BigTech dẫn đầu đà tăng trên Phố Wall

(ĐTTCO) - Chỉ số S&P 500 tăng điểm vào 21-7, khi sự lạc quan về báo cáo lợi nhuận lấn át mọi lo ngại của nhà đầu tư về những diễn biến mới nhất trong thương mại. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc
BigTech dẫn đầu đà tăng trên Phố Wall

S&P 500 vượt ngưỡng 6.300 điểm lần đầu tiên

Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số S&P 500 tiến 0,14% lên 6.305,60 điểm, đánh dấu lần đầu tiên chỉ số này khép phiên trên mốc 6.300 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite nhích 0,38% lên 20.974,17 điểm, ghi nhận mức đóng cửa cao kỷ lục mới.

Cả 2 chỉ số này đều chạm mức cao mọi thời đại mới trong phiên vào đầu phiên, được hỗ trợ bởi đà tăng của các cổ phiếu công nghệ lớn như Meta Platforms và Amazon.

Chỉ số Dow Jones sụt 19,12 điểm, tương đương 0,04% xuống 44.323,07 điểm.

Điều này diễn ra trong bối cảnh mùa báo cáo lợi nhuận đang có khởi đầu mạnh mẽ. Cổ phiếu Verizon nhảy vọt 4% sau khi công bố lợi nhuận quý 2-2025 vượt kỳ vọng, tạo sự phấn khích rằng các báo cáo khác cũng sẽ có kết quả mạnh mẽ.

Công ty này gia nhập danh sách 62 công ty thuộc S&P 500 đã công bố kết quả kinh doanh cho đến nay. Trong số đó, có hơn 85% số công ty có kết quả vượt kỳ vọng, theo dữ liệu từ FactSet. Lợi nhuận quý 2-2024 cũng đang tăng trưởng 5% so với cùng kỳ năm trước sau tuần công bố báo cáo lợi nhuận đầu tiên.

Alphabet là một cái tên nổi bật trong phiên, tăng hơn 2% trước khi công bố kết quả kinh doanh vào ngày 23-7. Cái tên này, cùng với Tesla là những công ty đầu tiên trong nhóm “Magnificent Seven” chuẩn bị báo cáo lợi nhuận có thể thúc đẩy các chỉ số chính nếu có kết quả tốt hơn dự báo. Cổ phiếu Tesla khép phiên với mức giảm nhẹ.

Các công ty vốn hoá lớn dự kiến sẽ là động lực chính cho tăng trưởng lợi nhuận trong mùa báo cáo lợi nhuận quý 2-2024, và ông John Butters của FactSet dự kiến nhóm “Magnificent Seven” sẽ công bố mức tăng trưởng lợi nhuận 14% trong quý 2-2025 so với 493 công ty khác thuộc S&P 500, vốn được dự đoán chỉ tăng trưởng 3,4%.

Niềm tin vào một mùa báo cáo lợi nhuận lạc quan diễn ra ngay cả khi Nhà Trắng tái khẳng định lập trường về thuế quan vào cuối tuần qua. Vào ngày 20-7, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick đã gọi ngày 1-8 là “hạn chót cứng” đối với các quốc gia bắt đầu đáp trả thuế quan, mặc dù ông cũng nói thêm rằng “không gì có thể ngăn cản các quốc gia đàm phán với chúng ta sau ngày 1-8”.

Châu Âu áp lệnh trừng phạt mới với Nga

Kết phiên, hợp đồng dầu Brent lùi 7 xu xuống 69,21 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI mất 14 xu còn 67,20 USD/thùng.

Liên minh châu Âu (EU) vào hôm 18-7 đã thông qua gói trừng phạt thứ 18 đối với Nga liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine, cũng nhắm vào công ty Nayara Energy của Ấn Độ, một nhà xuất khẩu các sản phẩm dầu được tinh chế từ dầu thô Nga.

John Kilduff, đối tác tại Again Capital, nhận định: “Thị trường hiện tại cho rằng nguồn cung vẫn sẽ được đưa ra thị trường theo cách này hay cách khác, không có quá nhiều lo ngại”, Người phát ngôn Điện Kremlin, Dmitry Peskov, cho biết vào cùng ngày rằng Nga đã xây dựng được khả năng miễn dịch đối với các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Các lệnh trừng phạt của EU được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tuần trước đe dọa áp đặt lệnh trừng phạt đối với những người mua hàng xuất khẩu của Nga trừ khi Nga đồng ý ký kết một thoả thuận hoà bình trong vòng 50 ngày.

Các chuyên gia phân tích ING cho biết một phần của gói trừng phạt có thể có hiệu lực là lệnh cấm nhập khẩu của EU đối với các sản phẩm tinh chế được chế biến từ dầu của Nga tại các nước thứ 3, dù ING cho biết lệnh này khó có thể giám sát và thực thi.

Iran, một nhà sản xuất dầu mỏ khác bị trừng phạt, dự kiến sẽ tổ chức các cuộc đàm phán hạt nhân với Anh, Pháp và Đức tại Istanbul vào ngày 25-7, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Iran cho biết vào thứ Hai. Động thái này diễn ra sau cảnh báo của 3 nước châu Âu rằng việc không nối lại đàm phán sẽ dẫn đến việc áp đặt lại các lệnh trừng phạt quốc tế đối với Iran.

Tại Mỹ, số lượng giàn khoan dầu đang hoạt động giảm 2 giàn còn 422 giàn trong tuần trước, mức thấp nhất kể từ tháng 9-2021, theo dữ liệu của Baker Hughes.

Trong khi đó, thuế quan của Mỹ đối với hàng nhập khẩu từ EU dự kiến sẽ có hiệu lực vào ngày 1-8, mặc dù Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick vào hôm 20-7 cho biết ông tin tưởng Mỹ có thể đạt được một thoả thuận thương mại với khối này.

Thuế quan của Mỹ có thể gây bất lợi cho nhu cầu dầu và hoạt động kinh tế. Mặc dù lo ngại về thuế quan tiếp tục gây thêm áp lực trước thời hạn ngày 1-8, nhưng dữ liệu dự trữ dầu thô có thể sẽ hỗ trợ phần nào nếu dữ liệu cho thấy nguồn cung khan hiếm.

Các tin khác