Con đường 14D dài 80km đến tận biên giới giống như một dải lụa mềm vắt mình qua 2 vách núi. Thi thoảng có tiếng gió lạc loài trôi qua những thân lim xanh trơ trọi dọc đường. Dưới mái hiên nhà sàn ngờm ngợp gió nơi bản nhỏ, bên những cánh rừng lá kim, tiếng chim, muông thú gọi bầy vang trong chiều sắp tắt, có những người đàn bà ngồi khâu áo cho chồng, con đợi rét.
Cô sơn nữ ngồi dệt thổ cẩm ở làng Zara nhỏ hẹp, thanh bình với những đàn bò gặm cỏ bên triền sông đầy gió. Bên kia con suối nhỏ là làng A Mó, trong tiếng nói cười lao xao có những người phụ nữ địu trên lưng nụ cười trẻ thơ với khuôn mặt vô ưu, giã gạo chuẩn bị đón mùa xuân mới đang về.
Nếu không được người gác rừng và dân địa phương giới thiệu, chúng tôi không cảm nhận được rằng đang đi giữa một khu bảo tồn thiên nhiên lớn nhất đất nước. Họ cho hay, dưới những tầng lá mục đầy các loại rắn, vắt…, còn giữa trảng cỏ tranh báo, hổ vẫn lởn vởn…
Đôi lần hốt hoảng khi thấy dấu chân hổ in đầy trên bờ sông ẩm ướt. Thi thoảng, bên những gốc si già nua, bầy khỉ ngồi đùa giỡn, bắt chí cho nhau bất ngờ biến mất tăm trước đầu xe. Ban đêm pha đèn đi trên đường còn có thể nhìn thấy gấu ngựa, chồn, heo lớn… chầm chậm băng qua góc núi.
Sau nhiều đợt khảo sát của Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) và Viện Điều tra quy hoạch rừng vào các năm 1997 và 1999, Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh (tỉnh Quảng Nam) được thành lập, phân bố trên 12 xã và 1 thị trấn thuộc Nam Giang và Phước Sơn, trải rộng trên 93.249ha vùng lõi và 108.398ha vùng đệm với độ cao từ 80m đến 2.032m.
Tính độc đáo về đa dạng sinh học của khu bảo tồn biểu hiện bởi nhiều loài được ghi nhận trong Sách đỏ thế giới và Việt Nam. Đặc biệt, chỉ riêng số lượng hổ đã có thể đủ lý do bảo tồn khu rừng này. Ở đây cũng là nơi có một số lượng lớn vào loại hàng đầu thế giới loài chà vá chân xám và vài cá thể rùa hộp Đông Dương quý hiếm.
Do núi sâu rừng thẳm, địa hình hiểm trở gây khó khăn cản trở các cuộc nghiên cứu khoa học, nên nhiều bí mật từ khu bảo tồn này đến nay chưa được phát hiện. Để bảo đảm an toàn cho chúng tôi, người gác rừng cảnh báo: Nếu không có ai chỉ dẫn, các anh đừng bao giờ vào rừng một mình, vì rất nguy hiểm và dễ lạc.
Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh. |
Về đêm, không gian rừng tạo nên cảm giác buồn khó tả. Nhân viên bảo tồn rất ít ngủ, rừng cũng thao thức. Có một thứ âm thanh rất lạ, rất khẽ lẫn trong tiếng rì rào của cây không dễ cảm nhận.
Tôi chột dạ: Hay là tiếng bước chân thú, tiếng thở của muôn loài? Người gác rừng giải thích một cách đầy bí ẩn: Đó là “tiếng của rừng” đang thông báo cho nhau những chuyện buồn vui, biến cố sau 1 ngày.
Không khó để hiểu nỗi buồn phảng phất trên khuôn mặt nhuốm màu phong trần của anh Thu - Trưởng ban quản lý rừng - và đồng sự. Niềm vui từ sự chú ý, biểu dương của các tổ chức bảo tồn quốc tế như một điển hình về hoạt động bảo tồn hiệu quả trong khi thiếu nhân lực và nguồn tài chính cũng chỉ như một cơn gió thoảng qua rừng vắng. Hàng loạt cuộc điều tra xuyên rừng được mở theo từng dự án nhỏ.
Những nỗ lực xác lập, thiết kế lại ranh giới khu bảo tồn để hạn chế “xung đột”, hướng cộng đồng địa phương cùng quản lý vùng lõi để hỗ trợ cho các hoạt động bảo tồn, tiến tới mục tiêu giảm nghèo… dường như vẫn không đủ để giữ rừng.
Khu bảo tồn được đánh giá đứng vào bậc nhất về tầm đa dạng sinh học, có mặt tất cả loài đặc hữu, đặc trưng của dãy Nam, Trung Trường Sơn và là nguồn cung cấp nước cho sông Boung và sông Đắk Mi đang bị đe dọa trước các lựa chọn phát triển không bền vững và sự xâm hại của con người khi mở rộng định cư, canh tác nông nghiệp.
Một phần diện tích trọng yếu của khu bảo tồn này đã phải “chuyển” cho khai thác vàng, 4 dự án thủy điện xây dựng trong vùng lõi - dù các hoạt động này đi ngược các quy định của Chính phủ về quản lý, bảo vệ rừng đặc dụng. Những họng súng lạnh lùng vẫn tiếp tục truy tìm dấu vết những con hổ cuối cùng. Rừng vẫn không ngớt vang động tiếng thú hoang sập bẫy.
Trên đường truy quét của nhân viên bảo tồn, nhiều khi chỉ còn nhìn thấy những bộ xương thú mục nát và nhiều lán trại còn nồng mùi khói giữa những cánh rừng thâm u. Trong khi đó, dự án bảo tồn hổ đã kết thúc từ lâu.
Một chương trình bảo tồn lớn, thực hiện bởi dự án quản lý các khu chiến lược cho bảo tồn tổng hợp (MOSAIC) cũng đã kết thúc giai đoạn 1, chờ xem xét. Và 2 năm qua, không có một dự án bảo tồn nào, dù nhỏ, được triển khai.
Giấc ngủ rồi cũng chìm giữa tiếng côn trùng râm ran, tiếng voọc lạc bầy vọng lên trong thung lũng. Chuyến khám phá cuối năm của chúng tôi chỉ là một cuộc cỡi ngựa xem hoa trước những bí ẩn tiềm tàng của đại ngàn sông Thanh.
Không kịp đón giò lan hài từ tay cư dân địa phương trước màn mưa dày đặc, chỉ còn kịp nhìn dòng sông Thanh đỏ quạch bùn đất trôi qua cầu về xuôi, mang theo tiếng thở dài của đại ngàn. Yêu và hiểu rừng đâu dễ!