Nghịch lý cung - cầu
Cùng với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội khá nhanh, nhu cầu về nhà ở dành cho người dân và các chuyên gia làm việc tại thị xã Tân Uyên ngày một tăng cao. Thực tế, nhu cầu về nhà ở của người nước ngoài đang làm việc tại Bình Dương nói chung và ở Tân Uyên nói riêng rất lớn. Song nghịch lý ở chỗ, nguồn cung về nhà ở đạt tiêu chuẩn chất lượng cao lại rất ít.
Tại cuộc họp mới đây, HĐND tỉnh Bình Dương đã thông qua Đề án đề nghị công nhận thị xã Tân Uyên lên đô thị loại III. Kết quả này sẽ là đòn bẩy để kinh tế - xã hội của thị xã tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, theo đánh giá chung, thị xã Tân Uyên vẫn còn 4 tiêu chuẩn chưa đạt điểm tối thiểu của đô thị loại III.
Trong đó có 2 tiêu chuẩn về diện tích sàn nhà ở bình quân và đất xây dựng các công trình dịch vụ công cộng đô thị. Trong khi với người dân và các chuyên gia sinh sống và làm việc ở đây, chất lượng cuộc sống ngày được nâng cao, không chỉ đơn thuần mong muốn sở hữu nhà ở mà kèm theo đó là sự an toàn, cùng với những tiện ích đáp ứng các nhu cầu từ vui chơi, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, mua sắm…
Theo đánh giá của các công ty nghiên cứu thị trường, trên địa bàn Tân Uyên có rất nhiều nhà đầu tư triển khai dự án trong các KCN để phục vụ nhu cầu nhà ở cho người nhập cư, các chuyên gia làm việc trên địa bàn. Tuy nhiên, các dự án trên chủ yếu tập trung ở phân khúc bán đất nền, còn lại những khu đô thị, khu dân cư đạt tiêu chuẩn với những dịch vụ tiện ích, vui chơi rất hiếm.
Anh Trần Gia Bảo, quản lý một công ty may mặc ở Tân Uyên, cho biết sau những năm tháng ở nhà trọ, nay vợ chồng anh đã có thu nhập ổn định và muốn tìm kiếm một chốn an cư cho gia đình. Vợ chồng anh đã đi rất nhiều dự án dân cư trong các KCN trên địa bàn, nhưng vẫn chưa tìm được nơi ở thích hợp.
Chờ luồng gió mới
Chờ luồng gió mới
Tính lũy kế đến tháng 3-2018, Bình Dương có 31 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký, đứng thứ 2 toàn quốc chỉ sau TPHCM. Điều này đã kéo theo hàng ngàn chuyên gia và lao động nước ngoài đến làm việc tại Bình Dương. Nắm bắt được nhu cầu này, thời gian gần đây hàng loạt doanh nghiệp (DN) BĐS trong và ngoài nước đã về Bình Dương đầu tư các dự án nhà ở đạt tiêu chuẩn cao nhưng mức giá khá hợp lý. Không chỉ DN trong nước, các DN nước ngoài cũng đổ vốn về Bình Dương rất lớn để đầu tư các khu đô thị, như Tập đoàn Setia của Malaysia đầu tư khu đô thị Eco Xuân, Tập đoàn Tokyu rót hàng tỷ USD vào Tập đoàn Becamex để đầu tư khu Sora Gardens…
Hiện nay thị xã Tân Uyên đang tập trung bố trí vốn đầu tư, đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm, để bảo đảm cho thị xã đạt chuẩn các tiêu chí đô thị loại III trong năm 2018. Theo đó, nâng cấp, mở rộng đường ĐH 425 (đường 30-4), Bệnh viện Đa khoa thị xã quy mô 200 giường, tuyến phố đi bộ phường Uyên Hưng (đoạn từ cây xăng Uyên Hưng đến Trung tâm Thế giới di động), đường ĐH 406, Công viên Uyên Hưng, các công trình chỉnh trang đô thị…
Bên cạnh đó, thị xã hoàn chỉnh quy hoạch khu vực phát triển Uyên Hưng, tạo động lực thu hút đầu tư phát triển đô thị theo đúng định hướng; tiếp tục hoàn thiện các thủ tục để mời gọi đầu tư theo hình thức xã hội hóa các công trình trọng điểm, tạo điểm nhấn phát triển kinh tế - xã hội cũng như tạo sức lan tỏa để phát triển, thu hút đầu tư. Trong đó, việc phát triển các dự án nhà ở đạt tiêu chuẩn cho người dân và chuyên gia sẽ là mục tiêu quan trọng.
Theo đánh giá của giới đầu tư, mặc dù thị trường BĐS Bình Dương nói chung và Tân Uyên nói riêng vẫn đang có đà phát triển khá tốt, nhưng người dân vẫn chưa quen với việc vào sinh sống trong những tòa nhà căn hộ cao cấp, họ chủ yếu ở nhà có đất riêng lẻ. Nhưng với sự tiên phong của những nhà đầu tư xây dựng, các dự án khu nhà ở đạt chuẩn được đầu tư bài bản và đầy đủ các tiện ích cho cuộc sống của người dân sẽ đánh trúng điều khách hàng đang cần ở các khu vực này.