Với khối tài sản ước tính 107,6 tỷ USD và tốc độ tăng trưởng 39,1 tỷ USD mỗi năm, Bernard Arnault được mệnh danh là “ông hoàng” của ngành thời trang cao cấp và sang trọng, đưa tên tuổi Louis Vuiton trở thành thương hiệu đắt giá nhất thị trường thời trang.
Bernard Arnault lúc này mới 39 tuổi, là doanh nhân trẻ tuổi người Pháp có nhiều thành công và tham vọng. Vào năm 1984, chính phủ Pháp kêu gọi các nghiệp đoàn xã hội giải cứu một doanh nghiệp dệt may Boussac của chính phủ đang trên bờ vực phá sản. Bernard Arnault sau khi đánh giá khả năng sinh lời của Boussac đã phát hiện ra “viên ngọc quý” Christian Dior do Boussac đang nắm giữ cổ phần. Bernard Arnault nhanh chóng hợp tác cùng Lazard, một công ty tài chính có trụ sở tại Paris, mua lại toàn bộ Boussac và đưa Christian Dior trở thành “quân cờ” chiến lược phát triển.
Cạnh tranh quyền lực
Trước thời điểm Bernard Arnault trở thành CEO Louis Vuiton, công ty nằm dưới quyền điều hành của Henry Racamier, chắt rể của nhà Vuiton. Vào năm 1988, với việc mở rộng lĩnh vực kinh doanh, Henry đã thực hiện thương vụ mua lại Christian Dior do Bernard Arnault nắm giữ cổ phần lớn, và mời ông đầu tư vào Louis Vuiton để chia sẻ công tác quản lý. Nhưng Henry đã không ngờ thương vụ này lại đe dọa đến chiếc ghế cao nhất tại công ty.
Năm 1988, đồng loạt các trang bìa những tờ báo lớn nhất nước Pháp đã giật tít: “The young wolf versus the old lion” (Cuộc chiến giữa chó sói và sư tử), đưa tin về cuộc cạnh tranh chiếc ghế Chủ tịch Louis Vuiton giữa Henry Racamier và Bernard Arnault. Bernard Arnault tham gia HĐQT với tham vọng đưa Louis Vuiton trở thành thương hiệu thời trang đẳng cấp hàng đầu và duy nhất trên thế giới trong vòng 10 năm tới. Tuy nhiên tham vọng đã vấp phải sự phản đối từ CEO Henry Racamier, một người thủ cựu và lo ngại đến lợi ích của gia đình Vuiton. Bernard Arnault đã lên kế hoạch “dọn đường” và thực hiện sự thay đổi nội bộ ban lãnh đạo công ty.
Bernard Arnault đã liên minh cùng các CEO của Möet&Chandon, Hennessy vốn do Louis Vuiton nắm giữ phần lớn cổ phần từ năm 1977, cùng với “gã nhà giàu” bia rượu Guinness mua lại 24% cổ phần của Louis Vuiton với giá 1,5 tỷ USD. Trước những hành động đe dọa đó, Henry cùng gia đình Vuiton mua lại 33% cổ phiếu Louis Vuiton nhằm làm tê liệt khả năng ra quyết định của Bernard Arnault trước buổi họp mặt các cổ đông.
Bernard Arnault đích thực là “con sói” trong kinh doanh, đã dùng danh nghĩa Louis Vuiton sáp nhập Christian Dior từ Boussac vào cổ phần của ông tại Louis Vuiton, nâng mức sở hữu cổ phần của mình lên 37,5%, cùng với đó là sự hậu thuẫn từ liên minh và các mối quan hệ tốt đẹp của ông với chính phủ Pháp trước đây.
Dần dần ông trở thành cổ đông lớn nhất, có toàn quyền quyết định số phận của Henry Racamier tại HĐQT. Một bước ngoặt của cuộc chiến giữa “chó sói” và “sư tử”, Bernard đã dựng màn kịch yêu cầu cảnh sát Pháp điều tra Henry Racamier sử dụng tài sản công ty vào mục đích cá nhân. Mặc dù Henry vô tội, nhưng ông mất sự tín nhiệm của HĐQT, buộc phải về hưu sớm và giữ vị trí Phó Chủ tịch danh dự HĐQT đến cuối đời.
Thâu tóm và độc quyền
Có được toàn quyền lãnh đạo Louis Vuiton, Bernard Arnault thực hiện hàng loạt kế hoạch mở rộng quy mô đế chế LVMH. Ông tập trung tất cả các thương hiệu thời trang cao cấp tại Pháp và châu Âu dưới quyền điều hành của LVMH, tạo nên sự đồng bộ và thống nhất, nắm giữ độc quyền ngành thời trang cao cấp. Bernard sử dụng nguồn lực tài chính dồi dào của liên minh thực hiện hàng loạt thương vụ mua lại các thương hiệu thời trang đẳng cấp tại châu Âu, như Celiné, Berluti and Kenzo, Fendi, Givenchy, thương hiệu nước hoa Guerlain, Marc Jacobs, hãng mỹ phẩm Sephora…
Đến năm 2000, Tập đoàn LVMH đã trở thành thương hiệu thời trang đẳng cấp nhất trên thị trường, tổng tài sản lên 12,6 tỷ USD với hàng trăm cửa hàng trên toàn cầu. Tất cả những con đường đông đúc và các trung tâm thương mại lớn nhất thủ đô Paris đều có dấu ấn thương hiệu đẳng cấp và sang trọng của LVMH.
Louis Vuiton từ công ty gia đình, doanh thu mỗi năm chỉ vỏn vẹn 1-2 tỷ USD, đã trở thành tập đoàn thời trang LVMH đẳng cấp và sang trọng dành cho giới thượng lưu. Dù nắm trong tay nhiều doanh nghiệp thời trang lớn, nhỏ khác nhau, nhưng Bernard phân định chiến lược và mục tiêu phát triển riêng biệt, nhắm đến từng phân khúc khách hàng khác nhau, không dẫm chân và tạo động lực cạnh tranh phát triển, từ đó LVMH ngày càng giàu có hơn.
Tuy nhiên, các thương vụ thâu tóm của Bernard Arnault đã tiêu tốn khoản ngân sách cực lớn của LVMH, khiến doanh nghiệp thiếu hụt nguồn vốn đầu tư. Liên tục trong 3 năm (2000-2002), dòng tiền của LVMH suy giảm, từ 12,6 tỷ USD năm 2000, còn 10,7 tỷ USD năm 2001, và thấp nhất 6,7 tỷ USD năm 2002. Bernard Arnault đau đầu tìm hiểu nguyên nhân khiến doanh nghiệp giảm tăng trưởng mạnh.
Mở rộng thị trường
Sau khi phân tích hàng loạt báo cáo kết quả kinh doanh không như mong đợi, Bernard Arnault bắt đầu chiến dịch thanh lọc các thương hiệu kém hiệu quả, nhằm tập trung tài chính đầu tư các thương hiệu có khả năng sinh lời cao. Bên cạnh đó, với khả năng nhạy bén trên thương trường, ông tính chính xác chu kỳ tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu.
Ông cho rằng sau giai đoạn tăng trưởng yếu kém, nền kinh tế sẽ bắt đầu hồi phục. Do đó cần nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời đánh mạnh vào các chiến lược marketing và quảng cáo, đưa sản phẩm đến gần hơn với khách hàng. Bernard Arnault đầu tư mạnh vào các lĩnh vực có khả năng sinh lời cao như ngành đồng hồ.
Bernard Arnault đã đưa “ông vua” đồng hồ Jean Claude-Biver trở thành CEO của thương hiệu Hublot, tạo ra kỳ tích trong làng đồng hồ và mang về lợi nhuận bù đắp cho những thâm hụt ngân sách trước đây (xem thêm bài “Jean Claude Biver: Huyền thoại ngành đồng hồ Thụy Sĩ” trên ĐTTC ngày 26-8-2019).
Với sự nhạy bén của mình, ông mở rộng đầu tư và tăng cường sự xuất hiện của thương hiệu Louis Vuiton tại những thị trường mới nổi. Sự xuất hiện tại Nhật Bản, Trung Quốc và các nước châu Á khác đã góp phần giúp doanh thu LVMH tăng trưởng trở lại. Đến năm 2004, tổng giá trị doanh thu của LVMH đã có sự tăng trưởng khởi sắc, lần đầu tiên từ năm 2000, LVMH có được doanh thu trên 10 tỷ USD và tăng trưởng ổn định trong giai đoạn 10 năm (2004-2014).
Đến năm 2018, sự xuất hiện của hàng loạt thương hiệu đẳng cấp thế giới thuộc quyền sở hữu của LVMH tại các thị trường giàu có như Trung Quốc, Trung Đông, Singapore… đã nâng doanh thu lên đến 76 tỷ USD. Theo báo cáo mới nhất của tạp chí Fortune, doanh thu của LVMH tính đến tháng 8-2019 đã đạt 97 tỷ USD và dự kiến sẽ vượt ngưỡng 100 tỷ USD trước năm 2020.
Bernard Arnault không chỉ là một nhà đầu tư trong ngành thời trang cao cấp mà còn là một nhà sưu tầm nghệ thuật. Ông sở hữu hàng loạt các tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng và độc đáo tại tư gia, tổ chức các buổi đấu giá nghệ thuật để gây quỹ từ thiện và là nhà tài trợ cho các viện bảo tàng lớn trên thế giới. |