Tuy nhiên, trong một báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) thu hút nhiều sự quan tâm của các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách và các học giả có tên là “Triển vọng Kinh tế Toàn cầu”, phiên bản tháng 6-2021, thì các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển (EMDEs) sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc phục hồi nền kinh tế. Liệu Việt Nam nằm trong nhóm này có vượt lên như kỳ tích năm 2020?
Phục hồi không giống nhau vì giàu nghèo
Theo ước tính của WB, tốc độ tăng GDP trung bình toàn cầu năm 2021 sẽ là 5,6%, là mức cao nhất trong vòng 80 năm trở lại đây. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này sẽ khó duy trì được do mức sụt giảm của năm trước đó quá cao.
Các nước trong nhóm giàu và phát triển mặc dù bị thiệt hại nhiều trong năm 2020, nhưng với nguồn lực tài chính và hạ tầng y tế tốt, đã nhanh chóng triển khai vaccine và do đó triển vọng phục hồi rất rõ ràng.
Ngay cả ở một số nước, khi biến thể virus mới làm tăng lại tốc độ lây nhiễm thì số trường hợp cần điều trị tích cực hay tử vong cũng trong tầm kiểm soát.
Trong khi đó các nước đang phát triển và nghèo phải chống chọi với các biến thể mới, và nguồn lực khó giúp họ trường kỳ kháng chiến được. Trường hợp bị vỡ trận như Ấn Độ và một số nước Bắc Phi mới đây cho thấy vaccine và hạ tầng y tế là những yếu tố then chốt để phòng chống dịch, mà 2 cái này đều cần phải có nguồn lực tài chính.
Các công ty sản xuất vaccine luôn ưu tiên cho các hợp đồng đã ký trước, đến lúc này có tiền cũng chưa chắc có được vaccine ngay.
Nhóm các nước EMDEs được dự báo sẽ tăng trưởng 6% trong năm 2021, trong đó có đầu kéo là Trung Quốc với 8%.
Nếu không tính Trung Quốc thì tốc độ tăng trưởng của nhóm này chỉ còn 4,4%, và đặc biệt nhất khoảng 40% các nước phải đánh giá lại tốc độ tăng trưởng dự tính trước đó theo hướng tiêu cực hơn, nghĩa là tốc độ GDP sẽ thấp hơn công bố trước đó.
Điều bất ngờ đối với cả thế giới, đặc biệt các nước EMDEs là các biến thể của virus. Vì chưa có điều kiện để thực hiện vaccine trên diện rộng nên khi tỷ lệ lây nhiễm tăng nhanh, áp lực lên hệ thống y tế rất lớn. Để ngăn chặn phải thực hiện giãn cách xã hội, mà giãn cách kinh tế lại èo uột hơn. Cho nên nếu muốn duy trì cả hai là một điều quá khó nếu nói là không thể.
Nhóm các nước EMDEs còn bị một mối đe dọa khác là khi các nước phát triển phục hồi, các chính sách tiền tệ và tài khóa hỗ trợ sẽ bị tiết giảm, lãi suất sẽ điều chỉnh tăng và do đó chi phí vay sẽ tăng theo.
Cơ hội tăng trưởng tốt hơn ở các nước phát triển giai đoạn này trong bối cảnh các nước EMDEs phải xoay sở với Covid-19 cũng sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến dòng vốn quốc tế.
Đe dọa của lạm phát ảnh hưởng đến EMDEs
Đe dọa của lạm phát ảnh hưởng đến EMDEs
Với chính sách tiền rẻ bơm vào dồi dào để hỗ trợ nền kinh tế, nên khi Covid-19 có dấu hiệu kiểm soát được thì lạm phát cũng phát tín hiệu trở lại đường đua, khi các nước phát triển mở cửa dần dần nền kinh tế của mình.
Các ngân hàng trung ương cũng không ngại ngần thừa nhận lạm phát sẽ tăng, và lộ trình tăng lãi suất dự kiến cũng đã được công bố.
Nhưng lạm phát ở các nước phát triển tăng không chỉ đến từ phía cầu. Nghĩa là trong giai đoạn giãn cách, thu nhập của phần lớn người lao động cũng không bị ảnh hưởng nhiều vì các chương trình trợ giúp của chính phủ.
Điều này khiến cho tỷ lệ tiết kiệm tăng vọt và nhu cầu chi tiêu tăng vọt khi mở cửa trở lại. Nhu cầu chi tiêu của một số nhóm dân cư như bị kìm nén, chỉ chờ bật lại mạnh như một cái lò xo.
Lạm phát ở các nước phát triển tăng cũng bởi vì yếu tố nguồn cung bị ảnh hưởng nặng do Covid-19. Nhiều chuỗi cung ứng bị đứt gãy khiến cho chi phí hàng hóa tăng đột biến, nguồn hàng hay nguyên liệu bị thiếu hụt.
Thêm vào đó, nguồn cung lao động của một số ngành đã không quay lại sau thời gian nghỉ việc do Covid-19 như lĩnh vực nhà hàng ăn uống, dịch vụ. Điều này khiến cho nhu cầu tuyển dụng cũng tăng đột biến, chi phí lương tăng và dĩ nhiên cuối cùng là đưa và giá thành sản phẩm dịch vụ, và mặt bằng giá sẽ phải bị điều chỉnh tăng.
Với các nước phát triển, sau một thời gian dài lạm phát thấp, thì một sự thay đổi nhỏ cũng là rất đáng kể, từ 2% lên 2,1%, nhưng nhìn vậy chứ đã tăng 5% về con số tương đối. Như vậy áp lực lạm phát từ các nước phát triển cũng là áp lực của các nước EMDEs. Mà chưa kể ngay bản thân nội tại các nền kinh tế này cũng đã có nhiều nguy cơ lạm phát tăng, trên nền tảng lạm phát cũng ở mức tương đối trước đó.
Nguồn: Global Economic Prospects – Worldbank June 2021; e: ước tính; f: dự đoán
Góc nhìn về Việt Nam
Đối với các nước đang phát triển, hoạt động xuất nhập khẩu là một trụ cột quan trọng của nền kinh tế. Ngay cả các nước có giá trị thặng dư xuất khẩu thấp nhưng kim ngạch hai chiều lớn cũng đóng góp nhiều cho GDP, vì các tương tác nội sinh của nó, như Việt Nam là một thí dụ. Và chi phí của các hoạt động ngoại thương đang là một vấn đề lớn của các nước này.
Theo ước tính của các chuyên gia, thuế quan chỉ chiếm 1/14 tổng chi phí thương mại, và phần lớn còn lại là nằm ở logistics, vận tải, hành chính và tham nhũng. Chính vì vậy mà nhiều mặt hàng khi bán sang các nước khác, chi phí gấp đôi so với bán ở nội địa. Và khi chi phí tăng dĩ nhiên giảm sức cạnh tranh của hàng hóa, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp bản địa. Và đây cùng với tư tưởng bảo hộ mậu dịch là một rào cản lớn của toàn cầu hóa.
Việt Nam dự kiến tăng trưởng 6-6,5%, và cũng muốn giữ mục tiêu kép là vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế. Song với khả năng tiếp cận vaccine và hạ tầng y tế hiện nay trong bối cảnh biến thể của virus, rõ ràng là không thể nếu không chấp nhận một tỷ lệ lây nhiễm cao hơn, và hỗ trợ mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn cho doanh nghiệp và người dân.
Trong trường hợp cần thiết, việc điều chỉnh tốc độ tăng trưởng có thể là thấp hơn, nhưng đó cũng là cách để dưỡng sức cho nền kinh tế trong những năm về sau.