Tình trạng thiếu cung đã khiến giá than ở Trung Quốc tăng cao và các nhà máy nhiệt điện than chỉ có thể tăng giá điện để đáp ứng chi phí vận hành ngày càng tăng lên tới 10%, với một phần lớn giá điện do chính phủ ấn định.
Nhưng năm ngoái, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, cơ quan lập kế hoạch kinh tế hàng đầu của đất nước, đã cấm tất cả các đợt tăng giá.
Hiệp hội Công nghiệp Điện lực Bắc Kinh cho biết trong tuần này họ đã gửi một lá thư tới Ủy ban Quản lý Đô thị thành phố Bắc Kinh kiến nghị về việc tăng giá cước. Năm công ty thành viên đã lỗ trong 7 tháng đầu năm, từ 20 triệu nhân dân tệ (3,1 triệu USD) đến 192 triệu nhân dân tệ, hiệp hội nói với tờ SCMP.
Đơn kiến nghị lặp lại một bức thư được gửi bởi 11 công ty nhiệt điện than trong lưới điện Bắc Kinh-Thiên Tân-Đường Sơn vào tháng trước, cho biết họ đang thua lỗ và sắp phá sản do giá than tăng mạnh.
Các công ty cho biết giá than đã tăng 65,3% trong tháng 7 so với một năm trước, và 56,9% trong tháng 6, trong khi giá điện tiêu chuẩn trong khu vực do chính quyền thiết lập đã giảm trong năm nay.
Một trong 11 công ty, Beijing Jingneng Power, được niêm yết trên Sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải và dịch vụ ở khu vực Bắc Kinh, đã báo cáo khoản lỗ 300 triệu nhân dân tệ trong nửa đầu năm nay so với lợi nhuận 837 triệu nhân dân tệ năm ngoái.
Các công ty cũng đề nghị chính quyền cho phép thả nổi một phần giá điện trong khu vực - tùy thuộc vào cung và cầu - và đối với các hợp đồng đã lập từ tháng 10 đến tháng 12 phải được thương lượng lại với giá điện cao hơn.
Bản kiến nghị của Hiệp hội Công nghiệp Điện lực Bắc Kinh yêu cầu những nhượng bộ tương tự.
Hôm 9-9, hợp đồng tương lai than nhiệt đã tăng gần 4% lên mức cao lịch sử 1.009 nhân dân tệ/tấn, do tình trạng thiếu hụt nguồn cung ở Trung Quốc tiếp tục đẩy giá nhiên liệu này lên cao.
Để thu hẹp khoảng cách nguồn cung, diễn ra trong bối cảnh lệnh cấm đối với than của Úc, Trung Quốc đã chuyển sang các nước xuất khẩu khác để giúp đáp ứng nhu cầu.
Bắc Kinh đã áp đặt một hạn chế không chính thức đối với than của Úc vào tháng 10 năm ngoái, ngừng nhập khẩu từ một trong những nhà cung cấp than luyện cốc lớn nhất của họ được sử dụng để sản xuất thép và than nhiệt, được sử dụng để sản xuất điện.
Cuộc khủng hoảng than của Trung Quốc bắt đầu vào mùa đông, khi việc sử dụng điện thường lên đến đỉnh điểm. Trong năm qua, thời tiết khắc nghiệt đã gây áp lực rất lớn lên lưới điện của Trung Quốc, dẫn đến một số vụ mất điện tồi tệ nhất trong nhiều năm.
Từ tháng 1 đến tháng 7, mức tiêu thụ điện vượt kỳ vọng tăng 15,6% so với cùng kỳ năm ngoái, Cơ quan Quản lý Năng lượng Quốc gia cho biết.
Sự phụ thuộc vào các nhà máy nhiệt điện than để cung cấp điện cũng đang gia tăng do công suất phát điện tại các nhà máy thủy điện ở miền Nam Trung Quốc giảm trong năm nay do lượng mưa thấp hơn.
Fitch Ratings cho biết lĩnh vực công nghiệp của Trung Quốc là đối tượng sử dụng điện chính, tiêu thụ hơn một phần ba tổng nguồn điện.