Sáng 24.11, chị N. (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) vẫn còn thẫn thờ khi cho biết trong ngày 23.11, chị bị kẻ gian lừa đảo lấy mất hơn 625 triệu đồng trong tài khoản. Vụ việc đã được chị trình báo với cơ quan chức năng.
Chị N. chia sẻ: Có quá nhiều sự trùng hợp nên mình mới bị mất cảnh giác. Bản thân mình bình thường cũng không bao giờ để ý những tin nhắn rác đó nhưng vì đang chờ thông tin từ bảo hiểm xã hội nên mới bị sụp bẫy. Có thể những kẻ lừa đảo đã lập sẵn lệnh ảo để lấy cắp OTP và ngay lập tức chuyển tiền sang tài khoản ở ngân hàng khác.
Biết là việc này rất khó để lấy lại tiền nhưng mình muốn lan tỏa câu chuyện để cảnh báo mọi người, kể cả ngân hàng để xem lại vấn đề bảo mật, an toàn cho tài khoản.
Khi đưa câu chuyện của mình trên trang cá nhân, nhiều người chia sẻ nỗi buồn của chị N. và cho biết họ cũng đã liên tục gặp nhiều tin nhắn giả mạo thời gian gần đầy, nhất là giả tên các ngân hàng...
Nhiều nhà băng cũng đã liên tục cảnh báo tình trạng gửi tin nhắn mạo danh lừa đảo này. Khi khách hàng có nhận được các tin nhắn lạ mang tên ngân hàng thì không nên bấm vào đường link lạ ấy mà liên hệ trực tiếp đến tổng đài của ngân hàng để kiểm tra lại thông tin.
Tương tự, các chuyên gia bảo mật đều cho rằng khi nhận được những tin nhắn, email lạ kèm các đường link dù được gửi từ tổ chức nào thì người dùng đều phải cẩn trọng, kiểm tra lại thông tin với cơ quan, tổ chức có liên quan. Đặc biệt không nhập mã OTP, thông tin tài khoản hay làm theo yêu cầu chuyển tiền cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào để tránh bị lừa đảo.