Bên dòng kênh Sậy Níu

(ĐTTCO)- Theo những người lớn tuổi sống lâu năm nơi đây cho biết, xưa kia kênh Sậy Níu tuy rộng lớn, nhưng do hai bên bờ cây sậy mọc nhiều, lấn ra sông làm dòng kênh dần thu hẹp. Cây sậy cọng to chỉ bằng ngón tay, dễ gãy không sử dụng được vào việc gì, do vậy sậy ngày càng phát triển. Chiếc tam bản chèo trên kênh rất khó khăn vì bị cây sậy vướng mái chèo, nên người dân nơi đây mới  gọi kênh Sậy Níu.

(ĐTTCO)- Theo những người lớn tuổi sống lâu năm nơi đây cho biết, xưa kia kênh Sậy Níu tuy rộng lớn, nhưng do hai bên bờ cây sậy mọc nhiều, lấn ra sông làm dòng kênh dần thu hẹp. Cây sậy cọng to chỉ bằng ngón tay, dễ gãy không sử dụng được vào việc gì, do vậy sậy ngày càng phát triển. Chiếc tam bản chèo trên kênh rất khó khăn vì bị cây sậy vướng mái chèo, nên người dân nơi đây mới  gọi kênh Sậy Níu.

Thay đổi một làng quê

Vào những năm đầu miền Nam hoàn toàn giải phóng, dọc hai bên bờ kênh Sậy Níu thuộc xã Hiệp Hưng huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang nhà cửa thưa thớt, đìu hiu. Không hề có một ngôi nhà xây tường mái ngói, toàn nhà lợp lá, xơ xác nghèo nàn. Ruộng vườn hoang vu vì những năm chiến tranh người dân bỏ làng đi tứ tán, ruộng đồng cỏ năn mọc tràn lan. Đêm về lặng lẽ, cả làng không có điện, những nhà tranh thắp đèn dầu như đom đóm lập lòe trong đêm.

Ông Bảy Chiêu là người trở về trên thửa ruộng của mình bên dòng kênh Sậy Níu khá sớm. Ông cho biết, lúc đó ruộng còn phèn nặng lắm, làm lúa thất bát liên miên, cuộc sống chủ yếu dựa vào việc đi kéo lưới, giăng câu, nhất là bẫy chuột kiếm sống đắp đổi qua ngày. Dần dần, mọi người trở về ngày một đông hơn, cùng vun xới cánh đồng thuần hơn, vườn tược thêm xanh tươi, đơm bông kết trái. Ngoài ruộng, cây cỏ năn dần biến mất, lúa vàng mùa thu hoạch trải rộng ngút ngàn. Cây sậy bấy giờ trở nên thông dụng, người dân thay nhau chặt cây sậy mọc đầy trên kênh dùng đan phên để be bờ, làm hàng rào, kể cả làm vách nhà ở tạm. Từ đó dòng kênh Sậy Níu trở nên thông thoáng, xuồng ghe qua lại dễ dàng, hàng nông sản của bà con đưa ra chợ bán thuận lợi.

Một công trình làm nức lòng dân là con kênh đào thông thương từ thị xã Ngã Bảy nối liền huyện Phụng Hiệp đến thị trấn Cây Dương, mở ra thời kỳ mới cho sự phát triển của vùng đất phèn này. Kênh đào vào năm 1981, nên bà con gọi kênh 81. Nhờ có con kênh này, cánh đồng được “rửa phèn”, bà con nông dân đã biến cánh đồng năn hoang hóa hôm nào, canh tác được một vụ lúa và một vụ mía. Vào những ngày cuối vụ mía, những chiếc ghe chài có trọng tải hàng chục tấn, chở mía khẳm lừ, xuôi ngược ngày đêm. Kênh Sậy Níu không còn vắng vẻ, ngược xuôi ghe thương hồ nhộn nhịp.

 

Trong những chuyến đò xuôi ngược, có những chuyến đò đầy nhân nghĩa của người đưa đò giàu lòng nhân ái. Vì mùa mưa đến, cả vùng Sậy Níu đường lầy lội, trơn trợt, các cháu học sinh đến trường rất vất vả, dọc đường trợt té, quần áo đầy bùn đất. Có em nhà cách trường học đến 4-5 cây số, trời còn chưa sáng đã cắp sách đến trường, gặp hôm trời mưa, đành nghỉ học ở nhà. Nhiều lúc mưa dầm, nghỉ học vài hôm không theo kịp bài học, dần dà có em nghỉ học luôn. Có hai vợ chồng người lái đò thấy vậy, bèn tự nguyện đưa các cháu đến trường mà không lấy tiền.

Chị Hồng, vợ anh Dũng là người đưa đò nghĩa tình, chị tâm sự: “Mỗi sáng sớm tôi chạy đò đến nhà rước từng cháu đưa đến trường, rồi trưa tan học, lại đón các cháu về nhà. Phụ huynh ai có khả năng thì phụ tiền xăng chút đỉnh gọi là, còn nhà nghèo thì thôi, miễn phí hoàn toàn. Cái xóm nghèo Sậy Níu này từ lâu không có ai học hành đến nơi đến chốn. Tôi thấy mình phải có trách nhiệm giúp bọn trẻ được đến trường, mai sau đỗ đạt thành tài, làm rạng rỡ cho  xóm Sậy Níu”.

Cô Trần Thị Nhung, giáo viên Trường PTCS Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, bùi ngùi: “Tôi được học hành rồi làm giáo viên cũng nhờ những chuyến đò đầy tình nghĩa đó. Nhà nghèo, đâu có tiền đi đò đến trường, nhờ cô Hồng với chú Dũng đưa đón suốt thời gian tôi học phổ thông. Làng quê Sậy Níu không chỉ thay đổi về cơ sở vật chất, mà điều quan trọng là thay đổi về tri thức con người. Chính những người đưa đò giàu lòng nghĩa nhân ấy, đã âm thầm chở văn hóa, văn minh về cho quê nhà Sậy Níu”.

Dọc hai bên kênh Sậy Níu, cứ sau vài vụ mía, vài mùa lúa là có những ngôi nhà mới mọc lên, màu ngói đỏ au, tô thêm sắc đẹp một vùng quê đang thật sự hồi sinh, người dân đã có của ăn của để.

Ông Sáu Nỗ, người có một mẫu đất đều đặn canh tác một mùa mía, một mùa lúa mỗi năm, hớn hở cho biết: “Sau mỗi mùa thu hoạch, tôi còn dư cũng vài chục triệu đồng. Niềm mong đợi lớn nhất của bà con hàng bao năm qua, nay đã thỏa niềm mong ước. Điện đã về sáng một vùng quê. Nhà nhà sắm ti vi, có nhà còn mua máy vi tính. Nhất là con đường đất trơn trợt năm nào, nay đã được tráng bê tông, xe máy chạy đầy đường làng, bất kể trời mưa hay nắng”.

Hơn thế nữa, có một nhà hảo tâm ở TPHCM là ông Huỳnh Đức Mãnh, Giám đốc Công ty tấm cách nhiệt Panel, đã tài trợ xây một cây cầu đúc cho bà con qua lại thuận lợi, các cháu đi học không còn cảnh đò giang cách trở, hàng hóa nông sản của bà con không bị thương lái ép giá. Đời sống kinh tế của bà con theo đó phát triển theo từng ngày qua.

Mùa đặt lờ, giăng lưới

Bây giờ, người dân vùng kênh Sậy Níu không những trúng mùa lúa, đạt vụ mía, mà thiên nhiên còn ưu đãi cho bà con nơi đây nguồn lợi thật dồi dào. Cứ vào tầm từ tháng 9 đến tháng 3 năm sau, đó là mùa cá mè vinh đổ về nhiều vô kể.

Một dịp tôi về Sậy Níu, theo người quen là anh Bảy Địa đi lưới cá mè vinh giữa đêm khuya. Ánh đèn giăng giăng trên dòng kênh, kéo dài đến kênh 81 lung linh và đẹp như ngày hội hoa đăng. Đó là ánh đèn trên những chiếc xuồng nhỏ của những người giăng lưới cá mè vinh. Anh Bảy Địa ngồi trước mũi xuồng, vừa thả lưới vừa giải thích với tôi: “Bây giờ con nước đang lớn, phải giăng lưới ngang, vì con cá lội xuôi theo dòng nước. Cá mè vinh thường ở trong mấy đám lúa ven bờ, cứ thả lưới theo mé kênh là chắc ăn”.

Anh Năm Ựng, một người chuyên đặt lờ, cho biết: “Cứ chiều đến, tôi chống xuồng đi đặt lờ theo từng dấu đã dự định trước. Đến nửa khuya đi thăm lờ. Cực lắm, đêm lạnh mà phải lặn ngụp dưới sông, có vất vả nào bằng”. “Nhiều người cùng giăng lưới và đặt lờ, có hôm nào... dội chợ?”, nghe tôi hỏi, Năm Ựng cười hiền lành: “Không đâu, vì cá mè vinh thuộc loại đặc sản, trở thành những món ăn ngon truyền thống của dân vùng ĐBSCL, như kho kẹo, chưng tương, chiên xù khỏi chê. Ngon nhất là làm khô. Cá đem ướp muối sơ rồi thoa lên da cá một lớp mật ong, đem phơi chừng 3-4 nắng, nướng ăn cơm hết nồi không hay, còn làm mồi nhậu lai rai thì ngon hết biết”.

Nhộn nhịp làng quê

Tôi thật không ngờ, dọc bờ kênh Sậy Níu bây giờ nhộn nhịp quá, thể hiện một sức sống sung túc của một làng quê. Anh Bảy Chiêu bây giờ mở trại mộc đóng tủ, bàn ghế, bà con trong xóm đến đặt hàng làm không kịp. Nhờ có điện, nhiều người mở xưởng làm cửa nhôm, cửa sắt, phục vụ nhu cầu xây nhà mới của bà con. Rồi tiệm sửa xe máy, cây xăng mọc lên, dáng dấp của một nông thôn mới đã bắt đầu xuất hiện. Chúng tôi ghé thăm nhà vợ chồng anh Dũng, người đưa đò nghĩa tình năm xưa, bây giờ là cơ sở sản xuất ống cống, ống lu, ống bọng…

Anh Dũng bộc bạch: “Đường sá mở mang, nhu cầu bà con làm ống bọng, ống cống rất lớn, vợ chồng tôi bỏ nghề đưa đò chuyển sang làm ống bê tông, được bà con ủng hộ hết cỡ. Với lại, hàng mình làm chất lượng, mọi người tin tưởng, đặt làm không xuể. Nhà nào cũng cần có mấy cái lu chứa nước mưa để dành xài quanh năm, ống của tôi sản xuất để làm lu chứa nước thì không ai chê vào đâu được…”.

Nắng lên cao, ông Sáu Nỗ hào sảng mời chúng tôi nán lại chơi, ông hối anh Bảy Địa nổi lửa chiên xù mấy con cá mè vinh làm mồi lai rai cho ấm lòng. Tôi nhìn mấy con cá chiên vẩy xù ra tua tủa, tỏa mùi thơm phức, mộc mạc nhưng hấp dẫn biết chừng nào, hạnh phúc có ở đâu xa. Ông Sáu Nỗ cười sảng khoái, cuộc sống của dân miền quê sông nước chúng tôi là vậy đó.

Các tin khác