Bên vung tay, bên bóp bụng

Theo xu thế tăng giá trong 2 kỳ gần đây, chắc chắn là gói bản quyền tại Việt Nam sẽ không thể dưới mức 40 triệu USD của kỳ gần nhất, bởi ngay tại Anh, bản quyền 3 mùa 2016-2019 đã tăng đến 28%, trong khi những nhà tổ chức kỳ vọng bản quyền toàn cầu sẽ tăng đến mức 48%. Như vậy, nếu người hâm mộ Việt Nam có được xem bóng đá Anh trong 3 năm tới thì đồng nghĩa đã có một nguồn ngoại tệ khổng lồ lại chảy vào túi những nhà kinh doanh bản quyền nước ngoài.
 

Thời gian mở thầu quốc tế của bản quyền truyền hình giải ngoại hạng Anh đã kết thúc và thông tin cho biết, không có đại diện nào từ Việt Nam tham gia đấu thầu. Điều này có nghĩa, bản quyền tại Việt Nam sẽ rơi vào một nhà kinh doanh quốc tế và họ sẽ tiến hành chào bán trong thời gian tới, đẩy các nhà đài tại Việt Nam vào “cuộc chiến bản quyền” như mọi lần.

Theo xu thế tăng giá trong 2 kỳ gần đây, chắc chắn là gói bản quyền tại Việt Nam sẽ không thể dưới mức 40 triệu USD của kỳ gần nhất, bởi ngay tại Anh, bản quyền 3 mùa 2016-2019 đã tăng đến 28%, trong khi những nhà tổ chức kỳ vọng bản quyền toàn cầu sẽ tăng đến mức 48%. Như vậy, nếu người hâm mộ Việt Nam có được xem bóng đá Anh trong 3 năm tới thì đồng nghĩa đã có một nguồn ngoại tệ khổng lồ lại chảy vào túi những nhà kinh doanh bản quyền nước ngoài.

Bản quyền truyền hình ngoại hạng Anh không đơn thuần chỉ là câu chuyện về thương mại, thị trường của các đơn vị kinh doanh truyền hình trả tiền tại Việt Nam, bởi số tiền bỏ ra là một con số quá lớn mà không có bài toán kinh doanh nào tính được chuyện có lãi. Số lượng kênh thể thao chỉ chiếm chưa đến 10% tổng số kênh của một đơn vị, nhưng giải ngoại hạng Anh và bóng đá nói chung lại chiếm hơn 80% chi phí mua bản quyền hằng năm, chưa kể ngân sách sản xuất các chương trình đi kèm. Trong khi đó, số thuê bao tăng nhờ bóng đá lại không đáng kể do các kênh phát sóng thường nằm trong gói cơ bản (ngoại trừ đài K+). Rất dễ nhận thấy, dù phải bỏ ra hàng chục tỷ mỗi năm cho các gói không độc quyền, nhưng chủ yếu bản quyền truyền hình giải ngoại hạng Anh chỉ để giữ thuê bao hiện có hơn là phát triển.

Liệu có nghịch lý không khi các đài truyền hình có thể bỏ ra gần 2.000 tỷ đồng trong 3 năm tới để phục vụ cho nhu cầu xem bóng đá ngoại quốc, trong lúc đó, để được Chính phủ đồng ý cho đăng cai SEA Games 2021 thì ngành thể thao chỉ “dám” đề xuất con số chưa đến 1.757 tỷ đồng, trong đó chỉ khoảng 800 tỷ để nâng cấp cơ sở vật chất vốn có giá trị sử dụng lâu dài, nâng cao sức khỏe và tinh thần cho hàng triệu người dân cũng như thúc đẩy nền thể thao nước nhà.

Tổ chức SEA Games không chỉ là một hoạt động của ngành thể thao mà còn là cơ hội không nhỏ để quảng bá hình ảnh đất nước, thế nhưng do điều kiện kinh tế vẫn còn khó khăn, ngành thể thao phải cố gắng tiết kiệm tối đa. Đương nhiên, nếu có ngân sách cao, sẽ có thêm cơ sở vật chất hiện đại, hoạt động tổ chức sự kiện sẽ phong phú, đa dạng, đặc sắc hơn, lợi ích cũng vì thế mà tăng thêm.

Đành rằng việc phát sóng bóng đá Anh trên truyền hình cũng là đem lại món ăn tinh thần cho một bộ phận người dân, là hoạt động kinh doanh của nhà đài, tuy nhiên cái đáng nói vẫn là số ngoại tệ bỏ ra để sở hữu bản quyền truyền hình là quá lớn. Số tiền đó đủ để các đài nâng cấp chất lượng hình ảnh, nội dung các chương trình giải trí khác để phát triển các thuê bao của mình khi không có bóng đá Anh. Cái lợi của các đài khi phát sóng giải ngoại hạng Anh liệu có lớn hơn những hệ lụy của nó, như việc bị các đối tác nước ngoài “nâng giá” khi đài nào cũng muốn mua độc quyền, hoặc sự bùng phát cá cược bất hợp pháp khi bóng đá đi vào từng phòng ngủ, từng hộ gia đình, trên mọi nơi khắp lãnh thổ Việt Nam.

Ở một khía cạnh khác, bỏ số tiền lớn để sở hữu bản quyền truyền hình nhưng liệu các đài truyền hình có đóng góp gì cho thể thao Việt Nam hay không? Trên thế giới, những hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực đặc thù ngoài việc phải làm nghĩa vụ thuế, còn phải có đóng góp cho lĩnh vực mình gián tiếp hưởng lợi. Tại Anh, tối thiểu 10% doanh thu từ bản quyền truyền hình của giải ngoại hạng được dành riêng cho hoạt động phát triển cơ sở vật chất và đào tạo thể thao. Về nguyên tắc, người có đam mê và chơi bóng đá chính là người có nhu cầu xem bóng đá trên truyền hình nhất. Trong khi đó tại Việt Nam, đa số các đài đang phát sóng giải ngoại hạng hầu như không đầu tư gì cho bóng đá Việt Nam, kể cả việc phát - tiếp sóng các trận đấu V-League, trong khi đa số những cổ động viên của bóng đá Việt lại chính là những khán giả quan trọng nhất của các nhà đài.

Tóm lại, có được bản quyền truyền hình thì tốt nhưng không thể bằng mọi giá và chịu sự thao túng của các đơn vị kinh doanh nước ngoài, trong bối cảnh mà ngành thể thao thì tiết kiệm tối đa nhằm đem đến cho người dân một sự kiện mà từ năm 2003 đến nay, chúng ta mới có cơ hội đăng cai.

Các tin khác