BIDV dự kiến trích dự phòng nợ xấu 21.000 tỷ đồng trong năm 2023

(ĐTTCO) - Nội dung này được HĐQT BIDV chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 diễn ra vào ngày 28-4.
BIDV dự kiến trích dự phòng nợ xấu 21.000 tỷ đồng trong năm 2023

Trả lời câu hỏi của cổ đông về việc BIDV đánh giá như thế nào về rủi ro tín dụng và NH dự kiến trích lập dự phòng năm 2023 bao nhiêu, Chủ tịch HĐQT Phan Đức Tú, cho biết thời gian qua, tình hình kinh tế thế giới có nhiều vấn đề làm cho chính sách của nhiều nước thận trọng hơn. Dự kiến cuối năm nền kinh tế sẽ dần ổn định lại, nhưng cũng gặp một số vấn đề DN thiếu đơn hàng, tổng cầu thấp trong nước và thế giới, tỷ lệ đòn bẩy của các DN lớn, áp lực dòng tiền lớn lên. Vì vậy, NHNN đã ban hành Thông tư 02 để hỗ trợ các DN và NH.

Xu hướng nợ xấu năm 2023 có khả năng tăng hơn năm ngoái. Kế hoạch của BIDV là giữ tỷ lệ nợ xấu dưới 1,4% (năm ngoái nợ xấu ở mức 0,96%) và trích dự phòng dự kiến khoảng 20.000-21.000 tỷ đồng. Mức trích lập thấp hơn năm ngoái vì NH đã trích và xử lý tương đối cho các khoản nợ tồn đọng trong năm 2022.

Năm nay, BIDV dự kiến tăng vốn điều lệ từ 50.585 tỷ đồng lên hơn 61.557 tỷ đồng thông qua 2 phương án.

Phương án 1 là phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2021. Cụ thể, NH dự kiến phát hành gần 642 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tương ứng tỷ lệ 12,69% với mệnh giá 10.000 đồng. Nguồn vốn thực hiện từ lợi nhuận còn lại năm 2021 sau trích lập các quỹ hơn 6.419 tỷ đồng.

Phương án 2, NH tiếp tục thực hiện phương án đã được ĐHCĐ thường niên 2022 phê duyệt ngày 29-4-2022, sẽ phát hành thêm hơn 455 triệu cổ phiếu thông qua hình thức chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ.

Lợi nhuận trước thuế đề ra cho cả năm 2023 dự kiến tăng trưởng 10-15% so với mức 23.009 tỷ đồng trong năm 2022, tương đương khoảng 25.000-26.000 tỷ đồng.

Ông Lê Ngọc Lâm, Tổng Giám đốc BIDV, cũng chia sẻ với cổ đông, hết quý I-2023, tổng tài sản của NH đạt trên 2 triệu tỷ đồng; dư nợ tín dụng đạt trên 1,57 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 5%. Huy động vốn đạt trên 1,65 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 2,3%. Tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư 11 kiểm soát dưới 1,4% theo định hướng. Lợi nhuận trước thuế đạt trên 6.600 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ.

"Chúng tôi không bỏ rơi ngành bất động sản. Dư nợ cho vay bất động sản của BIDV hiện nay chiếm khoảng 2-3% tổng dư nợ. Trong đó, cho vay người mua nhà chiếm 15%, đạt 245.000 tỷ đồng. Quan điểm của BIDV là cho vay kiểm soát chứ không thắt chặt, tiếp tục tìm kiếm các dự án đủ điều kiện pháp lý, có khả năng hoàn thành dự án, có thanh khoản; tiếp tục cho vay người mua nhà đủ điều kiện, khả năng trả nợ", ông Phan Đức Tú cũng cho biết quan điểm về định vị của BIDV đối với thị trường bất động sản.

Các tin khác