BigTech ảm đạm đè nặng phố Wall; Dầu chấm dứt chuỗi 3 phiên giảm liền

(ĐTTCO) - Chứng khoán Mỹ bị bán tháo vào thứ Tư (24/7), chịu áp lực bởi báo cáo lợi nhuận ảm đạm từ 2 công ty công nghệ vốn hoá lớn. Trong khi đó, các hợp đồng dầu thô tương lai phục hồi, chấm dứt chuỗi 3 phiên giảm liền, khi dự trữ giảm, nhu cầu xăng tăng và tình trạng cháy rừng ở Canada làm tăng nguy cơ gián đoạn nguồn cung.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc
BigTech ảm đạm đè nặng phố Wall; Dầu chấm dứt chuỗi 3 phiên giảm liền

S&P 500 và Nasdaq ghi nhận phiên tồi tệ nhất kể từ năm 2022

Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số S&P 500 mất 2.31% xuống 5,427.13 điểm, chỉ số Nasdaq Composite sụt 3.64% còn 17,342.41 điểm. Chỉ số Dow Jones lao dốc 504.22 điểm, tương đương 1.25%, xuống 39,853.87 điểm.

Cổ phiếu Alphabet bốc hơi 5%, đánh dấu phiên giảm mạnh nhất kể từ ngày 31/01/2024, khi cổ phiếu này sụt giảm 7.5%. Mặc dù Alphabet báo cáo doanh thu và lợi nhuận vượt kỳ vọng, doanh thu quảng cáo trên Youtube vẫn thấp hơn dự báo. Trong khi đó, cổ phiếu Tesla trượt dài 12.3%, chứng kiến phiên giảm mạnh nhất kể từ năm 2020, do kết quả kinh doanh yếu hơn dự báo và doanh thu ô tô giảm 7% so với cùng kỳ năm trước.

Các cổ phiếu công nghệ lớn khác cũng giảm cùng với Tesla và Alphabet. Cổ phiếu Nvidia và Meta Platforms lần lượt rơi 6.8% và 5.6%, còn cổ phiếu Microsoft mất 3.6%.

Những báo cáo đó đánh dấu cái nhìn đầu tiên của nhà đầu tư về tình hình hoạt động của các công ty vốn hoá lớn trong quý 2. Báo cáo lợi nhuận từ những công ty này được Phố Wall đặc biệt quan tâm vì nhóm nhỏ này chịu trách nhiệm về phần lớn đà tăng trong năm nay.

Đợt bán tháo vào thứ Tư là do cơn bão hoàn hảo của thị trường quá mua (overbought market), yêu cầu lợi nhuận cao và giai đoạn cổ phiếu suy yếu theo mùa. Đó là lý do tại sao đợt giảm điểm này không gây ngạc nhiên hoàn toàn cho nhà đầu tư.

Chỉ số vốn hoá nhỏ Russell 2000 giảm 2.1% vào thứ Tư. Tuy nhiên, từ đầu tháng đến nay, chỉ số này đã nhảy vọt 7.2% khi nhà đầu tư gần đây bắt đầu chuyển từ các cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn sang những cổ phiếu nhỏ hơn. Vào tháng 7, Dow Jones tiến 1.9%, S&P 500 hạ 0.6% và Nasdaq Composite giảm 2.2%.

Bất chấp những thất bại từ các gã khổng lồ công nghệ vốn hoá lớn, mùa báo cáo lợi nhuận nhìn chung đã có khởi đầu thuận lợi. Hơn 25% công ty thuộc S&P 500 đã báo cáo kết quả kinh doanh quý 2, với khoảng 80% trong số này có kết quả vượt kỳ vọng, theo dữ liệu từ FactSet.

Góp phần làm tăng lo ngại của nhà đầu tư vào sáng thứ Tư là dữ liệu sản xuất yếu hơn dự báo của Mỹ.

Cụ thể, chỉ số sản lượng sản xuất chớp nhoáng PMI của Mỹ giảm xuống 49.5 trong tháng 7, bất ngờ rơi vào vùng thu hẹp do số lượng đơn đặt hàng mới, sản lượng và dự trữ đều giảm. Các chuyên gia kinh tế đã dự báo chỉ số này đạt mức 51.5, theo Dow Jones.

Báo cáo hôm thứ Tư cũng cho thấy doanh số bán nhà ở mới thấp hơn so với dự báo trong tháng 6.

Thị trường dầu đảo chiều khởi sắc

Hôm thứ Tư, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết dự trữ dầu thô tại Mỹ sụt 3.7 triệu thùng và dự trữ xăng giảm 5.6 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 19/07/2024. Nguồn cung xăng cho thị trường, một chỉ báo đại diện cho nhu cầu, tăng 673,000 thùng/ngày.

Khép phiên, hợp đồng dầu WTI tiến 63 xu, tương đương 0.82%, lên 77.59 USD/thùng. Còn hợp đồng dầu Brent thêm 70 xu, tương đương 0.86%, lên 81.71 USD/thùng.

Trong khi đó, cháy rừng tiếp tục hoành hành ở Alberta. Mặc dù sản lượng dầu của Canada vẫn ổn định, nhưng mùa cháy rừng tồi tệ nhất vẫn còn ở phía trước và có thể gây rủi ro cho nguồn cung, Goldman Sachs lưu ý.

Dầu WTI đã giảm gần 2% hôm 23/07, giảm phiên thứ 3 liên tiếp, trong bối cảnh có hy vọng mới rằng các cuộc đàm phán ngừng bắn ở Gaza có thể làm giảm căng thẳng ở Trung Đông và do nhu cầu xăng tại Mỹ phần lớn gây thất vọng từ đầu mùa hè đến nay.

Các tin khác