Ngày 25-11, Viện Nghiên cứu phát triển tích hợp Philippines (IDSI) tổ chức hội thảo khoa học về tình hình an ninh ở Biển Đông, trong bối cảnh khu vực gần đây xuất hiện nhiều diễn biến đáng lo ngại. Gần đây nhất, Philippines cáo buộc ba tàu hải cảnh Trung Quốc (TQ) ngày 16-11 đã phun nước vào một số tàu Philippines nhằm ngăn cản các tàu này tiếp tế cho lực lượng đồn trú trái phép trên bãi Cỏ Mây (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, đang bị Philippines chiếm đóng trái phép).
Nhìn chung, quan điểm của các chuyên gia tham dự hội thảo là kêu gọi các bên giải quyết mâu thuẫn trong hòa bình, tránh để từ những xung đột nhỏ mà các bên bị lôi kéo vào cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc lớn.
Với thế giới ngày càng trở nên liên kết với nhau hơn bao giờ hết, nếu có một dạng cạnh tranh nào nên tồn tại thì đó chỉ nên là cạnh tranh kinh tế với nhau. Đây là thứ cạnh tranh duy nhất có thể đem lại lợi ích cho tất cả các bên, thay vì kiểu đụng độ quân sự một mất một còn và thiệt hại về nhiều mặt.
TS GEORGE SIY, Viện Nghiên cứu phát triển tích hợp Philippines
Ngoại giao vẫn là công cụ tốt nhất
TS Rommel Banlaoi, Chủ tịch Viện Nghiên cứu hòa bình, bạo lực và khủng bố Philippines (PIPVTR), nhận định vụ việc ở bãi Cỏ Mây không chỉ phản ánh bất đồng sâu sắc giữa hai bên lãnh đạo TQ và Philippines, mà còn cho thấy một điều đáng ngại hơn là dường như các nước tranh chấp ở Biển Đông vẫn chưa thực sự tận dụng các công cụ ngoại giao để giải quyết khác biệt.
“Đây không phải là lần đầu tiên hai bên đụng độ nhưng đáng lẽ một vụ việc không nên lặp lại như vậy nữa, nhất là khi các bên đã nhiều lần cam kết đối thoại tích cực” - ông Banlaoi nhận định về vụ việc.
Ông Banlaoi cũng cho rằng việc viện đến vũ lực sẽ tạo ra tiền lệ xấu cho khu vực, khiến các nước đi vào lối mòn tư duy chính sách rằng chỉ có chạy đua vũ trang mới giúp bảo vệ được lợi ích của mình ở Biển Đông. Chưa kể, các bên có ý đồ xấu lại càng có động cơ sử dụng vũ lực để giành lấy quyền lợi không chính đáng. Điều này về lâu dài không có lợi cho hòa bình, an ninh Biển Đông và đi ngược lại với nguyện vọng phát triển của khu vực.
Đồng quan điểm, TS George Siy, Giám đốc IDSI, nhấn mạnh ngoại giao là biện pháp giải quyết mâu thuẫn phù hợp nhất cho tình hình Biển Đông và cũng mang lại nhiều kết quả khả quan nhất.
Tàu cảnh sát biển Mỹ và Philippines trong một đợt tập trận chung ở Biển Đông. Ảnh: AP
Lấy vụ đụng độ ở bãi Cỏ Mây làm ví dụ, theo ông Siy, chính sự trao đổi kịp thời, thẳng thắn giữa chính quyền Philippines và TQ đã giúp vụ việc được giải quyết nhanh chóng, kết quả là tàu Philippines có thể nối lại hoạt động tiếp tế vài ngày sau đó. Cùng với đó, việc Philippines nỗ lực vận động sự ủng hộ từ cộng đồng quốc tế, với nhiều nước như Mỹ, Liên minh châu Âu, Canada đồng loạt lên tiếng phản đối, khiến TQ chịu sức ép mà không có ý định leo thang thêm.
“Quan trọng ở đây là Philippines và cả ASEAN phải nhận thức rằng chúng ta không đơn độc, cộng đồng ngoài khu vực đang ủng hộ chúng ta. Việc TQ muốn duy trì tình trạng thiếu thống nhất trong nội bộ ASEAN liên quan tranh chấp Biển Đông là cách họ cắt đi lợi thế này. Ngoại giao đúng, đủ và rõ ràng với TQ và thế giới là cách tốt nhất để vừa tranh đấu cho quyền lợi vừa tránh xung đột vô ích” - ông Siy nhấn mạnh.
ASEAN phải giữ thế trung lập
GS Anna Malindog, Giám đốc tổ chức Nhân dân vì dân chủ và phát triển Philippines (PPDD), nêu ý kiến rằng dù các nước ASEAN cần sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế trong nỗ lực đấu tranh chủ quyền với TQ song cũng cần phải luôn giữ được thế trung lập của mình. Các vấn đề Biển Đông hiện nay diễn ra song song với cuộc cạnh tranh quyền lực Mỹ - Trung cũng đang trong giai đoạn căng thẳng, cả Washington lẫn Bắc Kinh đều đang ra sức lôi kéo các nước khác vào quỹ đạo của mình, trong đó có ASEAN.
Theo GS Malindog: “ASEAN cần cẩn trọng để không bị đưa vào thế phải chọn phe, khiến tranh chấp Biển Đông bị biến thành một bộ phận của sự cạnh tranh quyền lực Mỹ - Trung. Những nước lớn khác cũng đang can thiệp và quan tâm nhiều hơn tới Đông Nam Á, nên giữ được thế trung lập là cách để ASEAN tập trung vào các vấn đề liên quan trực tiếp tới khu vực mà không bị chi phối”.
Nhiều ý kiến cho rằng ASEAN phải dứt hoàn toàn khỏi ảnh hưởng của TQ và đón nhận sự hiện diện của Mỹ thì mới có thể giải quyết thành công vấn đề Biển Đông nhưng GS Malindog không đồng tình. TQ và ASEAN quá gần nhau nên ảnh hưởng là không thể tránh khỏi, hơn nữa quan hệ hai bên trên lĩnh vực kinh tế những năm gần đây tương đối khả quan. Tại hội nghị cấp cao đặc biệt kỷ niệm 30 năm quan hệ ASEAN - TQ hôm 22-11, hai bên đã nhất trí nâng cấp quan hệ song phương lên mức đối tác chiến lược toàn diện, bên cạnh các cam kết của TQ về thúc đẩy thương mại tự do hai chiều.
“Nói như vậy để nói không phải mọi thứ liên quan tới TQ đều bất lợi, chúng ta có thể cân bằng giữa đấu tranh chủ quyền và hợp tác kinh tế cùng phát triển. Mỹ bàn nhiều về hợp tác với các nước ASEAN nhưng chắc chắn vẫn sẽ chậm hơn TQ về khoản này. Chỉ khi đứng giữa hai bên thì chúng ta mới có thể đánh giá rõ ràng thiệt hơn khi chọn đối tác như vậy và đưa ra quyết định phù hợp nhất” - GS Malindog khẳng định.•
Cần nhanh chóng hoàn tất đàm phán COC
TS Rommel Banlaoi nhấn mạnh khu vực Biển Đông hiện nay thiếu vắng các công cụ pháp lý hiệu quả để giải quyết tranh chấp giữa các nước. Hiện phần lớn các nước khi gặp vấn đề đều chỉ viện dẫn Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) và kêu gọi thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), tuy nhiên UNCLOS lại không thống nhất về cách diễn giải, trong khi DOC không có tính ràng buộc.
“Tình hình lúc này yêu cầu phải đẩy nhanh tiến độ đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). TQ và ASEAN kỳ vọng sẽ hoàn thành thỏa thuận COC vào khoảng năm sau - nhân 20 năm ngày ký DOC. Tuy nhiên, quan trọng vẫn là nội dung của nó phải thực chất và giúp các bên giải quyết hiệu quả bất đồng và có tính ràng buộc pháp lý cao” - ông Banlaoi nói.