Thí sinh đăng ký xét tuyển bằng điểm học bạ THPT vào Trường ĐH Công nghệ TPHCM
Một điều lo ngại nữa là khi lọc ảo và xác nhận nhập học sẽ có rất nhiều vấn đề nảy sinh tiếp theo mà Bộ GD-ĐT cần phải tính toán.
Bình thường hay bất thường?
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, năm nay có 616.000/941.759 thí sinh đăng ký hơn 3 triệu nguyện vọng xét tuyển đại học trên hệ thống của Bộ GD-ĐT. Trung bình mỗi thí sinh đăng ký 5,03 nguyện vọng. Như vậy, có đến hơn 325.716 thí sinh không đăng ký xét tuyển trên hệ thống của bộ.
Nhận định về con số thí sinh không đăng ký xét tuyển, PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng, Phó Hiệu trưởng Phụ trách Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, cho rằng: “Tôi nghĩ đây là con số bình thường vì mọi năm vẫn có tỷ lệ ảo tương tự hoặc nhỉnh hơn. Nguyên nhân có lẽ do thí sinh không muốn học đại học mà đi học cao đẳng, trung cấp với mức học phí phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình hơn để nhanh chóng ra trường kiếm việc làm. Ngoài ra, cũng có thể do các em chọn hướng du học. Một phần cũng không ngoại trừ các trường gọi nhập học và gửi giấy báo trúng tuyển sớm nên thí sinh không cần quan tâm đến đăng ký trên hệ thống theo quy chế của Bộ GD-ĐT”.
TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo, ĐH Quốc gia TPHCM, cho rằng: Có rất nhiều nguyên nhân để dẫn đến hơn 325.000 thí sinh không đăng ký xét tuyển trên hệ thống như: không nắm rõ quy định mới của bộ, cách thức và quy trình đăng ký phức tạp nên không đăng ký hoặc cho hướng du học, học cao đẳng, trung cấp… Để đi tìm nguyên nhân và so sánh, Bộ GD-ĐT nên có thống kê và so sánh với những năm trước đây thì sẽ rõ ràng hơn.
ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM, cho biết: Lượng thí sinh không đăng ký nguyện vọng có lẽ không muốn học đại học. Nếu đây là lựa chọn và quyết định của thí sinh thì đáng mừng vì các em biết lượng sức và biết định hướng lựa chọn bậc học và ngành nghề cho tương lai. Tuy nhiên, nếu vì nguyên nhân khác, có thể do phần mềm và chưa nắm rõ quy định xét tuyển năm 2022, thì đúng là điều bất thường và Bộ GD-ĐT cùng các trường phải hỗ trợ thí sinh.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tuyển sinh ở các trường khác lại cho rằng: Trên 35% không đăng ký xét tuyển mới chỉ là ảo bước đầu. Thống kê cho thấy mỗi thí sinh đã đăng ký trung bình có 5,02 nguyện vọng. Nếu lọc ảo, xác nhận nhập học và không đủ điểm chuẩn sẽ tiếp tục ảo bước thứ 2. Nếu con số ảo quá lớn, chắc chắn các trường sẽ tuyển sinh không đủ và cùng với việc nhập học trễ sẽ rất khó cho các trường tuyển sinh tiếp.
Các trường trông chờ bộ
Theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, quy trình xét tuyển đợt 1 sẽ được thực hiện từ ngày 1-9 đến 17 giờ ngày 15-9. Các trường sẽ lần lượt công bố điểm chuẩn, đồng thời thông báo thí sinh trúng tuyển đợt 1 trước 17 giờ ngày 17-9. Sau khi có kết quả xét tuyển đợt 1, thí sinh trúng tuyển sẽ xác nhận nhập học trực tuyến trên hệ thống. Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường không được yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học hoặc nhập học trước ngày 16-9 và không được kết thúc xác nhận nhập học hoặc kết thúc nhập học trước 17 giờ ngày 30-9.
Cùng với đó, ngày 21-8, Bộ GD-ĐT phát đi thông báo điều chỉnh thời hạn nộp lệ phí xét tuyển đã công bố trước đó với lý do “do sự cố kết nối của nền tảng thanh toán trực tuyến, nên Bộ GD-ĐT thông báo lùi lịch thí sinh thực hiện thanh toán lệ phí xét tuyển trực tuyến trên hệ thống tuyển sinh 3 ngày so với kế hoạch ban đầu”.
Nhận định về động thái này, TS Nguyễn Quốc Chính cho rằng: Điều này cho thấy phần mềm và hệ thống xét tuyển chưa thật sự ổn định. Mọi năm việc đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng đến nộp lệ phí vẫn suôn sẻ. Năm nay bộ ôm tất cả nên các trường chỉ biết bó gối trông chờ. Cùng với đó, việc kéo quá dài thời gian đăng ký xét tuyển, lọc ảo và đến tháng 10 mới bắt đầu nhập học, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch đào tạo của các trường trên cả nước. Từ nay đến khi lọc ảo, đăng ký nhập học chắc chắn sẽ có nhiều vấn đề mà Bộ GD-ĐT phải có phương án để tránh rối loạn trong lọc ảo. Đều này cũng là kinh nghiệm mà Bộ GD-ĐT cần nhìn nhận do cách làm năm nay quá vội vàng và chưa chạy thử nghiệm nên hệ thống của Bộ GD-ĐT gặp nhiều vấn đề.
PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng cho biết: “Thật sự tôi không hiểu tại sao năm nay Bộ GD-ĐT lại kéo dài quy trình đăng ký xét tuyển và điều chỉnh nguyện vọng đến vậy. Và đến thời điểm này vẫn còn tiếp tục hỗ trợ thí sinh. Việc kéo dài này sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ kế hoạch đào tạo của các trường. Mọi năm tháng 9 tân sinh viên đã nhập học thì năm nay cuối tháng 9 mới xong xét tuyển. Ít nhất cũng giữa tháng 10 mới khai giảng khóa mới. Do đó, kế hoạch đào tạo, xếp lớp, xếp lịch, giờ giảng toàn trường sẽ phải điều chỉnh cho phù hợp”.
Hỗ trợ thí sinh chưa đăng kýđược nguyện vọng trong 3 ngày Ngày 21-8, Bộ GD-ĐT thông báo, nếu có bất kỳ thí sinh nào vì lý do ngoài mong muốn mà chưa đăng ký được nguyện vọng xét tuyển vào các trường đại học, thì thông tin ngay về Vụ Giáo dục đại học qua địa chỉ mail: pvluong@moet.gov.vn từ ngày 21-8 đến 23-8. Bộ GD-ĐT cũng thông báo lùi thời hạn nộp lệ phí xét tuyển trực tuyến trên hệ thống tuyển sinh 3 ngày so với kế hoạch ban đầu. Cụ thể, lịch mở chức năng thanh toán lệ phí xét tuyển trực tuyến theo các tỉnh/thành được điều chỉnh như sau: từ ngày 24-8 đến 17 giờ ngày 29-8: Hà Nội, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Hòa Bình, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng; từ ngày 25-8 đến 17 giờ ngày 30-8: Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, TP Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kon Tum; từ ngày 26-8 đến 17 giờ ngày 31-8 dành cho thí sinh thuộc các tỉnh thành còn lại. PHAN THẢO |