Bình Phước: Phát triển hạ tầng, cải thiện môi trường đầu tư

(ĐTTCO) - Năm 2023, dù gặp nhiều khó khăn do tình hình chung ở trong nước và thế giới, nhưng Bình Phước vẫn đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện trên nhiều lĩnh vực, góp phần tạo đà cho việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của năm 2024 và những năm tiếp theo.

Năm mới 2024, tỉnh đề ra nhiều giải pháp, quyết tâm vượt qua khó khăn, thực hành đổi mới sáng tạo để từng bước thực hiện khát vọng xây dựng Bình Phước giàu mạnh, văn minh và hiện đại.

Tăng trưởng kinh tế đứng đầu Đông Nam bộ

Trong bối cảnh tình hình thế giới biến động nhanh, phức tạp, khó lường, ngay những tháng đầu năm 2023, UBND tỉnh Bình Phước tiếp tục đổi mới phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành theo hướng sâu sát, quyết liệt, làm rõ trách nhiệm; bám sát các định hướng, giải pháp trong nghị quyết về nhiệm vụ của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và chỉ đạo của Chính phủ để chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Kết quả, Bình Phước đã có 17/22 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra, kinh tế tiếp tục có tốc độ tăng trưởng khá; sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, thương mại - dịch vụ và du lịch đều tăng; công tác thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có nhiều khởi sắc.

Lĩnh vực văn hóa - xã hội đạt nhiều kết quả tích cực, công tác an sinh xã hội được chú trọng, đời sống người dân được cải thiện. Việc chăm lo các đối tượng chính sách, khó khăn, người nghèo, người lao động được triển khai kịp thời.

Quốc phòng - an ninh được tăng cường, trật tự an toàn xã hội đảm bảo. Hoạt động đối ngoại, ngoại giao kinh tế được chú trọng, từng bước khẳng định vị thế của tỉnh với các đối tác trong và ngoài nước.

image-20230322042956-5-5206.jpg
Lãnh đạo các tỉnh, thành khu vực Đông Nam bộ tại Hội nghị tổng kết Hợp tác kinh tế xã hội.

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn (GRDP) đạt 8,34%, vượt kế hoạch đề ra (8%), đứng đầu khu vực Ðông Nam bộ và đứng thứ 11 cả nước; GRDP bình quân đầu người đạt 93,94 triệu đồng/người/năm, tăng 11% so với năm 2022; thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) được 48 dự án, với số vốn 739,23 triệu USD, đạt 277% so với kế hoạch năm.

Dịch vụ công kết nối Cổng dịch vụ công quốc gia xếp thứ 4/63 tỉnh, thành. Tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội ước thực hiện hơn 33.288 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch, tăng 9,4% so với năm 2022.

Trong năm 2023, Bình Phước là tỉnh đầu tiên tổ chức hội nghị về văn hóa, thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, các công ty du lịch nhằm đánh giá kết quả đạt được trong bảo tồn phát triển văn hóa và tìm ra các giải pháp để phát huy giá trị của văn hóa trong tiến trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, nhất là du lịch; nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và nhân dân trong xây dựng hệ giá trị con người Bình Phước.

Sau hội nghị, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 14-NQ/TU ngày 20-11-2023, về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”. Cũng trong năm, tỉnh đã đăng cai tổ chức thành công hội nghị kết nối giao thương, tổng kết chương trình hợp tác kinh tế - xã hội giữa TPHCM với các tỉnh Đông Nam bộ, mở ra cầu nối, cơ hội tiêu thụ hàng hóa cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh khi được tiếp cận với các nhà phân phối lớn của TPHCM.

tim-hieu-san-pham-cua-binh-phuoc-tai-hoi-nghi-ket-noi-giao-thuong-giua-tphcm-voi-cac-tinh-dong-nam-bo-to-chuc-tai-tp-dong-xoai-trong-nam-2023-601.jpg
Tìm hiểu sản phẩm của Bình Phước tại Hội nghị kết nối giao thương giữa TPHCM với các tỉnh Đông Nam bộ, tổ chức tại TP Đồng Xoài trong năm 2023.

Tuy vậy, năm qua cơ cấu kinh tế chuyển dịch chưa đạt kế hoạch đề ra, trong đó thu ngân sách đạt thấp, số doanh nghiệp và số hợp tác xã thành lập mới và số giường bệnh trên vạn dân không đạt kế hoạch. Tình trạng gây ô nhiễm môi trường tại một số doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi và tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn vẫn còn xảy ra.

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư

Trong năm 2024, Bình Phước đã đề ra một số mục tiêu tổng quát: tiếp tục phát huy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, tạo động lực mới để phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, vững chắc, đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp lý, cao hơn mức bình quân chung của cả nước; tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là các dự án giao thông kết nối liên vùng, hạ tầng đô thị, hạ tầng chuyển đổi số để đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo động lực phát triển nhanh và bền vững.

Để hoàn thành các mục tiêu trên, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Phước đã đưa ra từng giải pháp cụ thể. Trong đó, thực hiện quyết liệt công tác thu ngân sách và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án; tập trung đầu tư hoàn thành dứt điểm các dự án, công trình đã được phê duyệt, đang triển khai dở dang; đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; liên kết hợp tác với các tập đoàn viễn thông để phát triển hạ tầng số, lắp đặt mạng 5G trên địa bàn tỉnh.

Thường xuyên gặp gỡ và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhất là trong triển khai thực hiện các thủ tục nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh và chỉ số năng lực cạnh tranh (DDCI) của các sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố.

Củng cố quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc biên giới; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; quảng bá mạnh mẽ hình ảnh và tiềm năng, thế mạnh của Bình Phước để thu hút đầu tư; từng bước nâng cao tầm vóc và vị thế của tỉnh với các đối tác trong và ngoài nước.

Chia sẻ bên thềm năm mới 2024, bà Trần Tuệ Hiền, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cho biết: “Tỉnh tiếp tục cơ cấu lại các ngành kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Tập trung đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là các dự án giao thông kết nối liên vùng, hạ tầng đô thị, hạ tầng chuyển đổi số".

Trong đó, đẩy nhanh tiến độ thực hiện thủ tục đầu tư để sớm triển khai các dự án giao thông kết nối liên vùng như: Cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước), cao tốc TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, đường Đồng Phú - Bình Dương.

"Tỉnh cũng sẽ thực hiện đồng bộ các chính sách, giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu phát triển ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, phong trào khởi nghiệp. Bên cạnh đó, phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo đảm gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và nâng cao đời sống nhân dân”, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước khẳng định.

Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2024

GRDP tăng 8-8,5% so với năm 2023. GRDP bình quân đầu người đạt 100 triệu đồng, tăng 6,5%. Kim ngạch xuất khẩu đạt 4,56 tỷ USD, tăng 9%; trong đó, các mặt hàng chủ lực là hạt điều nhân đạt 1,27 tỷ USD, cao su 870 triệu USD và giày dép các loại 800 triệu USD.

Thu ngân sách 12.739,6 tỷ đồng, tăng 6,29%. Thu hút đầu tư trong nước 7.000 tỷ đồng, tăng 7,7%; thu hút FDI 400 triệu USD. Tổng doanh thu du lịch đạt 810 tỷ đồng, tăng 48% so với năm 2023 và số lượt khách du lịch nội địa đạt 1,23 triệu lượt.

Có 1.100 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Giảm 500 hộ nghèo. Thêm 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia 57,69%, tăng 12,59% so với năm 2023. Số giường bệnh và số bác sĩ trên vạn dân đạt 28,6 giường và 8,9 bác sĩ.

Các tin khác