năm, cứ 5 năm điều chỉnh tiền thuê đất một lần. Sân golf được đưa vào hoạt động từ năm 1997.
Chủ đầu tư nước ngoài cam kết sau khi kết thúc thời gian thuê đất, họ sẽ trả lại nguyên trạng cả đất và công trình trên đất tại dự án này cho địa phương quản lý, khai thác. Một số nguyên cán bộ lãnh đạo tỉnh Bình Thuận đánh giá, từ ngày có sân golf, ngành du lịch Bình Thuận được biết đến nhiều hơn, đặc biệt là kỳ vọng phát triển thu hút nhà đầu tư vào du lịch - khi nơi đây được biết đến là mảnh đất có nhiều tiềm năng nhưng vẫn ngủ quên.
Ngày 15-11-2013, sân golf này được chuyển nhượng từ tỷ phú người Mỹ cho Công ty CP Rạng Đông. Theo giấy chứng nhận đầu tư do UBND tỉnh Bình Thuận cấp cho Công ty Rạng Đông, nêu rõ mục tiêu là “xây dựng và kinh doanh một sân golf đạt chuẩn quốc tế và các công trình phục vụ kèm theo”. Thế nhưng, nhận chuyển nhượng chưa nóng tay, ngày 24-12-2013, Công ty Rạng Đông có văn bản đề nghị chuyển đổi đất sân golf sang đất ở đô thị để phân lô bán nền.
Để hiện thực điều này, ngày 1-3-2014, Công ty Rạng Đông có thông báo chấm dứt hoạt động sân golf này kể từ ngày 1-4-2014. Như vậy, chỉ sau khoảng 4 tháng tiếp quản sân golf, Công ty Rạng Đông đã lần lượt có những động thái thâu tóm đất tại đây để chuyển sang đất ở đô thị. Điều bất thường hơn nữa, tại Quyết định số 1946/QĐ-TTg ngày 26-11-2009, sân golf Phan Thiết vẫn nằm trong quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020.
Mặc quy hoạch là vậy, nhưng ngày 5-3-2014, UBND tỉnh Bình Thuận đã có Thông báo số 75/TB-UBND kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh đồng ý đề nghị chuyển đổi mục đích sử dụng đất của Công ty Rạng Đông. Tiếp đến, ngày 23-5-2014, tỉnh Bình Thuận có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ xin đưa sân golf Phan Thiết ra khỏi quy hoạch và cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất sân golf sang xây dựng khu đô thị.
Đến ngày 28-10-2014, Thủ tướng có Văn bản số 2117/TTg-KNT đồng ý đưa sân golf Phan Thiết ra khỏi Quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020. Tuy nhiên, trước khi có ý kiến của Chính phủ, chủ đầu tư đã dừng hoạt động sân golf từ nhiều tháng.
Nhiều nghi vấn
Trước những khuất tất tại dự án chuyển đổi sân golf Phan Thiết, ông Đinh Trung, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận, đã nhiều lần có đơn tố cáo về những “bất thường” trong quá trình chuyển đổi hơn 62ha đất tại đây. Sau khi có đơn tố cáo, Thanh tra Chính phủ (TTCP) vào cuộc và đã có kết luận vào tháng 6-2019, nêu rõ: Một số nội dung tố cáo của ông Trung là có cơ sở.
Tuy nhiên, sau khi nhận kết luận của TTCP, ông Trung không đồng ý kết luận này, vì cho rằng có quá nhiều chi tiết bất thường bị bỏ qua, khiến một số nội dung tố cáo chưa được làm rõ, đặc biệt là thất thoát hàng ngàn tỷ đồng ngân sách. Vì thế, ông Trung đã liên tục có đơn phản biện lại kết quả thanh tra và kiến nghị các cấp Trung ương tiếp tục làm rõ.
Một góc sân golf Phan Thiết biến thành đô thị không qua đấu giá, đấu thầu.
Trong đơn phản biện, ông Trung chỉ ra nhiều điểm chưa được thanh tra thỏa đáng, đặc biệt là việc câu kết bỏ 20% quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội (NƠXH), tương đương 7,2ha ra khỏi dự án này. Theo ông Trung, Nghị định số 188/2013/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển và quản lý NƠXH đã chỉ rõ, tại các dự án chủ đầu tư phải dành 20% tổng diện tích đất ở trong các đồ án quy hoạch chi tiết tổng thể mặt bằng dành để xây dựng NƠXH.
Tuy nhiên, thay vì chỉ đạo cho Công ty CP Rạng Đông thực hiện nghĩa vụ đó, tỉnh Bình Thuận lại có nhiều động thái để “lách” Nghị định 188, bằng việc gửi văn bản lên Bộ Xây dựng, xin hướng dẫn để quyết “loại” 20% quỹ đất xây NƠXH ra khỏi dự án. Tại Văn bản số 906/BXD-QLN của Bộ Xây dựng ký ngày 24-4-2015, bộ này hướng dẫn Bình Thuận cho phép Công ty Rạng Đông nộp khoản tiền tương đương giá trị quỹ đất theo giá đất mà chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước để đầu tư xây dựng NƠXH tại hai khu đất khác, được UBND tỉnh chỉ định.
Phản biện hướng dẫn này, ông Đinh Trung cho rằng, Điểm a Khoản 2 Điều 6 Nghị định 188 của Chính phủ nói rõ: “Chủ đầu tư có trách nhiệm trực tiếp đầu tư xây dựng NƠXH trên quỹ đất 20% (trừ trường hợp Nhà nước thu hồi quỹ đất 20% để đầu tư xây dựng NƠXH bằng nguồn vốn ngân sách và trường hợp chủ đầu tư không có nhu cầu NƠXH thì chuyển giao quỹ đất này cho UBND cấp tỉnh nơi có dự án”.
Như vậy, việc hướng dẫn của Bộ Xây dựng là “có vấn đề”. Theo lý giải của UBND tỉnh Bình Thuận, Bộ Xây dựng là bộ quản lý nhà nước chuyên ngành xây dựng, khi địa phương có vướng mắc về pháp luật, có văn bản hỏi và sau đó thực hiện theo hướng dẫn của bộ quản lý chuyên ngành thì không quy kết UBND tỉnh làm sai được.
Tuy nhiên, ông Đinh Trung, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận, cho rằng, nếu nhà đầu tư không có nhu cầu NƠXH thì có thể giao quỹ đất 20% tương đương 7,2ha cho tỉnh và đem đấu giá thu tiền làm quỹ xây dựng và phát triển NƠXH. Nhưng việc đưa 20% quỹ đất ra khỏi dự án là vì mục đích cho doanh nghiệp hưởng lợi.
Điều này có lý bởi ngày 30-3-2015, Sở Xây dựng Bình Thuận đã có tờ trình gửi UBND tỉnh này phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết khu đô thị của Công ty CP Rạng Đông. Trong đó, sở này có đề nghị UBND tỉnh dành 20% diện tích trong dự án để xây dựng NƠXH theo quy định pháp luật.
Tuy nhiên, ngày 6-4-2015, UBND tỉnh Bình Thuận có quyết định về phê duyệt chi tiết 1/500 khu đô thị du lịch biển Phan Thiết và đã không dành 20% quỹ đất để xây dựng NƠXH, trước khi Bộ Xây dựng có Văn bản số 906/BXD-QLN ngày 24-4-2015 trả lời tỉnh Bình Thuận. Theo ông Đinh Trung, sự việc trên phải chăng UBND tỉnh Bình Thuận cố tình làm một việc đã rồi.
Ngân sách thất thoát
Dự án sân golf Phan Thiết là khu đất vàng với hai mặt giáp đường Tôn Đức Thắng và Nguyễn Tất Thành, một mặt giáp bờ biển. Theo bảng giá các loại đất trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, áp dụng từ tháng 1-2015 đến 31-12-2019, giá đất đường Nguyễn Tất Thành là 11 triệu đồng/m2, giá đất đường Tôn Đức Thắng là 14 triệu đồng/m2, giá đất trục đường ven biển là 8,4 triệu đồng/m2. Do đó, nếu 7,2ha đất nói trên được tỉnh đấu giá có thể thu về hàng trăm, thậm chí là hơn 1.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, số tiền thu được của Nhà nước cho 7,2ha đất NƠXH chỉ được tính với giá chưa tới 2,57 triệu đồng/m2. Trong khi đó, giá đất tại dự án này hiện thấp nhất là khoảng 60 triệu đồng/m2. Vì vậy, ông Đinh Trung đề nghị cần làm rõ trách nghiệm và mối quan hệ các bên trong việc làm thất thu ngân sách, khi cho phép rút quỹ đất NƠXH ra khỏi dự án.
Trong báo cáo Kiểm toán số 23/KTNN-TH ngày 12-1-2018 của Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ rõ, việc UBND tỉnh Bình Thuận cho phép Công ty TNHH KĐT Du lịch biển Phan Thiết không bố trí 72.704m2 trong dự án mà cho phép nộp tiền để thực hiện quỹ NƠXH ngoài dự án với mức thu 2.577.000 đồng/m2 là chưa phù hợp. “Trước đây, để làm được sân golf này, lãnh đạo vận động dân rất nhiều và họ cũng đồng lòng để cho tỉnh làm dự án, phát triển du lịch, kêu gọi đầu tư.
Hơn 100 hộ dân có đất phải giải tỏa, họ đã hy sinh cho tỉnh. Nay sân golf hoạt động chưa lâu đã bị đem ra phân lô bán nền, để doanh nghiệp hưởng lợi riêng. Sân golf có thể chuyển đổi, nhưng dùng vào mục tiêu xây dựng các công trình công cộng vốn dĩ đang rất thiếu thì dân đồng tình. Nay, họ lấy trọn dự án rồi còn “ăn” luôn 20% quỹ đất NƠXH, chúng tôi biết ăn nói sao với dân!”, ông Đinh Trung chua xót.
Trước những phản ánh, không đồng tình của ông Đinh Trung về kết quả thanh tra, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình mới đây đã có văn bản yêu cầu TTCP kiểm tra, rà soát lại việc chuyển đổi sân golf Phan Thiết thành khu đô thị du lịch biển; đặc biệt kiểm tra, rà soát lại vụ việc, nêu rõ căn cứ pháp lý để kết luận các nội dung phản ánh. Tập trung vào quá trình Công ty Rạng Đông ký hợp đồng nhận chuyển nhượng vốn điều lệ của Công ty golf và câu lạc bộ golf Phan Thiết. Khi chuyển mục đích sử dụng đất, tỉnh Bình Thuận đã chuyển từ hình thức cho thuê đất sang hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất để giao cho Công ty Rạng Đông, có đúng pháp luật đất đai không. |